Giao thông TPHCM chưa tương xứng với vị trí, vai trò 'đầu tàu' kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay Nghị quyết 98 của Quốc hội đã cho phép TPHCM thực hiện nhiều giải pháp để phát huy nguồn lực cho các công trình hạ tầng giao thông. 

Sáng 11/7, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM.

Các vị đại biểu HĐND TP đã đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề công tác quy hoạch, phát triển giao thông vận tải; tình hình triển khai và thực hiện các dự án công trình giao thông trọng điểm; quy hoạch bến, bãi đậu xe; vận tải hành khách công cộng…

Giao thông kết nối vùng còn chậm

Đại biểu Lê Minh Đức (quận 4) đánh giá, tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng hiện nay vẫn còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số, chưa tương xứng với vị trí, vai trò “đầu tàu” kinh tế của TPHCM. “Việc chậm trễ này đang là điểm nghẽn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ riêng của Thành phố mà còn là cả vùng Đông Nam Bộ” - Đại biểu Lê Minh Đức đặt vấn đề.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, để thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối phải cần triển khai thực hiện các dự án. Và để triển khai các dự án thì cần có nguồn lực và thời gian. Vừa qua, UBND TP đã có đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ của đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Qua đó cho thấy, nguồn lực dành cho giao thông so với kế hoạch thực hiện đề án chỉ đạt khoảng 30%.

“Vấn đề đầu tiên là về nguồn ngân sách. Ngoài ra, có nhiều dự án dự định sẽ thực hiện theo phương thức công tư (PPP). Ví dụ như hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với việc thanh toán bằng quỹ đất rất thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phương án thanh toán này đã không còn phù hợp theo luật. Tiếp theo, các dự án BOT trên đường hiện hữu cũng không được phép vì vướng quy định”- ông Trần Quang Lâm thông tin.

Giao thông TPHCM chưa tương xứng với vị trí, vai trò 'đầu tàu' kinh tế ảnh 1

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, trả lời chất vấn. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Cũng theo ông Lâm, hiện nay Nghị quyết 98 của Quốc hội đã cho phép TPHCM thực hiện nhiều giải pháp để phát huy nguồn lực cho các công trình hạ tầng giao thông.

Cụ thể, TPHCM sẽ triển khai thí điểm các dự án BOT trên một số tuyến đường bộ hiện hữu (sẽ áp dụng trên đường trục chính và đường trên cao). Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẽ kêu gọi đầu tư dự án theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền (ngân sách trả chậm) cho nhà đầu tư.

“Chúng ta sẽ đầu tư giai đoạn này và thanh toán cho nhà đầu tư vào giai đoạn trung hạn sau đó. Hình thức này trước đây thành phố cũng đã từng thực hiện ở cầu Sài Gòn 2”- Giám đốc Sở GTVT TPHCM thông tin thêm.

Ngoài ra, cũng theo ông Trần Quang Lâm, TPHCM sẽ thí điểm áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) - là các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính để tạo nguồn lực từ các quỹ đất dọc theo các dự án giao thông.

Nghiên cứu phát triển "kinh tế giao thông"

Đại biểu Đặng Trần Trúc Dao (huyện Hóc Môn) cũng bày tỏ sự quan tâm về việc triển khai mô hình TOD và câu chuyện về “làm kinh tế giao thông thay vì chỉ là dự án giao thông” theo gợi ý của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi.

Liên quan vấn đề này, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng cho rằng nếu ngồi chờ ngân sách và hợp tác công tư để làm các dự án sẽ chậm. Như vậy muốn chủ động nguồn vốn để đầu tư hạ tầng phải có kinh tế giao thông, trong đó có mô hình TOD.

Giao thông TPHCM chưa tương xứng với vị trí, vai trò 'đầu tàu' kinh tế ảnh 2

Một đoạn thuộc tuyến metro số 1 TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: Phạm Nguyễn.

Hiện nay Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã thành lập 2 tổ công tác gồm: Tổ nghiên cứu TOD do Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì và Tổ triển khai thực hiện Nghị quyết 98, để triển khai thực hiện cơ chế.

Theo ông Lâm, TPHCM sẽ nghiên cứu quy hoạch phát triển các dự án dọc theo các tuyến đường sắt đô thị, Vành đai 3 TPHCM.

“Để triển khai mô hình TOD phải xuất phát từ quy hoạch. Quy hoạch ở đây là xung quanh các nút giao của tuyến Vành đai 3 TPHCM và các tuyến cao tốc khác trong vùng như cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 4 và quy hoạch các nhà ga xung quanh các tuyến metro.

Theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM được thực hiện dự án thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng độc lập, tách khỏi dự án xây dựng. Ngoài ra, Thành phố cũng được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo quy mô dân số đảm bảo hạ tầng” - ông Trần Quang Lâm nói và cho biết thêm, từ các cơ chế trên, TPHCM sẽ rà soát, xác định những phạm vi, những dự án để bắt đầu thực hiện điều chỉnh quy hoạch và nghiên cứu lập dự án thu hồi đất, tạo quỹ đất “sạch”. Việc này sẽ vừa phát huy được quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông.

MỚI - NÓNG