Đó là một trong các nghịch lý trong giáo dục phổ thông hiện nay được các đại biểu nêu lên tại tọa đàm "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" diễn ra chiều qua tại TP.HCM.
Tiến sĩ Phạm Thế Bảo, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sài Gòn chia sẻ băn khoăn về việc dạy học Tin học trong trường phổ thông hiện nay. Ông Bảo nói: “Các giáo viên dạy Tin học cho trường phổ thông cho tôi biết họ vẫn đang dạy Pascal, tôi khẳng định trên thế giới không một trường phổ thông nào còn dạy cái này nhưng ở ta thì vẫn đang dạy. Tôi khuyến khích những giáo viên này nên đổi chương trình nhưng họ không dám bởi nếu đổi thì sẽ bị kỷ luật. Nói thật với cách dạy như vậy học trò rất sợ, bản thân con tôi đang học phổ thông rất sợ đến môn tin học. Với khối lượng kiến thức dạy môn này ở phổ thông, cử nhân công nghệ thông tin cũng không thể chịu nổi vì phải học bao gồm cơ sở dữ liệu, truy vấn cơ sở dữ liệu…”.
Ông Bảo cho rằng cần có lộ trình và chính sách phù hợp với 2 môn học chìa khoá là CNTT và Ngoại ngữ. Ví dụ ở Nhật Bản, học sinh lớp 2 bắt đầu học Ngoại ngữ và lớp 4 bắt đầu học lập trình, cách dạy của họ khác mình. Họ xây dựng chương trình với những mô đun phù hợp lứa tuổi. Tiến sĩ Bảo kiến nghị: "Chúng ta cần xem lại chương trình vì kiến thức chúng ta dạy đang rất cũ và đặc biệt là hai môn tiếng Anh và Tin học. Đây chính là hai chìa khoá để chúng ta mở "cánh cửa” công nghệ số".
Ông nói thêm: “Tôi đang dạy sinh viên năm thứ 3 ngành Toán tin nhưng khi đưa một cái ảnh yêu cầu các em tính đạo hàm thì cả lớp tròn mắt không biết cách tính. Bản chất bài toán là tính đạo hàm nhưng các em sinh viên không hiểu, thế nhưng chỉ cần đưa ra một hàm số là các em làm rất nhanh nhưng không hiểu tính để làm gì. Chúng ta cần xem lại chương trình vì kiến thức chúng ta dạy đang rất cũ”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chia sẻ: "Có ý kiến phê bình đến thời điểm này trường học vẫn dạy ngôn ngữ Pascal nhưng nói thật có những thời điểm chúng tôi giả bộ như không thấy, không biết để các trường được dạy chương trình mới. Nhưng dù bỏ qua nhưng trong văn bản vẫn phải phê bình các trường chứ không thể làm khác quy định của Bộ."
Ngoài ra, ông Hiếu cũng khẳng định về công nghệ, giáo viên ở TPHCM không dở tuy nhiên chế độ cho họ lại rất thấp, chỉ bằng 10% so với mức thuê một giáo viên nước ngoài. Điều này khiến việc giữ chân giáo viên giỏi gặp nhiều khó khăn.
Cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng nhìn nhận, ở ta do cách kiểm tra đánh giá ảnh hưởng đến việc dạy học. Ở TPHCM, từ cấp THCS trở xuống thì giáo viên mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học nhưng lên đến bậc THPT thì phải xem cách thức thi như thế nào giáo viên canh vào đó để dạy”.
Một chuyên gia dạy toán cũng trăn trở, “môn toán rất thú vị nhưng tại sao học sinh Việt Nam càng ngày càng tệ, bởi vì cách học và dạy hiện nay không giúp học sinh thấy thú vị. Bản thân tôi dạy, nếu dạy để học trò mê thì các em sẽ rớt hết”.