'Giải cứu giáo viên mầm non': Xót xa mùa dịch!

Nhiều giáo viên đã phải tự cứu mình bằng cách trả nhà trọ, đến xin ở nhờ trường học để làm thêm, bán hàng
Nhiều giáo viên đã phải tự cứu mình bằng cách trả nhà trọ, đến xin ở nhờ trường học để làm thêm, bán hàng
TP - Nhiều trường tư thục đang rơi vào tình cảnh khó khăn khi không có nguồn thu song vẫn phải cầm cự để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội… cho giáo viên vì dịch Covid-19. Thậm chí, có trường còn phải cắt giảm nhân sự, giải thể hoặc sang nhượng khiến giáo viên rơi vào cảnh bơ vơ…

Tính đến nay đã tròn 1 tháng cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều trường đã thiệt hại vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Nếu kéo dài thì có trường buộc phải giải thể hoặc sang nhượng.

Cầm nhà… giữ trường

Ông Nguyễn Trọng Trung, chủ hai cơ sở mầm non tại TPHCM đang trong tình cảnh vô cùng khó khăn khi mỗi tháng mất trắng gần 500 triệu đồng. Ông Trung cho biết, Cơ sở mầm non Thiên Ân (quận Thủ Đức) mỗi tháng tốn 60 triệu đồng tiền mặt bằng; 200 triệu đồng tiền lương giáo viên, nhân viên; 50 triệu đồng đóng bảo hiểm. Trong khi đó, trường mầm non Hương Nắng Hồng cũng ngốn mỗi tháng 50 triệu đồng tiền mặt bằng; 100 triệu đồng tiền lương và 40 triệu đồng bảo hiểm. “Tính đến nay đã tròn 1 tháng cho học sinh nghỉ học, cộng với kỳ nghỉ Tết trước đó nên gần hai tháng nay, trường chỉ có chi mà không có thu”, ông Trung nói.

Dù tình cảnh khó khăn song ông Trung cho biết: “Vẫn sẽ cố gắng cầm cự bởi tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, bán trường thì tiền đầu tư coi như mất trắng, mà bán thời điểm này ai dám mua. Do đó, để giữ trường, vợ chồng tôi đang làm hồ sơ để cầm cố căn nhà đang ở”.

Theo ông Trung, đây là tình cảnh khó khăn chung của những người làm kinh doanh, nhiều đồng nghiệp khác không trụ nổi buộc phải rao bán trường, cũng có trường không trả lương, có trường trả ít khiến cuộc sống của giáo viên cũng vô cùng khó khăn… “Khoản lỗ 500 triệu/tháng là mình đã thương lượng với giáo viên chỉ trả 50% tiền lương và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, may mắn là được giáo viên hiểu và thông cảm để cùng mình tiếp tục đồng hành. Giờ chỉ mong sao dịch bệnh nhanh qua, sớm cho học sinh đi học trở lại chứ không cũng không biết cầm cự được bao lâu”, ông Trung nói.

Bà Lê Thị Bé Tuyết, chủ cơ sở mầm non Đô Rê Mi (Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, dù trường không phải tốn tiền thuê mặt bằng nhưng trong thời gian không hoạt động tính cho đến tháng 3, chỉ riêng chuyện trả lương và các khoản trích theo lương dự trù đã hết 500 triệu đồng. Do đó, trường buộc phải cắt giảm 1/3 nhân sự để các cô được hưởng trợ cấp thất nghiệp và hứa khi trường hoạt động trở lại sẽ tiếp nhận.

Hiệu trưởng lấy hàng cho giáo viên bán 

Tình cảnh nghỉ học dài ngày không chỉ khiến các chủ trường khó khăn mà ngay cả bản thân giáo viên cũng vất vả không kém, nhiều người phải trả nhà trọ, xin vào trường ở để tiết kiệm chi phí.
Cô Nguyễn Thị Hồng Trâm, giáo viên mầm non trường Mỹ Đức, quận 12 cho biết, từ Tết đến giờ chỉ mới đến trường dạy 2 ngày thì học sinh phải nghỉ học. “Không làm ra tiền nhưng vẫn phải ăn uống, rồi tiền trọ, tiền điện nước… nên tôi cùng với vài cô khác phải trả nhà trọ, xin cô hiệu trưởng vào trường ở”, cô Trâm tâm sự.

Cũng theo cô Trâm, gần 1 tháng qua, cô và những người đồng nghiệp khác vẫn đến trường để dọn dẹp, vệ sinh trường lớp với mong muốn sớm được đón học sinh nhưng giờ thì không biết phải đợi đến bao giờ. 

Cô Nguyễn Hoàng Lăng Viên, Hiệu trưởng trường mầm non Mỹ Đức cho biết, để tạo điều kiện cho giáo viên có thêm thu nhập, đích thân cô đóng vai thương lái về quê lấy cam, xoài, măng cụt…  mang lên cho các cô bán. Một số cô khác thì ban ngày đến nhà phụ huynh giữ con, tối lại về trường ở…

Mới đây, một nhóm giáo viên 9X trường mầm non tư thục chân mang dép lê, đầu đội nón lá đứng bán hàng giữa cái nắng gắt trên quốc lộ 1. Túp lều lá nơi các cô đứng bán treo dòng chữ “giải cứu giáo viên mầm non”.

Cô Thanh Thị Kim Anh (23 tuổi, quê Bình Thuận) cho biết, từ ngày mùng 5 tết các cô đã phải lặn lội bắt xe đò vào thành phố để dạy học, nào ngờ chỉ mới dạy chưa được một tuần thì dịch bệnh, nghỉ làm từ đó đến nay. “Dù trường đã hỗ trợ 50% lương song vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống, chúng em buộc phải trả phòng trọ xin vào trường ở tạm cho đến ngày học sinh đi học trở lại”, cô Kim Anh kể.

Cũng theo cô Kim Anh, do nghỉ học dài ngày nên các cô bàn nhau nấu nước, mua thêm nước rửa tay, giày dép, áo quần về bán để kiếm thêm. Để bắt mắt, các cô nhờ chú bảo vệ dựng lều rồi trang trí thêm cho đẹp, những thanh tre nhỏ, lá dừa lợp mái… đều tận dụng từ lễ hội mùa xuân trước tết của trường. 

“Ngày nào đông khách thì bán được 500- 700 ngàn đồng, ế thì 200- 300 ngàn đồng… Ngồi buồn buồn vì bán ế khách, thấy mọi người ai cũng hô hào giải cứu nông sản, trong khi giáo viên mầm non cũng đang thất nghiệp, cuộc sống khó khăn, tại sao mình không kêu gọi mọi người giải cứu mình. Thế dòng chữ “giải cứu giáo viên mầm non” ra đời”, cô Kim Anh kể.


MỚI - NÓNG