Đó là những nội dung chính của buổi Giao lưu trực tuyến: “Huỳnh Văn Nén – Hành trình giải oan xuyên thế kỷ” trên báo Tiền Phong điện tử (www.tienphong. vn), sẽ diễn ra lúc 14h ngày 2/12/2015.
Khách mời của buổi giao lưu:
-Ông Huỳnh Văn Nén.
-Cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén.
-Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, người có công rất lớn trong việc giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén và 9 người khác ở vụ án Vườn điều.
-LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa , luật sư đầu tiên của các bị can vụ án vườn điều, luật sư đầu tiên có văn bản kiến nghị xét xử lại vụ án Huỳnh Văn Nén để tránh oan sai.
-Nhà báo Nguyễn Đình Quân, báo Tiền Phong.
-Một số chuyên gia pháp lý và cán bộ đã và đang công tác trong các cơ quan tố tụng.
Kính mời bạn đọc đặt câu hỏi giao lưu với các khách mời tại đây.
Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu
DANH SÁCH KHÁCH MỜI
-
Luật sư
-
Nhà báo
Bài học nào rút ra từ nỗi cơ cực 17 năm lao lý của người tù oan Huỳnh Văn Nén? Làm sao để không còn những án oan như vụ Vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén? Trong 16 – 17 năm đằng đẵng, các phóng viên báo Tiền Phong cùng các đồng nghiệp và một số cá nhân đã bền bỉ đồng hành cùng những người bị kết tội oan ở thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận như thế nào?
Đó là những nội dung chính của buổi Giao lưu trực tuyến: “Huỳnh Văn Nén - Hành trình giải oan xuyên thế kỷ trên báo Tiền Phong điện tử (www.tienphong. vn), diễn ra lúc 14h ngày 2/12/2015.
Từ phải sang trái: Ông Huỳnh Văn Nén, cụ Huỳnh Văn Truyện, ông Nguyễn Thận và luật sư Nguyễn Hồng Hà tại Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại TP.HCM trước cuộc giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc.
BUỔI GIAO LƯU BẮT ĐẦU:
Mở đầu chương trình giao lưu trực tuyến, nhà báo Trần Công Hùng - Phó Giám đốc Khối Truyền thông Điện tử, Trưởng ban Pháp luật báo Tiền Phong phát biểu đề dẫn:
Kính thưa các vị khách quý! Kính thưa bạn đọc.
Sáng 28/11, tại UBND thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định đình chỉ điều tra bị can cho ông Huỳnh Văn Nén, chính thức công nhận ông Nén là người vô tội. Cũng từ quyết định này, Ông Huỳnh Văn Nén mang một kỷ lục không ai muốn mang: Người mang 2 án giết người, đều là án oan, với hơn 17 năm lao lý.
Bài học nào rút ra từ nỗi cơ cực 17 năm hàm oan của ông Huỳnh Văn Nén? Làm sao để không còn những án oan như vụ Vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén? Trong 16 – 17 năm đằng đẵng, các phóng viên báo Tiền Phong cùng các đồng nghiệp và một số cá nhân đã bền bỉ đồng hành cùng những người bị kết tội oan ở thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận như thế nào?
Vì những lý do trên, hôm nay, Báo Tiền Phong tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến: “Huỳnh Văn Nén và Hành trình giải oan xuyên thế kỷ”.
Đến dự buổi giao lưu, Báo Tiền Phong trân trọng giới thiệu các vị khách mời:
- Ông Huỳnh Văn Nén.
- Cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén.
- Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, người có công rất lớn trong việc giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén và 9 người khác ở vụ án Vườn điều.
- LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa , luật sư đầu tiên của các bị can vụ án vườn điều, luật sư đầu tiên có văn bản kiến nghị xét xử lại vụ án Huỳnh Văn Nén để tránh oan sai.
- Nhà báo Nguyễn Đình Quân, báo Tiền Phong, một trong những phóng viên của báo Tiền Phong từ năm 2000 đến nay đã viết nhiều bài báo, góp phần minh oan cho các bị can, bị cáo trong 2 vụ án oan này.
Tiếp theo, Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu bắt đầu buổi giao lưu:
Kính thưa ông Huỳnh Văn Nén và các vị khách mời,
Kính thưa bạn đọc,
Những ngày này, một sự kiện tư pháp đang thu hút sự chú ý rất lớn của công luận: Đó là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết người cướp của, tức thừa nhận ông Nén vô tội sau khi đã thụ án hơn 17 năm. Trước hết thay mặt báo Tiền Phong, tôi xin chúc mừng ông Huỳnh Văn Nén, cụ Huỳnh Văn Truyện và tất cả những ai đã quan tâm và tham gia vào công cuộc minh oan kéo dài đến gần 20 năm cho ông Nén.
Kính thưa quý vị,
Đây là một sự kiện gây những cảm xúc nhiều cung bậc và bạn đọc rất muốn được biết thêm thông tin về trường hợp oan sai của ông Nén, quá trình đấu tranh để chứng minh ông bị oan và những hậu quả, hệ quả đã và sẽ có. Bạn đọc cũng rất muốn thể hiện tình cảm và những tò mò của mình, đối với ông Nén và những người liên quan. Đáp ứng nhu cầu đó của bạn đọc, báo Tiền Phong tổ chức giao lưu trực tuyến trên Tiền Phong điện tử giữa bạn đọc với ông Nén và những người liên quan với chủ đề “Huỳnh Văn Nén - Hành trình giải oan xuyên thế kỷ”.
