Theo đó, trong Điều 25, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục có điều khoản quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Ngay sau khi dự thảo này được đưa ra để xin ý kiến, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xung quanh quy định cho trẻ 3 tháng tuổi đến lớp.
Chị Hoàng Ánh Dương (hiện đang làm công nhân tại khu đô thị Thăng Long, Hà Nội) cho hay: “Quy định cho trẻ 3 tháng tuổi đến lớp thực sự đã cởi trói cho những người công nhân nghèo như chúng tôi.
Đối với những công nhân làm thuê như tôi, ráo mồ hôi là không có tiền thì đồng nghĩa với việc quá trình nghỉ sinh con cũng sẽ không nhận được lương như công chức. Như hai vợ chồng tôi đều làm công nhân ở khu đô thị này, lương hai vợ chồng một tháng cũng chỉ được vài triệu.
Nếu tôi nghỉ sinh con, phải lo rất nhiều khoản cho một đứa bé khi ra đời một mình chồng tôi khó mà cáng đáng. Vì thế, tôi mong muốn được cho con đến lớp sớm để có thời gian đi làm kiếm thêm chút tiền lo sinh hoạt cho gia đình. Tôi tin chắc rằng, khi quy định này có hiệu lực những lớp công nhân lao động như chúng tôi sẽ rất vui mừng”.
Trái ngược lại với ý kiến của phụ huynh, cô giáo Hoàng Ánh Vân (giáo viên tại trường Mầm non Hoa Hồng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Hơn 10 năm nay làm cô giáo mầm non tôi cũng đã trải qua đủ tất cả những vất vả, khó khăn của nghề này. Có những cháu 12 tháng tuổi đến lớp chúng tôi cũng đã rất vất vả chứ nói gì đến trẻ 3 tháng tuổi.
3 tháng tuổi là lúc các bé còn nằm ngửa, bé nào nhanh cũng chỉ biết lẫy. Ở nhà một mẹ trông một con ở độ tuổi 3 tháng mà còn thấy vất vả huống chi đến lớp. Một lớp chỉ cần 10 học sinh 3 tháng tuổi thì các cô coi như không thể quản lý được các học sinh khác lớn hơn.
Đó là chưa kể việc hiện nay giáo viên mầm non đang thiếu khá nhiều, tăng lương cho giáo viên trông trẻ 3 tháng tuổi thì không có nguồn còn nếu giữ nguyên mức lương như hiện nay thì khó giáo viên nào trụ được lâu dài. Theo tôi nên quy định trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi đến lớp thì sẽ hợp lý hơn”.
Tại nhiều quận có dân số đông như Hoàng Mai, Cầu Giấy nếu quy định này đi vào hiệu lực thì sẽ khiến các trường gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, hiện nay nhiều trường đã rơi vào tình trạng quá tải.
Cụ thể như tại khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhiều trường rơi vào tình trạng quá tải, các trường không biết lấy tiêu chí gì tuyển sinh khi nhu cầu của phụ huynh quá lớn.
Tại trường Mầm non Thực hành Linh Đàm, nhiều năm nay ban giám hiệu đã tuyển sinh học sinh 2 tuổi bằng cách cho phụ huynh học sinh bốc thăm để đảm bảo sự công bằng.
Trước đó, trao đổi với PV, cô Lê Thị Tâm – Hiệu phó trường Mầm non Thực hành Linh Đàm cho hay: “Mô hình cho phụ huynh bốc thăm đã được nhà trường áp dụng khoảng từ năm 2010.
Hiện nay, khi các chung cư mọc lên như nấm, nhu cầu của học sinh thì đông trong khi chỉ tiêu có hạn nên chúng tôi nghĩ việc cho phụ huynh bốc thăm là khách quan hơn cả. Mùa tuyển sinh năm 2017, chỉ tiêu của nhà trường là 40 học sinh/2 lớp trong khi số liệu chúng tôi nắm được là hơn 100 phụ huynh có nhu cầu”.
Liên quan đến vấn đề này, bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết Sở GDĐT Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ chủ trương, điều chỉnh theo hướng chỉ quy định các cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ dưới 6 tuổi, không cần thiết quy định độ tuổi bắt đầu nhận vào. Bởi lẽ, việc nhận trẻ từ độ tuổi nào còn tùy thuộc vào khả năng chăm sóc, giáo dục và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ”.