Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân

Đại diện Ban biên tập Báo Tiền Phong tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh: Duy Phạm
Đại diện Ban biên tập Báo Tiền Phong tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh: Duy Phạm
TPO - Ở Việt Nam hiện đang là mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
giao luu suc khoe 8/11

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

08/11/2019 10:23

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân ảnh 1 BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Hiện nay tại các bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân SXH điều trị và đến khám hàng ngày. Xin ông cho biết tình trạng bệnh SXH hiện nay có gì khác so với năm 2018 không? 

Quangyen@gmail.com

Tôi đọc báo thấy đưa tin tỷ lệ bệnh nhân SXH đang gia tăng, xin ông cho biết có sự biến đổi gì ở chủng virus gây SXH năm nay không? 
hungduonghieu@26042014.com.vn

BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:

Năm 2019, tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và gia tăng tại rất nhiều quốc gia, trong đó tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều ghi nhận số mắc, tử vong gia tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2019: Phi-líp-pin ghi nhận 322.693 trường hợp mắc, 1.272 trường hợp tử vong, số mắc tăng 2,2 lần, tử vong tăng 498 trường hợp so với cùng kỳ 2018; Malaysia ghi nhận 102.734 trường hợp mắc, 149 trường hợp tử vong, số mắc tăng 1,8 lần, tử vong tăng 51 trường hợp so với cùng kỳ 2018. Ngoài ra Lào (30.000/59), Singapore, Campuchia, Trung Quốc... ghi nhận số mắc hàng tuần liên tục tăng cao so với cùng kỳ 2017, 2018 và dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với số mắc hàng tuần ghi nhận vẫn ở mức cao.

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ sốt xuất huyết năm 2019. Bệnh lưu hành ở cả 63 tỉnh thành phố trên cả nước. Do đang trong cao điểm mùa dịch nên số mắc hàng tuần hiện nay vẫn ở mức cao. Tuy vậy tình hình dịch bệnh trong khoảng 8 tuần gần đây có xu hướng chững lại nhưng chưa giảm rõ rệt do đặc điểm dịch tễ hàng năm mùa dịch cao điểm từ tháng 9 đến tháng 11. Hiện chưa có sự biến đổi về các chủng vi rút lưu hành gây bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam so với các năm trước, trong 4 tuýp vi rút lưu hành ở Việt Nam, týp D1, D2 là phổ biến hơn (trên 80%). Tỷ lệ tử vong thấp hơn các năm trước, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình cao, mưa nắng thất thường, thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Trong khi đó tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể so với trước đây; sự phối hợp của người dân trong công tác phòng chống dịch chưa cao; di biến động dân cư, quá trình đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại, khu tập thể cũ và các khu dân cư có nhiều học sinh, sinh viên thuê làm phát sinh nhiều dụng cụ chứa nước không được quan tâm xử lý nên nguy cơ mắc bệnh tại các khu vực này cao hơn.

08/11/2019 10:27

Xin PGS cho biết tình hình chung về bệnh nhân SXH hiện đang điều trị tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới? Có nhiều bệnh nhân bị biến chứng của SXH không?

Mainhatrang123@gmail. com

 PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai):

Tình hình SXH năm nay tăng đột biến hơn so với năm ngoái, đặc biệt từ tháng 8 và tăng cao điểm vào tháng 10, tháng 11 do thời tiết thay đổi chuyển mùa và mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển. Từ tháng 10 đến nay, số ca nặng phải nhập viện tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai trung bình 10-20 ca/ ngày và số ca khám điều trị ngoại trú từ 30-50 ca/ngày. Nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc, có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào tử vong.

08/11/2019 10:36

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân ảnh 2

BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Theo dự báo của ngành y tế, mùa đông xuân năm nay dịch bệnh nào có nguy cơ bùng phát? Người dân làm gì để phòng chống? Xin cảm ơn ông.

phamlongduyanh@gmail.com

BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:

 Mùa đông - xuân thời tiết lạnh, ẩm, bên cạnh đó nhu cầu đi lại, buôn bán gia cầm tăng nhanh và đây cũng là thời điểm tập trung đông người ăn uống làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: cúm mùa, cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, thủy đậu, viêm màng não do não mô cầu. Cùng với đó, các dịch bệnh như: cúm H7N9, sốt vàng, Mers-Cov... vẫn còn nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta. Ngoài ra, còn có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trong dịp Tết và mùa lễ hội do tập trung ăn uống đông người như bệnh: tiêu chảy, liên cầu lợn,...

