Giáo viên mầm non ngoài công lập mòn mỏi chờ trợ cấp

Giáo viên mầm non phải làm thêm, bán hàng trong thời gian trường tạm đóng cửa vì dịch COVID-19
Giáo viên mầm non phải làm thêm, bán hàng trong thời gian trường tạm đóng cửa vì dịch COVID-19
TP - Nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập trên địa bàn TPHCM  đang mòn mỏi chờ trợ cấp gói cứu trợ  do ảnh hưởng dịch COVID-19. Sau nhiều lần đi lại hoàn thiện hồ sơ không được, có người đành buông xuôi.

Thủ tục chồng chéo

Hiệu trưởng một trường mầm non ngoài công lập ở quận 12 cho biết, sau khi nghe thông tin giáo viên của mình thuộc nhóm đối tượng được UBND TPHCM hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, vị này đã rất vui mừng lập danh sách để gửi lên phòng GD&ĐT quận. “Tuy nhiên, từ vui mừng giáo viên chuyển sang hụt hẫng bởi thủ tục chồng chéo”, hiệu trưởng này nói.

Theo vị hiệu trưởng này, hồ sơ sau khi chuyển lên phòng giáo dục quận, lại được chuyển ngược về phường. Giáo viên lên phường làm đủ các loại giấy tờ xác nhận, bổ sung thông tin… mới được biết mình không đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ. Sau đó các cô được hướng dẫn lên BHXH để tìm câu trả lời. “Theo BHXH, các cô vẫn đang được đóng BHXH nên mặc định vẫn được hưởng lương bình thường, do đó không thuộc đối tượng nhận hỗ trợ”, hiệu trưởng nói.

Lý giải về việc giáo viên nghỉ dịch nhưng vẫn được đóng BHXH, vị hiệu trưởng này cho biết, từ tháng 2, trường đóng cửa nhưng các quyết định cho nghỉ học được tính theo tuần nên nhiều giáo viên vẫn đến trường làm việc, trường vẫn phải trả lương, đóng BHXH đầy đủ. “Đến tháng 3, nhận thấy ngày mở lại cửa trường còn xa và khó khăn chồng chất nên có thỏa thuận với giáo viên về việc không trả lương nhưng để đảm bảo quyền lợi, nhà trường vẫn đóng BHXH cho các cô giáo”, vị hiệu trưởng tâm sự.

Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn TPHCM. Ngoài ra, một số giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên dạy tư thục các nhóm trẻ còn vướng vào các thủ tục khác như không có hợp đồng lao động, không có BHXH… nên cũng không nhận được tiền hỗ trợ.

Sở LÐTH&XH đề xuất “gỡ vướng”

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH TPHCM tính đến ngày 18/5 về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ do đại dịch COVID-19 tại TPHCM, nhiều quận huyện vẫn chưa thể chi được đồng nào hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập.

Điển hình như quận 2 có 1.735 giáo viên mầm non ngoài công lập, trong đó có 644 người có tham gia BHXH, 1.091 người không có BHXH và chưa giải quyết được trường hợp nào; quận Tân Bình có 1.927 giáo viên ngoài công lập, trong đó có 865 người có BHXH, 1.062 người không có BHXH…

Ông Nguyễn Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, TPHCM thừa nhận nhiều giáo viên đang gặp vướng mắc trong quá trình làm thủ tục nhận hồ sơ nhận tiền hỗ trợ. “Phòng đang chỉ đạo hỗ trợ nhiệt tình và chờ ý kiến từ cơ quan cấp trên”, ông Dân nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, phòng nhận được danh sách 2.138 trường hợp đề nghị được nhận tiền hỗ trợ. “Tuy nhiên, sau khi xác minh, duyệt hồ sơ, một số trường rút không tham gia nữa, cũng có trường bị trả hồ sơ do không đủ điều kiện, số khác thì hồ sơ chưa đầy đủ… Hiện phòng đã chi cho hơn 460 trường hợp, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho tháng 4”, ông Thủy nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT quận 9 cho biết, quận đã chi hỗ trợ cho 397 trường hợp trong đợt 1, còn khoảng 50 hồ sơ khác đang tiếp tục bổ sung đăng ký và sẽ chi trong đợt tiếp theo. Theo bà Hiền, số lượng giáo viên ngoài công lập rất nhiều song tỷ lệ người thuộc diện không đủ điều kiện nhận hỗ trợ cũng khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do họ không tham gia BHXH hoặc đã hưởng bảo hiểm thất nghiệp…

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết, Sở đã làm đề xuất gửi UBND TPHCM nhằm tháo gỡ vướng mắc, giúp các giáo viên sớm nhận được tiền hỗ trợ.  Ngoài ra, theo ông Tấn, lãnh đạo sở đã  chỉ đạo các phòng phải giải ngân 100% tiền hỗ trợ trong tháng 6 cho các hồ sơ đủ điều kiện. 

Tại TPHCM, người lao động ngoài được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ (gói 62.000 tỷ đồng) còn có khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 02 của HĐND TPHCM. Cụ thể, theo Nghị quyết 02, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc, tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Dự kiến sẽ có khoảng 600.000 người lao động tại TPHCM được hỗ trợ theo nghị quyết 02 của HĐND TPHCM. 

MỚI - NÓNG