Nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh sư phạm: Chưa có tiền lệ

Nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh là câu chuyện đặc biệt trong mùa tuyển sinh năm nay và chưa có tiền lệ trong giáo dục.

Hai trường cao đẳng có điểm chuẩn "ảo" và số phận của các trường khác

Trường CĐSP Gia Lai đặt điểm chuẩn cao, nổi bật là ngành Sư phạm Ngữ văn lên 23 điểm, các ngành Sư phạm Hóa và Sư phạm Lịch sử 20, sư phạm tiếng Anh 19, Sư phạm Toán và Vật lý 18 điểm. Trên thực tế, không có thí sinh nào đạt mức điểm này vào trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó hiệu trưởng đã thừa nhận "rất đau lòng" mới buộc phải sử dụng cách thức này. Trường làm như vậy là do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá thấp, không đủ để mở lớp. Tăng điểm chuẩn là cách nhân văn nhất để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh.

6 trong 8 ngành của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai có điểm chuẩn ảo

6 trong 8 ngành của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai có điểm chuẩn ảo

Tại Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, 3 trong 6 ngành có điểm chuẩn 20 nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển. Ông Trần Anh Tư, phó hiệu trưởng nhà trường cũng phải thừa nhận, các trường CĐSP đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Ba ngành sư phạm về  Toán học, Ngữ văn, Sinh học mỗi ngành chỉ có vài thí sinh đăng ký nhưng không đủ điểm sàn. 

Ông Tư cho rằng, sở dĩ các trường cao đẳng đang gặp vấn đề này là do điểm chuẩn trường đại học không cao, đã hút hết thí sinh. Số thí sinh có nguyện vọng học ở trường cao đẳng rất ít; chưa kể đầu ra của các ngành sư phạm đào tạo giáo viên THCS khó khăn, sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.

Ông Trần Xuân Hòa, Trưởng phòng đào tạo Trường CĐSP Trung ương cho hay: Trong số 9 ngành của trường, chỉ có ngành Sư phạm Mầm non là chủ chốt và hiện tại trường đã tuyển được gần đủ.

Đó là theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi năm sẽ giảm cơ học 20% nên chỉ tiêu năm nay đã thấp hơn năm trước.

Đối với các ngành khác còn lại như Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Giáo dục công dân, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp... dù được giao 20 chỉ tiêu mỗi ngành, nhưng đến nay vẫn chưa đủ thí sinh. 

"Ngành Sư phạm Tin học tuyển được 4 thí sinh, Sư phạm Âm nhạc được 7 em, Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp được 2 em. Riêng các ngành ngoài sư phạm, tới thời điểm nay chỉ có vài em đăng ký"- ông Hòa cho biết.

Theo ông Hòa có nhiều nguyên dẫn tới việc "bi đát" tuyển sinh như năm nay.

"Thứ nhất, tư duy xã hội đều muốn học đại học chứ không học cao đẳng. Thứ hai, trừ một số trường đại học trọng điểm, các trường đại học còn lại dù tuyển sinh bằng điểm thi THPT hay tuyển sinh bằng học bạ thì mặt bằng điểm không cao. Các trường đều tuyển mức 15-17 điểm nên nhiều thí sinh chỉ cần tổng điểm 2 môn là đủ, không cần môn thứ 3. Thứ ba, có nhiều thông tin sẽ quy hoạch các trường cao đẳng thành những đơn vị bồi dưỡng hoặc là vệ tinh của các trường đại học, dù việc quy hoạch chưa cụ thể khiến các trường tuyển sinh khó khăn"- ông Hòa lý giải.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm năm 2018 là 37.298 thí sinh, trong đó chỉ tiêu đại học là 18.589; cao đẳng là 13.415 thí sinh và hệ trung cấp là 5.304.

Phải nhìn vào thực tế trường cao đẳng

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng trường hợp của Trường CĐSP Gia Lai là một thực tế trong công tác tuyển sinh mà các trường bắt buộc phải xử lý khi rơi vào tình huống này.

"Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phải xác định điểm theo chỉ tiêu và không được dưới ngưỡng công bố. Nhưng thực tế, nếu số lượng không đủ thì bắt buộc phải tính toán cho phù hợp, không đến lúc các em nhập học mà không đủ sĩ số để mở lớp thì rất khó. Những năm gần đây, nhiều trường cao đẳng ở tỉnh khó tuyển sinh".

Khó khăn đầu tiên đến từ quan niệm của người dân về việc phải học đại học vẫn rất nặng nề. Tiếp đến là chuẩn vào đại học và cao đẳng cũng không khác biệt nhiều, nhất là khi hệ đại học cũng đã tăng cường đào tạo thực hành nên thí sinh thích chọn đại học hơn.

Nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh sư phạm: Chưa có tiền lệ ảnh 2

 Đặt điểm chuẩn 20 nhưng Trường CĐ Sư phạm Nghệ An không có thí sinh nào trúng tuyển 

Cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường ĐH khác ở TP.HCM, cho rằng câu chuyện ở Trường CĐ Sư phạm Gia Lai là "có vấn đề".

"Xét về lý là chưa đúng quy chế. Xét về tình thì có 2 khả năng: Nếu thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì còn có cơ hội cho em đó, nhưng nếu thí sinh mà đăng ký duy nhất thì lại khác. Vì vậy, trước khi chốt điểm chuẩn, trường nên trao đổi với thí sinh trước, sẽ không phải mất lòng".

Trưởng phòng đào tạo một đại học khác cũng cho rằng, sự việc ở Trường CĐ Sư phạm Gia Lai rất "mong manh đúng sai".

Theo ông, nếu thực hiện đúng quy chế xét tuyển, hội đồng tuyển sinh đưa ra điểm chuẩn và gọi thí sinh trúng tuyển (dù chỉ 1 thí sinh) sau đó thông báo tuyển bổ sung đợt 2. Nhưng có lẽ trường hiểu rõ về nguồn tuyền hoặc kinh nghiệm về sự quan tâm của thí sinh đến ngành đó, nên mới đưa ra giải pháp mang tính tình thế và nghĩ đến quyền lợi thí sinh để tạo cơ hội cho em trúng tuyển nguyện vọng tiếp theo.

"Tôi nghĩ, hội đồng tuyển sinh của trường đã rất khó khăn để quyết định. Không lẽ để 1 em đỗ và tổ chức lớp học cho một sinh viên và bảo lưu"- ông nói.

Học vẫn được trả lương tại sao 1 thí sinh không dạy?

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc quyết định của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai ngoài thiệt thòi cho người học thì phần thiệt thòi nhất vẫn là cơ sở đào tạo.

Theo ông Hồng, năm nay Bộ GD-ĐT quyết định quy định điểm chuẩn ngành sư phạm là đúng để bắt đầu cho một giai đoạn cải thiện chất lượng đào tạo giáo viên trong toàn hệ thống.

"Nếu vì không đủ chỉ tiêu xét tuyển hàng năm, các cơ sở đào tạo giáo viên cũng phải làm vì chỉ có như vậy mới giúp cải thiện chất lượng đào tạo giáo viên trong cả nước".

Theo ông Hồng việc tuyển sinh gặp khó khăn không chỉ xảy ra ở các trường CĐ mà ngay cả trường ĐH cũng có, nhưng không đơn vị nào làm như vậy.

"Các trường đại học sư phạm lớn cũng gặp khó khăn tương tự trong đào cao cao học, đào tạo nghiên cứu sinh, nhưng họ phải giải quyết bằng cách khác.  Đôi khi chỉ có 1-2 học viên cao học vẫn phải mở lớp (với học phí học viên cao học thì dưới 10 người sẽ gặp vô cùng khó khăn về chi phí). Và tất nhiên, khi giải quyết bài toán đào tạo, nguyên tắc vì người học luôn luôn phải đặt lên trên hết".

Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, để xảy ra tình trạng này, ngoài sự thiếu trách nhiệm của nhà trường, ở đây còn thiếu sự quản lí ở cấp vĩ mô.

"Nếu làm được việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó đặc biệt với các trường sư phạm được làm sớm hơn, quyết liệt hơn, liệu còn xảy ra sự việc trên. Khó khăn ít thí sinh có thể được giải quyết".

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG