Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 2: Đi tìm mộ Alexandre de Rhodes

TP - Năm 1651, có một người từ Đại Việt ra đi, sau khi hoàn thành công trình vĩ đại: Bộ từ điển Việt - Bồ - La 

Bốn trăm năm sau, năm 1651, có một người từ Đại Việt ra đi, sau khi hoàn thành công trình vĩ đại: Bộ từ điển Việt - Bồ - La (Ditionarium Annamitium Lusitanum ed Latinum) cùng với tác phẩm “Phép giảng tám ngày”, và cho in tại Roma, được Giáo hội cử đến Ba Tư truyền đạo và mất ở đó năm 1660. “Phép giảng tám ngày” hiện còn một bản duy nhất, một báu vật, được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên.

Tác giả của hai công trình bất hủ đó là Linh mục Alexandre de Rhodes, một nhà Việt Nam học, nhà ngôn ngữ học, người góp phần quan trọng tạo ra chữ Việt hiện đại. Thông tin này mãi gần đây mới tìm thấy trong tàng thư của Tòa thánh Vatican. Báo chí Việt từ vài chục năm nay cũng chỉ đưa tin vậy thôi, chứ chưa người Việt nào biết đích xác mộ cha Alexandre de Rhodes ở đâu, hình thù thế nào, có ai khói hương chăm sóc?

Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ), sinh ngày 15/3/1591, gốc người Do Thái, sinh trưởng ở vùng Avignon, lãnh thổ Giáo Hoàng miền Nam nước Pháp, học tại nhà tập Dòng Tên ở Roma. Ông giỏi thiên văn học, toán học, ngôn ngữ học. Năm 26 tuổi (1619), ông sang Nhật truyền giáo, rồi chuyển sang Ma Cao. Năm 1625 cùng bốn cha Dòng Tên cập cảng Hội An.

Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 2: Đi tìm mộ Alexandre de Rhodes ảnh 1 Ảnh cha Alexandre de Rhodes

Trước đó, năm 1617, tại đây có một số giáo sĩ đến truyền đạo, đặc biệt có cha người Bồ Đào Nha Jean Francois Calixte de Pina, người hầu như thông thạo tiếng Việt để giảng đạo trực tiếp cho các con chiên. Cha Francois de Pina (1585 - 1625) sinh tại Guarda, Bồ Đào Nha, tốt nghiệp chủng viện Dòng Tên năm 1605, sang Nhật Bản, Ma Cao, rồi đến Đàng Trong năm 1617. Ông là giáo sĩ thông thạo tiếng Việt đầu tiên để giảng đạo cho con chiên bản xứ. Tại thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha ở thủ đô Lisbon hiện còn giữ nhiều tài liệu về cha Francois de Pina.

   Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 2: Đi tìm mộ Alexandre de Rhodes ảnh 2 Nhà thờ Mằng Lăng. ảnh: Nguyễn Văn tâm

Đó là những trang ghi kí tự Latin đầu tiên về tiếng Việt được gửi từ xứ Đàng Trong về tòa thánh Vatican, kiểu chữ fantazi đẹp như các thợ chữ viết bằng khen. Lại nữa, trong các tài liệu ấy còn có phương pháp ký tự sáu thanh điệu tiếng Việt (nặng, hỏi, ngã, không, huyền, sắc) trên các khuông nhạc, từ cung trầm nhất cho đến cung bậc cao. Cuộc gặp giữa cha De Pina với cha De Rhodes rất ngắn ngủi, chỉ trong vài tháng đầu năm 1625, nhưng lại là một cuộc gặp bàn giao định mệnh.

Chính cha  Francisco de Pina đã truyền cách học và ghi tiếng Việt bằng chữ Latin cho cha De Rhodes. Sau cái chết vì vụ cứu nạn đắm tàu năm 1625 của cha De Pina, tất cả tài liệu chữ Việt thuở sơ khai đã được cha De Rhodes gìn giữ. Phải chăng, nếu cha De Pina không bị tử nạn, có thể chính ông là người đầu tiên soạn thảo bộ từ điển Việt - Bồ - La, hoặc là đồng tác giả với cha Alexandre des Rhodes?

Cùng với người thầy đầu tiên, Francisco de Pina, dạy tiếng Việt cho cha De Rhodes vào cái năm 1625 ấy, còn có một chú bé mười hai tuổi người bản địa.

Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 2: Đi tìm mộ Alexandre de Rhodes ảnh 3 Sách phép giảng tám ngày in năm 1651 tại Roma, hiện còn lưu giữ ở nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên

“Chỉ trong ba tuần, cậu đã dạy tôi các cung giọng của tiếng Việt và cách phát âm từng chữ. Cậu hiểu được tất cả những gì tôi diễn đạt, đồng thời cậu học viết Latin và có thể giúp lễ. Sau đó cậu thành người trợ giảng loan báo tin mừng cho xứ sở…”.

“Mỗi ngày tôi hăm hở học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học thiên văn học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng bốn tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội, và sau sáu tháng tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt…”.

“… Khi tôi tới Nam Kỳ (Đàng Trong - tác giả) và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ngã lòng vì nghĩ rằng có lẽ không bao giờ mình học nói được ngôn ngữ như thế… Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt”.

Những dòng nhật ký của linh mục Alexandre de Rhodes, ba trăm bảy mươi năm trước, cho người sau hiểu rằng ông đã đến với nước Việt bởi một tình yêu dâng hiến, một sự xả thân công đức.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong các tài liệu công giáo ở Đàng Trong, có ghi lại một sự kiện quan trọng. Đó là sau cái chết của cha Francois de Pina vì vụ cứu tàu, Chúa Nguyễn đã kiên quyết trục xuất nhóm các giáo sĩ phương Tây. Đúng lúc đó, có một bàn tay Bồ Tát của người Việt chìa ra giúp đỡ. Đó là quan tuần phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa, người đã từng tiến cử Đào Duy Từ với chúa Hiền Vương. Với quyền lực và ảnh hưởng của mình, cộng với lòng nhân ái vô bờ, tầm viễn kiến về một ảnh hưởng văn hóa, ông đã giấu mấy vị linh mục mắt xanh, trong đó có cha Alexandre de Rhodes, trong nhân dân, trong  đức tin và tình người rộng mở, để rồi những năm sau các giáo sĩ tiếp tục được sống, được hành đạo và góp phần đưa văn minh văn hóa phương Tây vào đất Việt.

Alexandre de Rhodes sống ở Việt Nam tròn hai mươi năm, từ năm 1625 đến 1645, đã sáu lần bị các chúa Nguyễn trục xuất, nhưng sáu lần đều nhẫn nhịn, luồn trốn để ở lại. Đó là sự tận hiến vì đức tin vì đạo nghĩa với xứ sở này, chứ quyết không phải là một âm mưu thôn tính thực dân mà ai đó nếu cố tình gán ghép.

Năm 1645, lần cuối cùng bị chúa Hiền Vương trục xuất, Alexandre de Rhodes trở về Roma với gia tài tiếng Việt tích lũy hai mươi năm, cùng với cuốn từ điển tiếng Việt của linh mục Gaspa do Amaral và cuốn từ điển tiếng Bồ của linh mục Antonio Barbosa, âm thầm đóng cửa phòng để miệt mài tạo nên kiệt tác Từ điển Viêt - Bồ - La. In xong cuốn đại từ điển đầu tiên cho người Việt, ông dâng lời khẩn cầu muốn được trở lại Đại Việt, nhưng giáo hội khuyên ông đến Isfahan, để tiếp tục công việc truyền đạo.

Isfahan bấy giờ đang là tân đô lộng lẫy của đế chế Ba Tư, triều đại Safavid, một triều đại dung hòa giữa các tôn giáo, đạo Hồi và đạo Kito cùng được song hành. Trong môi trường làm việc và truyền bá đức tin đạo Kito chắc dễ dàng hơn ở Đại Việt, nhưng có lẽ không phải là mảnh đất của Alexandre de Rhodes. Thế nên, chỉ năm năm sau ông buồn đau, bệnh tật và qua đời (1660). Các con chiên người Armenia đã an táng và khắc bia mộ ông trong nghĩa trang của dân tộc mình ở ngoại ô thành phố.

Ba trăm bảy mươi tám năm qua, không một người Việt nào biết cha Alexandre de Rhodes đã nằm đó.

Cho tới một ngày…

Những dòng nhật ký của linh mục Alexandre de Rhodes, ba trăm bảy mươi năm trước, cho người sau hiểu rằng ông đã đến với nước Việt bởi một tình yêu dâng hiến, một sự xả thân công đức.

(Còn nữa)

 
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.