Những ngày qua, có 6 nữ sinh khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tố cáo một giảng viên Bộ môn Luật Quốc tế có hành vi gạ gẫm. Cụ thể, các sinh viên tiết lộ chuyện được người này chủ động mời đi uống bia, đi ăn hay xem phim...
Thừa nhận mình là người được đề cập, ông Nguyễn Hùng Cường chia sẻ chi tiết hơn với phóng viên về sự việc.
- Một số nữ sinh đưa ra bằng chứng, là các tin nhắn, cho thấy anh chủ động mời học trò đi uống bia, đi ăn... Họ cho rằng, đó là những hành vi có tính chất gạ gẫm. Còn với anh, những tin nhắn đó hướng đến mục đích gì?
- Trước tiên phải khẳng định những thông tin mà chị nghe được hiện nay đều là những thông tin nặc danh và đã bị xuyên tạc trên mạng xã hội. Tôi chưa bao giờ có bất kỳ hành vi nào về cái gọi là sự “gạ gẫm” đối với sinh viên. Tất cả là sự vu khống, bịa chuyện. Hiện nay tôi chỉ biết người duy nhất trưng ra các tin nhắn liên quan giữa tôi và sinh viên là một bạn nữ sinh tên U. Tuy nhiên, như toàn bộ tin nhắn giữa tôi và U mà chị đã xem, tôi chưa bao mời U đi uống bia hay đi ăn.
Như chị có thể thấy, những trò chuyện ban đầu giữa tôi và em U chỉ là tin nhắn bông đùa, không hề gây ra hiểu nhầm, và đó là chuyện bình thường trong giao tiếp hàng ngày. Hai chúng tôi chỉ nói chuyện vài lần trên mạng trong khoảng 3 năm với tư cách là thầy trò chứ không có tình cảm trai gái gì. Cách đây không lâu khi nghe tin em U tung tin trong trường rằng tôi tán tỉnh em này, chính tôi đã chủ động nhắn tin trao đổi với U và yêu cầu em ấy dừng việc đó lại vì đó là việc sai trái. U sau đó đã phát tán thông tin trên mạng xã hội cho rằng mình bị quấy rối. Đó hoàn toàn là hành động vu khống, bịa đặt.
- Nếu anh cho rằng, hành động của U là vu khống, bịa đặt, vậy thì động cơ của việc đó, theo anh, là gì?
- Khi theo học môn Tư pháp quốc tế do tôi dạy, U thường xuyên nghỉ học, thường xuyên đi học muộn, ý thức kỷ luật và học tập rất kém và tôi đã nhắc lớp trưởng nhắc em U chú ý về việc nếu nghỉ quá 3 buổi sẽ không được thi môn của tôi. Khi kết thúc môn học, tôi đã gửi email cho lớp nói rằng nếu ai có thắc mắc gì về điểm số thì gọi cho tôi. Em U đã không làm điều đó. Và ngay cả khi em U cảm thấy việc gọi cho tôi là không đảm bảo quyền lợi cho em ấy, tại sao em U không liên hệ với trưởng Bộ môn, phòng Đào tạo hay Ban Chủ nhiệm khoa để phản ánh?
Tại sao sau khi kết thúc môn học hơn một năm trời rồi thì em U mới bắt đầu “phàn nàn” về việc này? Và không phải phản ánh bằng đơn chính thức mà là trên một trang facebook và giấu tên. Chỉ đến khi tôi trực tiếp hỏi em U thì em mới thừa nhận. Tôi cho rằng, dụng ý của U là rất rõ ràng, lợi dụng mạng xã hội, vì hằn học, bực tức vì bị thầy cho điểm thấp, đã sẵn sàng phản bội lại lương tâm và đạo đức của mình để bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự thầy giáo của mình.
- Nhưng không chỉ có U, 5 nữ sinh khác cũng đồng loạt lên tiếng với nội dung tương tự. Anh giải thích thế nào?
- Tôi có thói quen khi sinh viên hay bất kỳ ai kết bạn với tôi trên facebook tôi đều hỏi chuyện. Quan điểm của tôi là sinh viên một khi đã ra trường thì không còn là sinh viên, mà là bạn bè đồng nghiệp. Và ngay cả là sinh viên đi chăng nữa thì việc thầy trò mời nhau cafe hay đi ăn chuyện bình thường. Các em đều là những người đã trưởng thành, không phải là trẻ em. Nhiều em đã chủ động nhắn tin mời tôi uống bia hay đi ăn, chẳng lẽ đó cũng là gạ tình?
Còn về việc một vài đối tượng nữ đã lên tiếng, tôi cho rằng đó chỉ là "dậu đổ bìm leo", vì động cơ cá nhân, hằn học, bực tức đã phản bội lại lương tâm của mình để dựng chuyện, bịa đặt làm trò bỉ ổi này. Sự việc này bắt đầu từ một lời tố nặc danh trên trang một trang facebook có tên là SOL-Confessions. Phải nhấn mạnh là trang này là một trang hoạt động dưới dạng bất kỳ ai cũng có thể lập ra được và bất kỳ ai cũng có thể đăng bài, không cần kiểm soát và kiểm duyệt.