Mục tiêu của giao lưu này không nhằm để khoét sâu, dằn vặt về các sai lầm cũ, mà chủ yếu nhằm khai thác khía cạnh nhân văn của vụ việc, khi mà sự thật, công lý, tình người rốt cuộc đã chiến thắng. Đây không chỉ là chiến thắng của cá nhân ông Nén, của cụ Huỳnh Văn Truyện và gia đình, mà còn là thắng lợi của những người đầy tinh thần trách nhiệm và yêu thương đối với số phận con người, chiến thắng của những người như thầy Nguyễn Thận, của các luật sư đã bào chữa miễn phí vì lương tâm cho ông Nén, trong đó có vị khách mời có mặt tại giao lưu - Luật sư Nguyễn Hồng Hà.
Đây cũng là thắng lợi của nhiều nhà báo trong nhiều năm ròng đã vững tin và trở đi trở lại nêu những điều bất hợp lý và cố gắng minh oan cho ông Nén, mà trong số họ có các nhà báo Nguyễn Đình Quân, Hồ Việt Khuê của báo Tiền Phong hôm nay cũng có mặt tại giao lưu. Và cuối cùng, đây là thắng lợi của công cuộc cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành.
Một mục tiêu nữa của cuộc giao lưu là rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị đóng góp thêm cho công cuộc cải cách tư pháp, để tránh những oan sai tương tự trường hợp ông Nén trong tương lai.
Báo Tiền Phong và BTC cuộc giao lưu chân thành cảm ơn các vị khách mời và bạn đọc đã dành thời gian tham dự cuộc giao lưu. Kính chúc quý vị sức khỏe, may mắn, hạnh phúc. Chúc cuộc giao lưu bổ ích và thành công.
***
- 1. Thời gian: Thứ ba, ngày 01/12/2015 - 14:00
- 2. Địa điểm: Trụ sở Báo Tiền Phong
Trong quãng thời gian kêu oan cho ông Nén, có kỉ niệm nào sâu sắc nhất ghi lại trong ông?
Có ba kỷ niệm rất sâu sắc và ấn tượng tôi không bao giờ quên được. Khi khởi động kêu oan cho vụ án Vườn Điều, thì cũng là ngày tôi bị tai nạn giao thông ở quê vào ngày 19/11/1999, vụ tai nạn khiến tôi bị chấn thương sọ não, tôi phải chuyển vào cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Gần nửa tháng cấp cứu tôi được chuyển qua bệnh viện điều dưỡng quận 8 cũng là thời điểm cơ quan điều tra bắt các bị án. Anh Sáng chạy vào cầu cứu tôi, dù đang nằm viện nên tôi không nỡ nhìn những người như thế lâm cảnh tù tội. Tôi ngồi viết đơn tay rồi đi nhở đánh máy để kêu oan cho các bị án. Đồng thời ngày 5/12/1999, tôi gặp nhà báo Trần Mỹ và nhờ ông liên hệ với các cơ quan báo đài để kêu oan.
Thứ hai, sau khi phiên tòa xét xử phúc thẩm lần một ngày 5/4/2002, HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm. Để chuẩn bị cho xét xử sơ thẩm lần 2 vào năm 2004 lại không còn luật sư bào chữa cho các bị cáo, gia đình các bị cáo kiệt sức, tôi sức khỏe cũng hao mòn, gần như tôi bị suy kiệt. Thời điểm này, đã gửi 8 đứa trẻ của các bị cáo vào làng SOS. Giai đoạn này gần như tôi tuyệt vọng, tôi lang thang trên internet và tình cờ đọc được tin trên báo có luật sư Phạm Hồng Hải và các đồng nghiệp lập ra một dự án trợ giúp pháp lý. Vì vậy, tôi tự đặt câu hỏi tại sao lại không nhờ các luật sư này giúp đỡ. Tôi quyết định ngồi viết thư tay nhờ họ bào chữa miễn phí cho các bị cáo. May mắn mỉm cười khi các luật sư này đã nhận lời bào chữa miễn phí và theo đuổi đến khi các bị án được tuyên vô tội.
Thứ ba: Sau khi điều trị cơn đột quỵ, nhồi máu cơ tim vì bị xơ vữa động mạch, trong thời gian được cơ quan cho nghỉ dưỡng bệnh. Ông Truyện từ Cà Mau chạy lên gặp tôi, ông khóc, tôi cầm lòng không nổi. Mặc dù đang nằm trong nguy cơ đột quỵ, nhưng nghĩ rằng đây là cơ hội cuối cùng, tôi làm đơn rồi kêu cứu báo đài, trong đó có báo Tiền Phong. May mắn VKS tối cao ghi nhận, đến 16/4/2014, tổ công tác của VKS ND tối cao, do ông Đinh Khắc Tiến- phó Vụ trưởng vụ III, ông Bùi Minh Nghĩa-kiểm sát viên cao cấp, ông Đức-chuyên viên VKS tối cao từ Hà Nội trực tiếp vào cơ quan Mặt trận tổ quốc huyện Hàm Tân gặp trực tiếp tôi để đề nghị tôi cung cấp nội dung kêu oan. Rồi họ đi thu thập chứng cứ từ các địa phương.
Đến tháng 10/2014, đã có quyết định kháng nghị của VKS tối cao hủy bản án chung thân của ông Nén và bản án giám đốc thẩm của tòa án tối cao. Đây như niềm vui trọn vẹn của tôi vì tôi xác định đó là chuyến đi cuối cùng. Và may mắn đó chính là cũng là kết quả cuối cùng, giải oan cho Huỳnh Văn Nén.
Buổi giao lưu đã kết thúc. Báo Tiền Phong xin trân trọng cảm ơn các khách mời và bạn đọc đã quan tâm theo dõi.
Lý do gì ông lại khai trước tòa về việc mình biết về vụ án vườn điều, nạn nhân là bà Mỹ?
Những lời khai này là do bị bức cung và nhục hình từ giai đoạn điều tra. Tại phiên tòa tôi đã tố cáo việc bị bức cung nhục hình này.
Sáng mai ngày 3/12, tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, Viện kiểm sát, TAND tỉnh và công an tỉnh đứng ra xin lỗi tôi, đây là lời xin lỗi mà hơn 17 năm qua cơ quan pháp luật tỉnh Bình Thuận nợ tôi.
Buổi giao lưu đã kết thúc. Báo Tiền Phong xin trân trọng cảm ơn các khách mời và bạn đọc đã quan tâm theo dõi.
Theo anh, nguồn cội dẫn tới những vụ án oan đằng đẵng gần 17 năm như vụ ông Nén, là gì?
Đó là về yếu tố con người, lương tâm trách nhiệm của những người cầm cân nảy mực. Trong vụ án này, quá trình điều tra không có nhân chứng, không thu thập dấu vết, đặc biệt hai dấu chân khác nhau thu tại hiện trường giám định không trùng với kích thước chân của ông Nén. Ông Nén khai bị mớm cung, nhục hình ngay từ khi bị bắt. Đặc biệt, ông Nguyễn Phúc Thành có đơn tố giác tội phạm từ năm 2000 nhưng tất cả những người tiến hành tố tụng từ trung ương đến địa phương không xem xét giải quyết. Đến năm 2014 mới được giám đốc thẩm hủy án.
Xin hỏi ông Nén, trong quá trình đấu tranh giải oan, ông có biết đến vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang hay không? Nếu biết thì lúc nghe chuyện ông Chấn, ông cảm thấy như thế nào?
Thưa cụ Huỳnh Văn Truyện, trong suốt 17 năm qua đi kêu oan cho con mình, cụ có thấy những lúc nản chí không? Điều gì khiến cụ vẫn tin sẽ có ngày ông Nén được minh oan?
Trong suốt 17 năm qua, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nản chí và bỏ cuộc trong hành trình gian nan đi kêu oan cho con trai của mình. Trong khoảng thời gian đó tôi chỉ lo sợ hai điều là sức khỏe mình có còn đủ để theo tới cùng vụ việc minh oan cho con không, có đủ tiền bạc để đi kêu nơi đây nơi đó không.
Tôi đi bán hết vàng bạc tích góp của gia đình từ bao năm qua. Tôi vẫn còn nhớ ngày đó tích góp hết được 2 cây vàng mang đi bán chưa được 10 triệu đồng. Với số tiền này vẫn không đủ để đi kêu oan, tôi về nhà cầm cố, bán hết ruộng vườn để dành tiền đi tiếp.
Tôi cảm thấy may mắn khi ông trời vẫn cho mình một sức khỏe tốt, dù tuổi tôi lúc đó đã cao. Không bệnh tình gì nặng nề nên tôi vẫn đi kêu oan được cho đến ngày nay, và giờ thì kết quả là con trai tôi được minh oan.
Thực ra nhiều năm liền đi kêu oan cho con trai nhưng không có kết quả, nhiều lúc tôi có cảm giác chẳng còn tin vào công lý nhưng rồi cái suy nghĩ đó cũng qua đi và tôi tiếp tục hành trình của mình. Tôi vẫn tin một ngày nào đó, người ta nhận ra cái sai và giải oan cho con trai mình. Một điều nữa tôi vẫn thường hay nói là không có ai hiểu tính tình con mình bằng cha mẹ. Từ nhỏ thằng Nén nó hiền như cục đất thì làm gì có chuyện nó giết người như thế.
Sau hôm nhận quyết định đình chỉ điều tra, chính thức được minh oan, ông dự định sẽ làm những việc gì trong thời gian sắp tới?
Sau hơn 17 năm trở về, ông cảm thấy điều gì khó khăn nhất đối với mình trong quá trình hòa nhập gia đình, xã hội?
Sau 17 năm quay về, tôi không mặc cảm với xã hội, tôi hãnh diện với gia đình. Điều khó khăn nhất đối với bản thân tôi bây giờ là mình tay trắng. Tôi chỉ ao ước giờ có công việc ổn định, có chút tài sản lận lưng để bù đắp lại thiệt thòi lại cho ba đứa con sau năm tháng tôi bị oan sai. Cũng vì việc này mà tương lai tụi nhỏ đã phải rẽ sang hướng khác.
Tôi xin có câu hỏi chung dành cho nhà báo Nguyễn Đình Quân và luật sư Nguyễn Hồng Hà. Những người xử oan cho những người dân vô tội trong các vụ án oan nói chung, và vụ ông Huỳnh Văn Nén nói riêng trước sau gì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai sót của họ. Tuy nhiên, có những trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo trong quá trình tác nghiệp, đưa thông tin, nhận định sai về vụ án, cũng vô tình “gây oan” cho người vô tội. Bởi truyền thông tạo áp lực dư luận khá lớn với xã hội. Những cơ quan báo chí, nhà báo đó gần như không mấy khi phải chịu trách nhiệm về những sai sót đó của mình (bởi không phải người bị oan nào cũng cũng có khả năng theo kiện). Vậy theo luật sư Nguyễn Hồng Hà và nhà báo Nguyễn Đình Quân, có cần thiết phải bổ sung quy định trong luật pháp nói chung về trách nhiệm của các nhà báo, các cơ quan báo chí trong những trường hợp nói trên không ạ? Xin cảm ơn ạ!
Với tít bài “6 năm truy tìm thủ phạm,...” và đăng ảnh của các bị can, điều này là vi phạm hiến pháp và pháp luật là một sức ép lớn đối với những người bị hàm oan. Thực tế là “vụ án Vườn điều” xảy ra vào ngày 19/5/1993, cơ quan điều tra đã khởi tố, nhưng không tìm truy tìm được người thực hiện hành vi phạm tội nên đã có quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Đến năm 1998, Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án bà Lê Thị Bông.
Điều tra viên Cao Văn Hùng đã “khai thác” và tin lời khai nhận của ông Huỳnh Văn Nén để phục hồi điều tra vụ án đã tạm đình chỉ trước đó 5 năm. Hoàn toàn không có việc truy tìm chứng cứ để phục hồi vụ án vườn điều như bài báo đã nêu. Ngay sau bài báo đăng, các nhà báo đã chất vấn về nội dung dung kết tội công dân trên báo, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Về vấn đề này, những người bị hàm oan có quyền yêu cầu cơ quan báo chí phải đăng xin lỗi và bồi thường theo qui định của pháp luật.
Năm 2000, sau khi nhận bức thư gửi từ trại giam, ông đã kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Điều gì đã khiến ông làm điều đó, dù người tố cáo là phạm nhân.
Sự việc này, Thành đã làm đơn gửi cho giám thị trại giam vào ngày 26/8/2000 và đồng thời gởi cho tôi. Đối chiếu những tình tiết từ đơn tố cáo của Thành, và hiện trường vụ án, tôi có niềm tin Nén không phạm tội.
Do sự việc quá nhạy cảm nên tôi xin ý kiến ban thường vụ đảng ủy xã Tân Minh và thường vụ Đảng tin rằng có cơ sở tin tưởng đơn tố cáo của Thành nên ủy quyền cho tôi làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền từ địa phương đến Trung Ương kèm theo hồ sơ hình ảnh của hai người bị tố cáo và của Thành. Gửi đơn bằng đường bưu điện tôi vẫn chưa yên tâm, vì thế, vào đầu tháng 10/2000, đích thân tôi cầm tài liệu vào TPHCM gặp ông Nguyễn Xuân Phát-phó chánh án TAND Tối Cao xét xử phúc thẩm tại TPHCM và ông Đinh Thế Trạc-Viện trưởng VKS ND Tối Cao xét xử phúc thẩm để trình bày và trao tài liệu trực tiếp cho hai vị này.
Tiếc rằng, hơn 13 năm sau, chưa có cơ quan nào từ trung ương đến địa phương gặp tôi để trao đổi về đơn thư tố giác tội phạm này. Điều làm tôi tin rằng lá thư tố cáo này có độ tin cậy cao là bởi: Thứ nhất, Nguyễn Phúc Thành cùng băng nhóm với Thọ và Việt sử dụng bồ đà, cướp giật, đâm chém. Thứ hai, đơn thư tố cáo rất phù hợp với hiện trường. Thứ ba, dẫu cho anh ta là một phạm nhân với án phạt 18 tháng tù và anh ta đã thụ án được hơn 15 tháng, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là ra khỏi trại. Liệu có điều tố cáo nào là gian dối, vu khống không? Vì ba lý do trên, với trách nhiệm của một chủ tịch xã và với tình cảm của một con người, tôi sợ bỏ lọt tội phạm và gây oan sai cho người khác nên tôi đã trực tiếp cầm đơn đi kêu oan cho ông Nén.
Khi được cho tại ngoại chữa bệnh, ông có nghĩ sẽ có ngày mình nhận được quyết định đình chỉ điều tra, chính thức công nhận là người vô tội?
Gần 18 năm trời bước ra trại giam được tại ngoại tôi tin chắc được trả tự do, tôi khẳng định tôi ra luôn chứ không vào nữa, vì nhân chứng vật chứng của của tôi rõ ràng tôi không liên quan.
Mình sống ở khu đó thì anh em trò chuyện qua lại đồn đại, họ nhận thấy tôi bị oan. Mỗi lần cha mẹ vào trại thăm đều động viên tôi ăn uống đầy đủ, một ngày gần nhất con sẽ được ra tù, gia đình ngày nào cũng đi kêu oan cho con.
Thưa cụ Huỳnh Văn Truyện, khi ông Nén ngồi tù thì mẹ mất, lúc này cụ đã giấu ông Nén? Vì sao? Cảm giác của cụ lúc này thế nào?
Khi giấu thằng Nén chuyện mẹ nó mất tôi đau khổ lắm, làm cha mà giấu con chuyện mẹ nó mất thì rất có lỗi. Nhưng vì thương cho nó, lo cho nó nên tôi phải cố giấu. Tôi còn dặn dò mọi người đừng để thằng Nén biết tin.
Ông có bao giờ cảm thấy đơn độc trong hành trình kêu oan cho Huỳnh Văn Nén không thưa ông Nguyễn Thận?
Ông Nguyễn Thận (Bên phải)
Tôi chỉ băn khoăn có nên nói sự thật này và nói với ai, ai cùng tôi để làm sáng tỏ vấn đề này thì đúng là một câu hỏi rất khó trả lời! Thật may mắn, khi tôi tiếp cận được một số anh em báo chí, trong đó có báo Tiền Phong và được sự đồng cảm của tất cả các phóng viên đều khuyến khích và thôi thúc tôi kiên trì. Ví dụ như nhà báo Nguyễn Đình Quân, Hồ Việt Khuê của báo Tiền Phong, nhà báo Vũ Đức Sao Biển của báo Pháp Luật… đã trực tiếp tham gia điều tra tìm chứng cứ cùng tôi.
Khi khởi động việc kêu oan, tôi lại may mắn gặp những người luật sư có lương tâm, có trách nhiệm và năng lực, đó là luật sư Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, luật sư Phạm Thị Kim Anh -phó chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bình Dương, GS-TS luật sư Phạm Hồng Hải, đoàn luật sư TP Hải Phòng, luật sư Trần Vũ Hải, luật Sư Bùi Đức Trưởng thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội. Chính sự kết nối của giới luật sư, giới truyền thông và sự cung cấp tài liệu, đặc biệt là sự ủng hộ của cán bộ nhân dân xã Tân Minh đã tạo nên sức mạnh mà qua các phiên tòa của cả hai vụ án. Dẫu tất cả đều theo hướng buộc tội có những điều hết sức vô lý nhưng rồi tất cả đã bị hủy. HĐXX, cơ quan tố tụng phải tuyên tất cả đều vô tôi. Vì vậy, tôi xin nói với các bạn rằng, tôi không đơn độc!
Tuy nhiên tôi cũng muốn nói lên một sự thật rằng, sự đồng hành đó cũng có những lúc không được bền vững, đứt đoạn, có khi tôi thực sự tuyệt vọng và những lúc đó tôi thấy đơn độc nhất, tưởng rằng tôi phải bỏ cuộc bởi đơn giản là chính gia đình, nguời thân của ông Huỳnh Văn Nén cũng có lúc nản lòng. Tiền bạc, sức khỏe bào mòn, ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình tôi. Có lẽ trong tiềm thức tôi có cái ý chí về niềm tin công lý nên mới có sự đeo bám dai dẳng này. Và chính sự kiên trì của tôi cũng tạo nên cảm xúc cho nhiều giới đồng cảm, chia sẻ, chính vì vậy mới có kết quả như ngày hôm nay.
Thưa cụ Huỳnh Văn Truyện, có phải mẹ của ông Nén trước khi mất vẫn đau đáu chuyện minh oan cho con. Khi đó, bà đã nói gì với ông? Ông có tin ông Nén được giải oan không?
Lúc này, nước mắt tôi cứ rơi khi nghe những lời của bà trước khi mất vẫn trăn trở làm thế nào để minh oan cho con. Lúc này trong đầu tôi vẫn tin rằng mình có thể đi kêu oan được cho thằng Nén. Sau khi bà mất thì tôi đã đến tìm anh Nguyễn Thận (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, người có công rất lớn trong việc giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén và 9 người khác ở vụ án Vườn điều-PV) để nhờ kêu oan giúp. Từ đó hai người tiếp tục hành trình đi kêu oan suốt nhiều năm ròng rã.
Không xử lý mạnh tay án oan còn diễn ra. Theo luật sư và nhà báo, án oan do cán bộ yếu kém do quan liêu hay do tiêu cực?
Đúng, dư luận người dân cũng như báo chí đang rất bức xúc với những vụ án oan diễn ra nhưng những người gây oan sai không bị xử lý, thậm chí còn được thăng tiến gây bất bình trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan tư pháp.
Tất cả án oan là do khách quan và chủ quan. Chủ quan là do nôn nóng chạy theo thành tích nên đã bỏ qua các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền công dân. Khách quan do luật pháp còn nhiều quy định bất cập...
Từ năm 2000 anh Nguyễn Phúc Thành đã tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt giết bà Lê Thị Bông, không phải ông Nén. Tại sao không điều tra làm rõ lời tố cáo này, ngay từ năm 2000. Những điều tôi vừa nêu không phải do trình độ yếu kém, mà do sự vô cảm, thờ ơ với số phận con người.
Thưa luật sư Nguyễn Hồng Hà, vụ án của ông Nén cũng có những tình tiết giống vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn. Nếu không có những người đứng ra tố cáo kẻ chủ mưu giết người thì ông Chấn và ông Nén mãi mãi bị oan. Làm gì để khắc phục tình trạng này thưa ông?
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén đều không do cơ quan pháp luật giải oan cho công dân, việc giải oan cho công dân trong 2 vụ án này đều do người dân, luật sư, và cơ quan báo chí tố cáo, khiếu nại nhiều năm. Việc giải quyết không kịp thời là trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến oan sai kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao năm 2016 và các năm tiếp theo, trong đó yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân phải giải quyết kịp thời các khiếu nại giám đốc thẩm, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật.
Trả lời Báo Tuổi trẻ trên số báo ra hôm nay, ông Cao Văn Hùng, nguyên điều tra viên chính trong cả hai vụ án vườn điều (năm 1993) và vụ án bà Lê Thị Bông (1998) cho biết, trong hai năm ông Nén có 17 lần vi phạm pháp luật. Điều này có đúng không, thưa ông Huỳnh Văn Nén?