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, thủy đậu …). Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, thủy đậu …

Hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Nhà tôi có người bị SXH nằm viện, trong bệnh viện tôi thấy rất đông bệnh nhân nên thực sự lo lắng cho con nhỏ. Xin bác sĩ cho biết liệu có thể xảy ra dich SXH lớn như năm 2017 không?

Trần Minh Duyên(Nam Định)

BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành thường xuyên ở nước ta, ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước tuy mức độ có khác nhau tùy thuộc vào từng vùng địa lý, khí hậu thời tiết trong năm thích hợp cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển (thời tiết nóng ẩm, mùa mưa...), số mắc thường gia tăng mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

Theo diễn biến dịch tễ hàng năm, hiện đang là thời điểm ghi nhận số mắc cao tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có cả bệnh nhân người lớn và trẻ em, ngành y tế đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và đặc biệt là người dân trong diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi truyền sốt xuất huyết là rất quan trọng.

08/11/2019 10:40

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân ảnh 3 PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai)
Quá trình điều trị cho bệnh nhân trong mùa dịch SXH năm nay, bác sĩ thấy có gì khác hay đột biến so với năm 2018 không? Liệu chúng ta có phải đối mặt với vụ dịch lớn như năm 2017 không khi số bệnh nhân nhập viện điều trị SXH đang gia tăng như thông tin Bộ Y tế công bố trên báo chí?
Linh An (Bình Chuẩn, Bình Dương)

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai):
So với vụ dịch SXH năm 2017 ở Hà Nội (đỉnh điểm là tháng 8)  thì năm nay SXH xảy ra muộn hơn, số lượng không nhiều bằng năm 2017. Tuy nhiên SXH năm nay có một số điểm cần lưu ý như dịch tập trung lúc đầu ở khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, …sau đó lan sang các quận nội thành như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa,…

Đặc biệt, là dịch năm nay có một số bất thường như tỉ lệ người già mắc nhiều hơn, nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng như sốc, chảy máu nặng, tổn thương nội tạng như viêm não- màng não, viêm tủy, viêm cơ tim, tổn thương gan, thận, xảy thai hoặc thai lưu trên phụ nữ có thai. Điều này đòi hỏi phải hết sức lưu ý trong thời gian tới khi tháng 11 được coi là đỉnh điểm của vụ dịch và nhiều các bệnh nhân nặng biến chứng hay xảy ra.

08/11/2019 10:46

Tôi muốn biết, phun hóa chất có tác dụng như thế nào để phòng bệnh SXH? Bình xịt dùng trong gia đình có thể giúp phòng bệnh này không?

Chuongnguyennhu@gmail.com
BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:

  Phun hóa chất là một trong các biện pháp để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tức thì khi có ổ dịch tránh lây lan bùng phát dịch bệnh. Sử dụng bình xịt muỗi tại gia đình chỉ là biện pháp diệt muỗi tạm thời trong phạm vi rất nhỏ.

Biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết quan trọng và cơ bản nhất hiện nay là thường xuyên loại trừ lăng quăng bọ gậy tại các hộ gia đình, nơi làm việc, khu vực vui chơi sinh hoạt cộng đồng. Các biện pháp có thể thực hiện bao gồm thu dọn vật liệu phế thải có thể gây đọng nước tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng; loại bỏ hoặc lật úp các vật dụng, dụng cụ có thể chứa nước tự nhiên, các ổ nước đọng tự nhiên; thả cá vào bể nước, …

08/11/2019 10:47

Xin bác sĩ cho lời khuyên những người sống tại nơi có bệnh nhân SXH cần làm gì để tránh nguy cơ nhiễm bệnh này?

dungnguyenhoang2005@gmail.com

BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:

 Để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

08/11/2019 10:49

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân ảnh 4  
Xin cho biết, SXH có thể tiêm ngừa không? Em có con năm tới học lớp 5, bán trú ở trường. Vậy cần làm gì để bé không bị mắc SXH vì gia đình lo bé có thể lây bệnh khi ở trường học. Ngoài ra nếu bé có sốt thì triệu chứng nào cần đưa đến bệnh viện nào?
Nguyễn Thị Nhân (Đồng Thanh, Vũ Thư, Thái Bình)

 PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai):

SXH do vi rút Dengue lây truyền bởi muỗi Aedes aegypti, là một loại muỗi vằn sống ở thành thị đốt truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Hiện nay chưa có vắc- xin phòng bệnh.Do vậy các biện pháp phòng bệnh hiện nay là không đặc hiệu bao gồm nằm màn, mặc quần áo tránh muỗi đốt, bôi kem chống côn trùng cắn, phun thuốc diệt muỗi, cải tạo môi trường, tiêu diệt loăng quăng bọ gậy, hạn chế nơi đẻ trứng của muỗi ở những vật đựng nước ở trong nhà hay quanh nhà.

