Trên các diễn đàn dành cho giáo viên tiểu học, THCS…một làn sóng tranh cãi về việc nên hay không nên tồn tại cuộc thi giáo viên giỏi đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều giáo viên khẳng định, cuộc thi giáo viên giỏi hàng năm khiến họ rất áp lực, thức trắng cả tháng trời để thiết kế giáo án, dạy mẫu… nhưng khi kết thúc các giờ dạy mẫu không đưa được vào thực tế. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên bỏ cuộc thi mà nên nghĩ cách thi, cách đánh giá làm sao để giáo viên có động lực phấn đấu, được ghi nhận.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Không thi, chỉ phát phiếu nhận xét giáo viên cho học sinh
Ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, hàng năm nhà trường không tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường, mà giáo viên có nguyện vọng, năng lực được đăng ký dự thi giáo viên giỏi cấp quận, cấp TP.
Riêng ở trường, mỗi năm học sinh được phát hai lần phiếu thăm dò, đánh giá giáo viên, trong đó có các bảng câu hỏi như: “giáo viên nào dạy hay; giáo viên nào gây hứng thú cho em hay giáo viên nào nhiệt tình quan tâm, hướng dẫn học sinh tự học?... “Qua đó, nhà trường nắm được thông tin giáo viên đang dạy học thế nào và việc lấy ý kiến học sinh sẽ khiến giáo viên phải nỗ lực từng ngày qua các giờ dạy chứ không phải chỉ diễn ở một vài giờ thao giảng”, TS Lâm nói.
Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn bãi bỏ cuộc thi và có hình thức đánh giá giáo viên độc lập sẽ có chất lượng hơn. Dù trên thực tế, nếu bỏ cuộc thi sẽ phải sửa đổi một số quy định khác liên quan.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): 5 bất cập về cuộc thi giáo viên dạy giỏi
Thứ nhất, khi một giáo viên đi thi, cả tổ, thậm chí cả trường xắn tay lên cùng chuẩn bị. Vì thế có giáo viên không biết sử dụng máy tính nhưng được đồng nghiệp thiết kế cho bài giảng từ đầu đến cuối, khi dạy chỉ cần ấn chuột.
Thứ hai, những tiết dạy được đầu tư công phu chỉ để diễn trong cuộc thi mà không được mang ra dạy vào các giờ học bình thường. Thứ ba, đánh giá năng lực giáo viên chỉ qua 1-2 tiết dạy được chuẩn bị tỉ mỉ, công phu là không chính xác mà nên đánh giá chất lượng đầu ra học sinh.
Thứ tư, khi thi giáo viên giỏi, soạn giáo án và lên phương án dạy ở một lớp hoàn toàn mới, giáo viên không biết gì về học sinh là phản khoa học. Bởi vì trong các giờ học, giáo viên phải nắm năng lực từng đối tượng học sinh để có phương án dạy học, đưa ra câu hỏi khác nhau.
Cuối cùng là cuộc thi giáo viên giỏi lâu nay dạy chủ yếu để diễn, học sinh cũng phải nhập vai. Năm nay qua năm khác cả giáo viên và học sinh đều diễn như vậy sẽ khiến học sinh hiểu rõ rằng, trong giáo dục đang tồn tại việc dối trá.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ, Hà Nội: Rất sợ sau “tiếng trống hội” là những tiết học buồn tẻ
Từ năm học trước, Quận đã đưa ra chủ trương giờ giảng không diễn để áp dụng đối với thi giáo viên giỏi. Tuy nhiên, năm học này mới chính thức áp dụng. Do đó, giáo viên tham gia cuộc thi bốc thăm bài giảng trước ngày thi 1 ngày. Đồng thời, quán triệt đến giám khảo chấm thi là nếu trong quá trình dạy, giám khảo phát hiện học sinh đã được “phím trước” nội dung giáo viên sẽ dạy gì thì sẽ không đánh giá.
“Chúng ta đều rất muốn mỗi bài giảng mà các thầy cô đem đến Hội thi sẽ là một sáng tạo tuyệt vời, được thử nghiệm và được trình bày với một kĩ năng hoàn hảo. Nhưng cũng rất sợ sau “tiếng trống hội” rộn rã là hàng dài của những tiết học buồn tẻ không thể giúp cho học sinh phát hiện và phát huy tố chất vốn có của bản thân. Hay nói khác, dù rất muốn được những tiết dạy chuẩn bị kỹ lưỡng, song chúng ta đều nhận thấy đã đến lúc không thể cứ tung hô những thứ vốn không có trong đời sống dạy học” - ông Vũ nói.