Tôi vi phạm thì có văn bản, bị truy tố ngay, nếu tôi vi phạm thì làm gì mà tôi còn ngồi trao đổi trực tuyến với bạn đọc.
Số phận những đứa con ông Nén bao năm qua giờ ra sao? Những tổn thất tinh thần, cơ hội phát triển của con cái ông Nén? Nhà nước có đền bù được tổn thất này không?
Khi thằng Nén đi tù, 3 đứa con của nó ở nhà với mẹ nó nhưng vì cuộc sống nghèo khổ, vợ thằng Nén đi làm không đủ lo cho chúng nó. Tôi thì lo đi kêu oan nên gia đình lúc này càng khốn khó nhiều hơn. Chúng nó còn nhỏ, ở nhà đã khổ sở, còn sống là may mắn lắm. Nhưng vì để chúng nó bớt khổ nên gia đình đã đưa 3 đứa vào làng SOS để chúng nó có điều kiện sống và ăn học.
Khi đưa chúng nó vào làng SOS, gia đình đau xót lắm chứ. Nhưng phải cố nén lại để lo cho cha nó sớm được minh oan, được trở về với gia đình. Ngày đưa 3 đứa vào, tôi có nói với chúng, ba chúng con thế này thì các cháu phải ráng mà sống tốt để ông bà đi kêu oan cho ba.
Dù tuổi chúng nó còn nhỏ, lúc đó thằng lớn chỉ mới 9 tuổi, đứa út mới 3 tuổi nhưng tôi vẫn biết chúng nó hiểu được phần nào hoàn cảnh gia đình.
Xin hỏi nhà báo Nguyễn Đình Quân, anh có gặp những cản trở và đe dọa gì khi dấn thân làm rõ vụ án của ông Nén hay không?
Từ năm 2000 đến nay, trong suốt thời gian theo sát, đưa thông tin về "vụ án vườn điều" và vụ án Huỳnh Văn Nén, tôi chỉ đôi lần gặp thái độ khó chịu của một số người, không lần nào bị cản trở tác nghiệp một cách thô bạo. Bà Dương Quốc Trị, Chánh án TAND huyện Hàm Tân còn tận tình đưa tận tay tôi hồ sơ ly hôn của nạn nhân Dương Thị Mỹ ở vụ án vườn điều. Từ hồ sơ này, tôi đã cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định bà Mỹ không hề biết chữ, không thể viết thư hẹn hò, từ đó dẫn đến án mạng như kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm vụ án vườn điều nêu.
Tuy nhiên, có những điều, theo tôi còn tệ hại hơn sự đe dọa, cản trở chúng tôi tác nghiệp. Đó là “sự im lặng đáng sợ”, như chúng ta thường nói. Từ năm 2000, luật sư Nguyễn Hồng Hà, ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh và một số nhà báo đã nêu những vấn đề thiếu thuyết phục, mâu thuẫn, có dấu hiệu oan sai trong việc điều tra, truy tố, xét xử các bị can vụ án vườn điều và ông Huỳnh Văn Nén. Họ đề nghị điều tra, xét xử lại hai vụ án này, để tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, những bài báo, văn bản kiến nghị của họ gửi đến các cơ quan pháp luật đã không được quan tâm, đã rơi vào im lặng. Tôi cho rằng, nếu những kiến nghị từ cách đây 15 năm được lắng nghe và giải quyết với sự công tâm, đã không có vụ án oan vườn diều, không có vụ án oan Huỳnh Văn Nén.
Điều gì đã khiến nhà báo Đình Quân và các đồng nghiệp theo đuổi vụ án oan của ông Nén suốt 17 năm qua?
Xin hỏi ông Nguyễn Thận, cảm giác của ông thế nào sau khi vụ ông Huỳnh Văn Nén được đình chỉ điều tra?
Khi được mời nghe đọc quyết định đình chỉ điều tra, tuyên Nén vô tội, dẫu cho niềm tin đó tôi đã chờ đợi rất lâu nhưng nó đến với tôi cũng hết sức bất ngờ và tôi không diễn tả được cảm xúc của mình. Cảm giác đó thật lạ lùng mà tôi không biết bày tỏ như thế nào. Tôi chỉ biết cảm ơn bạn đọc đã quan tâm.
Suốt quá trình hai vụ án, nhiều lúc tôi cảm thấy như tuyệt vọng nhưng chính niềm tin vào sự thật và niềm tin vào sự cải cách tư pháp, niềm tin vào công lý đã giúp cho tôi có sự kiên trì và cảm giác tôi có thể lan tỏa niềm tin đó đến giới luật sư, cộng đồng cùng chia sẻ với tôi.
Cảm giác thật sự rất khó nói!
Thưa luật sư, dự kiến về số tiền bồi thường cho ông Nén là bao nhiêu?
Số tiền thiệt hại chưa thể dự kiến được vì ông Nén bị hai án oan với thời hạn gần 18 năm, nhiều tổn thất chưa thể kê đo đong đếm để có dự kiến được. Vấn đề này, nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Nén sẽ làm việc với Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Để người dân chịu án oan sai đến 17 năm. Những cán bộ tham gia xử án phải chịu trách nhiệm đến đâu, tiền bồi thường ai phải chịu?