Nếu bé có biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, mệt nhiều thì cần đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu xem có bị SXH hay không. Đây là một xét nghiệm đơn giản, nhanh phát hiện sớm SXH để bác sĩ có thể chẩn đoán và xử trí kịp thời.

08/11/2019 10:50

Xin bác sĩ cho lời khuyên những người sống tại nơi có bệnh nhân SXH cần làm gì để tránh nguy cơ nhiễm bệnh này?

huykhanhnaka678@gmail.com
BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:

Để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

08/11/2019 10:58

Mùa Đông - Xuân ở miền Bắc thường xảy ra rất nhiều dịch bệnh, từ viêm đường hô hấp đến tay chân miệng, sởi, viêm phổi, tiêu chảy... Tình trạng này là do đâu? Có biện pháp gì để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm này không, thưa bác sỹ?

Mai Thảo (Hải Dương)
BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:

Thời tiết lạnh, ẩm của mùa đông-xuân là khoảng thời gian rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng.

Riêng đối với khí hậu miền Bắc, đây là nơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi thời tiết mùa đông - xuân lạnh hơn so với các khu vực khác, vì vậy làm gia tăng khả năng bùng phát các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), A(H5N1), tiêu chảy do vi rút Rota, …

08/11/2019 11:02

Mầm bệnh tay chân miệng có thể có ở đâu, diệt mầm bệnh bằng xà phòng có được không, thưa bác sỹ?

Trần Nguyễn Hoa Lê (Uông Bí, Quảng Ninh)
BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:

 Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Trên thế giới: Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra nhỏ lẻ hoặc bùng phát thành dịch ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, dịch thường xảy ra quanh năm.

Bệnh lưu hành phổ biến với số mắc cao tại nhiều nước khu vực Tây Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Đặc biệt, năm 2018, ghi nhận đợt bùng phát dịch tại Malaysia, chính quyền địa phương đã đóng cửa tạm thời 701 cơ sở giáo dục, trường học và trường mầm non.

Tại Việt Nam, bệnh lưu hành quanh năm ở cả 63 tỉnh thành phố, số mắc có xu hướng tăng cao vào mùa tựu trường tháng 9, tháng 10 hàng năm. Mầm bệnh chân tay miệng có thể xuất phát từ người bệnh lây nhiễm sang bề mặt các đồ dùng, vật dụng, đồ chơi và lây nhiễm cho người khác khi tiếp xúc trực tiếp.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Các biện pháp làm sạch đồ chơi cho trẻ: Đồ chơi chung: Khử trùng hằng ngày hoặc mỗi buổi; rửa với xà bông, nước và lau bằng khăn sát trùng. Đồ chơi rửa được trong nước: Ngâm (nước ấm) với xà phòng, rửa lại bằng nước sạch, hong khô; hoặc ngâm trong thuốc tẩy (pha loãng 1:50) và hong khô; hoặc lau bề mặt bằng gạc cồn. Đồ chơi không rửa được bằng nước (như đồ điện tử, hoặc chất liệu không được rửa bằng nước)thì lau sạch gạc cồn, lưu ý các góc, hốc, chỗ nứt.

08/11/2019 11:03

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân ảnh 5 PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai)
Triệu chứng của bệnh SXH là gì và xử trí thế nào, thưa bác sĩ?
Nguyễn Đăng Ý (Văn Giang, Hưng Yên)

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai):

Triệu chứng của SXH là sốt cao đột ngột, liên tục, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi, chán ăn,..Giai đoạn sốt kéo dài từ 3-7 ngày. Từ ngày thứ 4 trở đi có thể xuất hiện các biến chứng nặng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết (nữ giới). Một số trường hợp thoát huyết tương dẫn đến cô đặc máu và có thể dẫn tới sốc giảm thể tích, hoặc có thể suy các cơ quan nội tạng như suy gan thận, viêm cơ tim, viêm não- màng não,…

