Người phát ngôn của Vatican Matteo Bruni thông báo, Giáo hoàng Francis hiện ở trong “tình trạng chung tốt, tỉnh táo và thở dễ dàng”.
“Đó không phải là một ca phẫu thuật khẩn cấp” bác sĩ Sergio Alfieri, người mổ cho Giáo hoàng Francis, cho biết trong một cuộc họp báo. “Tuy nhiên, Giáo hoàng tiếp tục cảm thấy đau bụng, vì vậy ca mổ được tiến hành”. Theo Vatican, Giáo hoàng không gặp biến chứng gì. Bác sĩ Alfieri cho biết, bệnh nhân đáp ứng tốt với ca phẫu thuật và gây mê, đã pha trò kể từ sau ca phẫu thuật.
Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 7/6. Ảnh: Getty Images |
Giáo hoàng Francis buộc phải hủy bỏ một số công việc vào cuối tháng 5 sau khi bị suy nhược vì sốt. Ông cũng phải nhập viện vào tháng 3 vì viêm phế quản, nhưng đã hồi phục sau khi dùng thuốc kháng sinh. Khi rời bệnh viện vào dịp đó, Giáo hoàng nói đùa rằng ông “vẫn còn sống”.
Hôm 7/6, Giáo hoàng được phẫu thuật nội soi, liên quan gây mê toàn thân và nhằm chữa chứng thoát vị mà Vatican cho biết đã gây ra các triệu chứng “tái phát, đau đớn và trầm trọng hơn”. Các nguồn tin y tế nói rằng, ca phẫu thuật có thể liên quan ca mổ mà Giáo hoàng đã trải qua năm 2021 nhằm cắt bỏ một nửa ruột kết của ông.
Giáo hoàng Francis cũng bị cắt bỏ một phần phổi sau một đợt viêm phổi nặng khi còn trẻ. Năm 2019, ông phải phẫu thuật mắt để điều trị chứng đục thủy tinh thể. Ông cũng từng phải vật lộn với cơn đau thần kinh tọa mạn tính. Trong năm qua, các vấn đề về đầu gối cũng khiến ông phần lớn phải chống gậy hoặc ngồi xe lăn.
Nếu Giáo hoàng Francis bị mất khả năng trong bất kỳ khoảng thời gian nào, Vatican có thể phải đối mặt một cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Không có “phó giáo hoàng” trong hệ thống Công giáo để có thể thi hành thẩm quyền của giáo hoàng khi ông vắng mặt.
Quốc vụ khanh của Vatican, hiện là Hồng y người Ý Pietro Parolin, có thể giám sát công việc quản lý hằng ngày, nhưng ông không có các thẩm quyền như bổ nhiệm giám mục, thành lập hoặc dẹp bỏ các giáo phận trên khắp thế giới…