Vụ Huỳnh Văn Nén xảy ra đã lâu có liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao trong thủ tục Giám đốc thẩm. Cụ thể, từ năm 2000, luật sư, chủ tịch xã UBND xã Tân Bình, cụ Huỳnh Văn Truyện đã có đơn khiếu nại kêu oan, đề nghị giám đốc thẩm nhưng không được giải quyết. Năm 2001, Tòa án Nhân dân tối cao còn thông báo không kháng nghị đối với vụ án này. Vụ án được “soi” lại khi các luật sư đã kiến nghị đến quốc hội và vụ án này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và kết quả là Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kháng nghị. Tòa án Nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị nêu ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của bản án sơ thẩm. Trong thời gian tới, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan đến vụ xử lý oan sai này, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo tôi, những người có chức vụ quyền hạn có liên quan trong vụ án này không thể tiếp tục giữ những chức vụ quyền hạn liên quan đến số phận của con người.
Cuối năm 2005, sau khi các bị can trong vụ án vườn điều được đình chỉ điều tra bị can, ông đã khóc. Ngày 22/10, ông Thận cũng khóc khi ông Huỳnh Văn Nén được tại ngoại để chữa bệnh. Vì sao ông khóc? Ông từng nói: “Tôi không ngờ nói lên sự thật, bảo vệ công lý lại khó khăn, điêu đứng vậy. Nếu không có cải cách tư pháp, có lẽ không có ngày hôm nay. Việc chứng minh các bị can vô tội lại là sự buộc tôi ai đó đã làm sai”. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Ông Nguyễn Thận (bên phải) trả lời câu hỏi của bạn đọc.
Ngày 26/12/2005, Bộ Công an có kết luận (số 01) không đủ căn cứ buộc tội các bị cáo trong "Vụ án vườn điều" giết bà Dương Thị Mỹ. Một vài phóng viên hỏi tôi về cảm giác khi giải oan cho các bị cáo trong vụ án này, tôi đã bật khóc. Tôi khóc vì vui mừng nhưng ẩn chứa trong đó sự tức tưởi. Các bị án là công dân của xã Tân Minh, nơi tôi làm chủ tịch và chính tôi có tham gia khám nghiệm hiện trường, thu thập các chứng cứ, tài liệu do nhân dân cung cấp. Những tài liệu đó có sự khác biệt với các cáo trạng và bản án của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Sự tức tưởi đó còn liên quan đến một bị án khác là Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết bà Lê Thị Bông ngày 23/4/1998. Bởi lẽ Nén cũng là người không phạm tội trong "Vụ án vườn điều" nhưng đang thụ án tù chung thân trong vụ án giết bà Lê Thị Bông. Trong vụ án bà Lê Thị Bông, tôi cũng thu thập nhiều chứng cứ cho thấy ông Nén có dấu hiệu oan sai.
Tôi khóc vì niềm vui của các bị án được giải oan và cũng khóc vì nỗi đau của các bị án suốt mười mấy năm qua, khóc vì Huỳnh Văn Nén vẫn còn đang thụ án chung thân.
Ngày 22/10/2015 vừa rồi, tôi cùng Huỳnh Văn Nén đến tặng hoa tại báo Tiền Phong tôi cũng lại bật khóc. Sự tức tưởi giảm đi nhiều nhưng lòng tôi cũng không được vui trọn vẹn bởi lẽ phải mất hơn 18 năm thì sự thật đó mới được phơi bày - Huỳnh Văn Nén được tuyên vô tội. Mà điều này tôi đã theo đuổi hơn 18 năm trời.
Cơ quan pháp luật xử lý như thế nào với những người có liên quan đến vụ án oan của ông Nén?
Vì vụ án oan này có dấu hiệu phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp do đó thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Xin chúc mừng anh Nén, nghĩ lại những ngày đau khổ vừa qua, có giai đoạn nào anh tuyệt vọng không? Vì sao? Nếu gặp lại điều tra viên, kiểm sát viên đã gây oan cho anh, anh sẽ nói điều gì? Anh có muốn họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Sự việc cũng đã xong, nếu gặp lại các điều tra viên, tôi tay bắt mặt mừng, vẫn vui vẻ. Còn chuyện tới đâu thì có pháp luật xử lí. Tôi muốn gửi gắm đến họ là sắp tới đừng để oan sai nữa. Chúc họ may mắn.
Nếu tôi suy nghĩ, mong họ bị truy cứu trách nhiệm thì tôi quá hiệp hòi, tôi chỉ trông cậy vào sự đúng đắn của pháp luật. Cuộc sống ai cũng mắc sai lầm, chủ yếu họ có biết sửa chữa sai lầm hay không.
Theo luật sư, cần có chế tài như thế nào để xử phạt những cán bộ điều tra để xảy ra những vụ án oan?