Cách xử trí trong những ngày đầu chỉ điều trị triệu chứng bằng cách chườm mát, uống thuốc hạ sốt (paracetamol 500mg ở người lớn cứ 4 tiếng uống 1 viên nếu sốt trên 38,5 độ), bù dịch bằng đường uống (orerol, nước hoa quả, nước canh,…). Chỉ truyền dịch (muối đằng trương hoặc Ringer lactate) khi bệnh nhân không ăn uống được và phải được theo dõi tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

08/11/2019 11:10

 Xin bác sĩ cho biết nguy cơ thai phụ mắc SXH là gì? Vợ tôi có thai được 7 tháng không may mắc SXH đã được bệnh viện truyền và cho uống bổ sung sắt vì thiếu máu, liệu thai nhi có bị ảnh hưởng gì khi mẹ bị SXH không?

TranYNhi9196(@gmail.com)

  PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai):

SXH không loại trừ một ai kể cả phụ nữ có thai. Phụ nữ có thai có thể mắc SXH bất cứ giai đoạn thai kì nào. Nguy cơ SXH có thể gây ảnh hưởng cho phụ nữ có thai là sẩy thai hoặc thai lưu đặc biệt trong 3 tháng đầu và đẻ non, chuyển dạ sớm hoặc gây chảy máu trong quá trình chuyển dạ. Không có bằng chứng SXH gây lên dị dạng ở thai cho nên phụ nữ có thai mắc SXH sau khi khỏi bệnh sau này vẫn có thể sinh con phát triển bình thường. Trường hợp vợ bạn có thai được 7 tháng được bệnh viện truyền dịch và bổ sung sắt là theo đúng phác đồ của Bộ Y tế nên bạn không cần quá lo lắng.

08/11/2019 11:12

Nếu tiêm vắc-xin muộn thì hiệu quả phòng bệnh có đạt không thưa bác sĩ?

HuyQuang@gmail.com

  Ông Phạm Hùng - Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục y tế dự phòng - Bộ y tế:

  Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành lịch tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm các loại vắc xin phòng bệnh viêm gan vi rút B, bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Hib, viêm não Nhật Bản B, sởi, bệnh Rubella ...

Đồng thời, các loại vắc xin khác cũng được triển khai tại các điểm tiêm chủng dịch vụ theo lịch khuyến cáo của nhà sản xuất. Vắc xin cần tiêm đúng lịch, đủ mũi tiêm mới đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất, nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch thì cần đưa trẻ đi tiêm chủng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác độ tuổi phù hợp với lịch tiêm chủng, cần đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng các vắc xin phù hợp.

08/11/2019 11:13

Chúng ta còn nghiên cứu về biến đổi của virus cúm không? Hiện nay virus này có thay đổi như thế nào?

thanhhuyen93@gmail.com

 Ông Phạm Hùng - Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục y tế dự phòng - Bộ y tế:

Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đang được tiếp tục duy trì thường xuyên cho đến nay và trong các năm tiếp theo, đã thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.

Đến nay hai Trung tâm cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng vi rút cúm, kể cả chủng vi rút cúm có độc lực cao. Thêm vào đó, để chủ động giám sát các chủng vi rút cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với USAID, WHO, FAO tổ chức giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm, kết quả giám sát từ năm 2013 đến nay chưa phát hiện chủng vi rút cúm A(H7N9) cả trên gia cầm và ở người. Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện thấy các chủng vi rút mới (lạ) nào tại Việt Nam.

08/11/2019 11:17

Xin bác sỹ cho biết, người lớn có thể tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não hay không?

Nguyễn Hoàng Quyên(Sơn Trà, Đà Nẵng)

  PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai):

Bệnh viêm não ở người lớn hiện nay có thể gây ra bởi virut viêm não Nhật Bản hoặc virut Herpes simplex có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Viêm não Nhật Bản đã có vắc- xin phòng bệnh. Do vậy người lớn và trẻ em đều cần phải tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản.

Thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh vi khuẩn, vi rút phát triển và lây lan như: tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi; cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu,…Trong dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, nguy cơ về các vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cao.

Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, tiêu chảy… Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em.

Để có thêm kiến thức phòng chống những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mùa Đông - Xuân, Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến mang chủ đề "Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông - Xuân". Buổi giao lưu diễn ra lúc 10h ngày 8/11/2019, tại Trụ sở báo Tiền Phong. 

Khách mời tham gia giao lưu: 

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai.

BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Bạn đọc quan tâm gửi câu hỏi về địa chỉ: online@baotienphong.com.vn

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.