Sau khi SGK của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại, ông cùng tập thể Trung tâm Giáo dục công nghệ đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Mới đây nhận được phản hồi từ phía Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Kế Hào bày tỏ quan điểm không đồng tình vì cách trả lời của Bộ GD&ĐT chung chung, không thoả đáng. Ông nói:
Tôi không tham gia trực tiếp viết SGK cùng GS Hồ Ngọc Đại nhưng có nhiều năm cùng đi thực tiễn, khảo sát, đánh giá, tập huấn giáo viên về chương trình này.
Từ những ý tưởng ban đầu người ta phản đối dữ dội, sau thập niên 70-90 người ta phải thừa nhận quan điểm của chương trình này là “lấy học sinh làm trung tâm” .
Quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại truyền tải qua bộ sách là, học sinh muốn gì phải tự chiếm lĩnh kiến thức để phát triển nhân cách.
Những năm 1990, giáo dục tiểu học có tới 4 chương trình - 4 bộ sách nhưng thống nhất ở mục tiêu giáo dục và chuẩn đầu ra.
Bốn bộ sách cứ thế áp dụng 20 năm cho đến năm 2001 thì đổi mới. Đầu năm 2001, Bộ trưởng điều tôi vào với tư cách tác giả viết SGK. Tôi không tán thành cách làm vội vàng, đồng thời khó hiểu vì bản thân mình làm Vụ trưởng, giúp cho Bộ quản lý, chỉ đạo toàn bộ bậc tiểu học lại tham gia tác giả SGK khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Sau khi tôi từ chức, 2 năm sau thực hiện đổi mới Nghị quyết 9, BCH T.Ư khoá 9 đã khẳng định: “Kiên quyết giảm hợp lý nội dung chương trình học cho phù hợp tâm sinh lý học sinh tiểu học, THCS”. Bởi vì sao? Không có sự chuẩn bị kỹ càng nên khi triển khai gặp khó khăn, nhiều nơi không đạt kết quả, học sinh lưu ban, tình trạng sáng học lớp 6 chiều ngồi lớp 1 để học chữ. Mấy năm sau đó, tác giả viết sách không thấy đâu, bỏ mặc hàng chục nghìn giáo viên tiểu học khổ sở vì giảm tải.
Tôi nhìn lại và cho rằng, đó là bài học cho việc đổi mới gấp gáp khi chưa chuẩn bị gì. Cái gì cũng có lộ trình, chứ không phải 1 chữ ký xoá hết cái cũ. Thực hiện như vâỵ sẽ phải trả giá.
Ông có hài lòng với cách trả lời của Bộ GD&ĐT sau khi tập thể cán bộ của Trung tâm có đề nghị được thẩm định SGK của GS Đại theo phương án riêng?
Cách trả lời của Bộ GD&ĐT chung chung, không thoả đáng, tôi không đồng ý và sẽ tiếp tục có ý kiến lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người quản lý trực tiếp giáo dục. Nội dung kiến nghị về cơ bản cũng sẽ bày tỏ nguyện vọng có cách thẩm định riêng đối với bộ sách tuy nhiên tôi sẽ nghĩ thêm giải pháp.
Bộ sách của GS Đại có giá trị thực tiễn 40 năm, được các địa phương tự lựa chọn dạy học, qua nhiều lần thẩm định. Điều quan trọng là hiện có gần 1 triệu học sinh theo học, cùng với đó giáo viên giảng dạy, phụ huynh giám sát. Hiện giờ phụ huynh có trình độ, chứ không phải mù chữ để đem cho gì cũng được.
GS. Hồ Ngọc Đại không đồng tình kết quả của hội đồng thẩm định. Riêng ông có ý kiến gì?
Đương nhiên, tôi cũng không đồng tình với kết quả đó mới có kiến nghị. Hội đồng viện vào chương trình khung là pháp lệnh để thực hiện là quá cứng nhắc. Nói như vậy, các bộ sách khác nhau nhưng thực chất rồi sẽ na ná nhau.
Hội đồng thẩm định kêu khó nhưng thực tiễn học sinh vẫn đón nhận. Tôi nghĩ nếu bộ sách không gắn tên GS. Đại có khi sử dụng không sao cả.
Nói điều này có nghĩa là ông đặt vấn đề có lợi ích nhóm phía sau, thưa ông?
Tôi không biết cụ thể nên rất khó nói. Nhưng tôi phải nói, kết quả thẩm định “Không đạt” bộ sách đó phải nói là quá đáng. Một công trình nghiên cứu, hoàn thiện dần cả đời ngược, qua nhiều đời bộ trưởng thẩm định, thử nghiệm, cho mở rộng dạy học mà cả hội đồng 100% bỏ phiếu đánh giá “Không đạt” là vô lý. Trong hội đồng thẩm định có 5 giáo viên nhưng tôi chắc rằng, nhiều người trong số họ chưa dạy sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ.
Nếu các kiến nghị của PGS không đi đến kết quả khác với đánh giá của Hội đồng thẩm định thì sao, thưa ông?
Nếu đổi mới mà bộ sách không còn thì rất đáng tiếc.