Luật pháp đã có quy định rất cụ thể, cán bộ điều tra truy tố xét xử nếu có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp (bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ, ra quyết định bản án trái pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn…) đều bị xử lý về hình sự hoặc kỷ luật cán bộ công chức…
Câu hỏi với luật sư Hồng Hà: 1. Quốc hội vừa thông qua Luật Tạm giữ, tạm giam. Theo đó, các trại tạm giam, tạm giữ sẽ độc lập không còn trực thuộc cơ quan điều tra. Đây là lần đầu tiên Luật này được xây dựng và đã được thông qua. Xin hỏi luật sư: Việc giao các trại tạm giam, tạm giữ cho bộ phận thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của công an quản lý (chứ không còn thuộc cơ quan điều tra) liệu có hạn chế được tình trạng bức cung, nhục hình đối tượng được không ? Bởi công việc thẩm vấn đương nhiên vẫn thuộc về cán bộ điều tra. Khả năng non kém nghiệp vụ cộng với chạy theo thành tích, ham lập công vẫn dễ xảy ra với các điều tra viên 2. Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng bỏ quy định luật sư muốn bào chữa (cho bị can, bị cáo) phải được cấp phép. Xin luật sư bình luận rõ hơn về điều này, trên phương diện giúp hạn chế oan sai ? Xin cám ơn
2. Ví dụ ngay trong 'vụ án vườn điều', ông Huỳnh Văn Truyện cha của Huỳnh Văn Nén có đơn yêu cầu luật sư bào chữa cho Huỳnh Văn Nén trong phiên tòa sơ thẩm vào năm 2000, Tòa án Tỉnh Bình Thuận đã từ chối cấp giấy chứng nhận cho luật sư với lý do tòa án đã chỉ định luật sư tỉnh Bình Thuận bào chữa cho bị cáo. Từ trong trại giam, Huỳnh Văn Nén cũng từ chối luật sư do cha yêu cầu.
Thực tiễn thi hành Luật Tố tụng 2003 thì gia đình bị can và luật sư hoàn toàn không biết được lý do bị can bị tạm giam có tự nguyện từ chối hay bị ép buộc. Nay với luật mới, đã bỏ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa, thay vào đó luật sư chỉ cần lập thủ tục đăng ký bào chữa.
Các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết ngay việc đăng ký cho luật sư, thông báo cho các cơ quan chức năng như là Trại tạm giam, tạm giữ biết.
Trong trường hợp người bị buộc tội bị tạm giam từ chối luật sư do thân nhân yêu cầu thì việc từ chối đó phải có sự chứng kiến của luật sư.
Ngồi tù 17 năm, có bao giờ ông nghĩ tới sẽ có ngày được minh oan. Sau khi được ra tù, ông có khởi kiện những người đã xử oan ông hay không?
Sự thật là lập trường tôi rất vững, chưa bao giờ tôi có ý định buông xuôi. Khi ở trại, tôi luôn đặt niềm tin một ngày nào đó sẽ được minh oan.
Tôi buồn là luật pháp nghiêm minh nhưng những người thay mặt pháp luật, thực thi công quyền ở Bình Thuận liên quan đến oan sai của tôi, lại hành xử không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị pháp luật xử lí những người gây ra oan sai cho tôi, đúng người, đúng tội.
Xin luật sư cho biết, những cá nhân nhưng là đại diện cho cơ quan pháp luật như Viện kiểm sát, công an, tòa án gây oan sai trong vụ án này sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Tiền đền bù lại lấy từ ngân sách nhà nước như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, liệu có đúng pháp luật không?
Tiền ngân sách nhà nước phải đền bù thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Cụ thể, trong vụ án Huỳnh Văn Nén, tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã kết tội oan án chung thân đối với Huỳnh Văn Nén, bản án này đã bị tòa hình sự Tòa án Nhân dân tối cao hủy theo trình tự giám đốc thẩm và cơ quan điều tra đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Huỳnh Văn Nén, với kết luận ông Nén không có hành vi phạm tội. Nếu buộc cho những cá nhân gây oan cho công dân phải bồi thường thì quyền lợi của công dân sẽ không được đảm bảo.
Xin chúc mừng chú. Sau những gì đã trải qua nụ cười của chú và ông thân sinh đã chứng minh tất cả: "Công lý đã được tìm lại". Những ngày qua sau khi trở lại cuộc sống đời thường, về với căn nhà khi xưa, gặp lại người thân yêu của mình, hàng xóm láng giềng cảm giác của chú thế nào?
Ngày đoàn tụ, gia đình tay bắt mặt mừng, hàng xóm, bạn bè gần xa đến thăm. Nhất là về gặp lại người cha già bao năm đi tìm công lý cho mình, vợ con khỏe mạnh, nên không có gì vui hơn.
Xin được hỏi ông Huỳnh Văn Nén, trong quá trình điều tra, ông có bị các điều tra viên bức cung, sử dụng nhục hình hay không? Tại sao ông lại nhận tội?
Một điều tra viên nói là mẹ vợ khai tôi giết người. Họ mớm cung tôi, buộc tôi phải viết, không viết là họ đánh tôi... Tôi sợ nên kí vào 5 bản trắng. Sau đó, họ mang đi điền gì vào thì họ điền.
Xin hỏi cụ Huỳnh Văn Truyện, tại sao cụ có thể bền gan như vậy? Có lúc nào cụ thấy không còn hy vọng giải oan cho ông Nén? Thái độ của cụ đối với những người đã gây nên oan sai của ông Nén, gây những mất mát lớn cho gia đình cụ?
Tôi không bao giờ hết hy vọng. Con tôi bị oan sai thì sao hết hi vọng được.
Về thái độ đối với những người gây oan sai cho Nén, tôi buồn vì luật pháp nghiêm minh, họ thay mặt pháp luật mà sao lại hành xử như vậy. Tôi đề nghị pháp luật xử lí những người gây ra oan sai cho con tôi nghiêm minh, đúng người đúng tội.
Động lực và niềm tin nào giúp ông chịu đựng và vượt qua được nỗi oan oan khuất và cảnh sống tù đày suốt 17 năm, tương đương 1/4 đời người? Có khi nào ông có ý định buông xuôi? Có bao giờ ông nhận được một lời động viên từ các bạn tù hay cán bộ trại giam?