Sau khi so sánh các tin nhắn được đăng trên trang này, tôi đã phát hiện ra 1 trong những người vu cáo tôi trên mạng chính là sinh viên H.T.T.U và tôi đã nhắn tin hỏi U về chuyện này. Khi đó em U mới thừa nhận bản thân đã viết những dòng đó trên mạng xã hội. Sau đó, những đối tượng khác thấy câu chuyện được đưa lên đã bắt đầu lao vào, dựng chuyện xuyên tạc bằng những đoạn tin nhắn đã bị cắt xét cách đó vài ba năm trước.
Chúng ta đều hiểu, bất cứ sự việc gì cũng cần theo dõi toàn bộ câu chuyện, không thể cắt xén một vài đoạn hội thoại rồi từ đó vu khống cho người khác gạ gẫm, gạ tình. Đó là sự xuyên tạc bỉ ổi. Còn nếu thực sự cảm thấy tôi thực sự “quấy rối” hoặc có ý đồ gì đó tại sao không lên tiếng mà phải đợi đến bây giờ mới nói ra? Tại Khoa Luật có hòm thư góp ý và người cung cấp được bảo mật thông tin, ngoài ra sinh viên có quyền bình xét giáo viên sau mỗi kỳ học, tại sao các đối tượng đó không thực hiện những kênh chính thức như vậy để phản ánh?
Hiện nay, theo tôi biết còn có một số người khác vì động cơ khác nhau, và tôi không loại trừ động cơ chính trị, đang “tát nước theo mưa, dậu đổ bìm leo”, lợi dụng chuyện này mà có những hành động hãm hại nhằm xúc phạm danh dự cá nhân tôi. Hiện tại, tôi đang làm việc và công tác không chỉ với tư cách là một giảng viên mà còn là một nhà khoa học đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Hiện nay có một vài thông tin để có cơ sở nghi ngờ rằng có thể có một kẻ nào đó đang đứng đằng sau kích động, giật dây vụ việc này.
- Trong một đoạn tin nhắn anh vừa cung cấp, anh khen một nữ sinh “Tóc đẹp đấy”. Theo anh, việc đưa ra những bình luận riêng tư như vậy có phù hợp với chuẩn mực về ứng xử, đối thoại giữa thầy và trò hay không?
- Chuẩn mực ứng xử đối thoại giữa thầy và trò có nghiêm cấm việc khen ngợi hay sao? Tôi không cho rằng việc khen tóc của ai đó đẹp, khi người đó gửi ảnh để xin ý kiến đánh giá của mình, là một việc trái với bất kỳ quy tắc ứng xử nào.
- Các tin nhắn cho thấy anh thường mời nữ sinh đi uống nước, xem phim... Trong một số mối quan hệ như trò – thầy, nhân viên – cấp trên..., học trò và cấp dưới thường khó từ chối những lời đề nghị từ phía thầy giáo hay cấp trên. Khi đưa ra lời mời với học trò, anh có lưu ý đến vấn đề này?
- Điều đó còn tùy thuộc vào việc lời đề nghị “khó từ chối” đó là lời đề nghị có nội dung như thế nào. Theo tôi, không nên chỉ đơn thuần dựa vào nội dung một lời đề nghị như mời đi ăn, xem phim, café, hay uống nước để từ đó suy diễn về mục đích của người mời. Còn người được mời có quyền đồng ý hoặc từ chối nếu cảm thấy mình không muốn điều đó. Việc mời nhau là sự tự nguyện, không ai ép buộc được. Quan trọng là cần thêm nhiều thông tin có cơ sở trước khi đưa ra kết luận về mục đích của người mời. Tránh việc áp đặt, quy chụp, thậm chí là ảo tưởng về mục đích của người mời.
- Anh đã làm gì để bảo vệ bản thân trước những hành vi mà anh coi là "xúc phạm danh dự cá nhân"?
- Trong 12 năm công tác tại Khoa Luật, năm nào tôi cũng đạt danh hiệu Lao động tiến tiến, và Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, năm nay khi có những thông tin nặc danh đăng tải lên mạng xã hội, tôi đã bị tước bỏ điều này một cách vô lý. Danh dự tôi đang bị chà đạp, quyền lợi của tôi đang bị xâm phạm - tôi đang là nạn nhân trong vụ việc này.
Hiện nay tôi đã gửi đơn tố cáo chính danh về các hành vi vi phạm pháp luật xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, cá nhân tôi và gia đình tới các cơ quan chức năng bao gồm Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội và cơ quan công an. Và tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự vệ của mình cho đến khi nào sự thật được làm sáng tỏ, danh dự của tôi và gia đình được khôi phục và những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm về những hành động phi pháp của chúng.
- Sau các động thái này của anh, khoa và nhà trường đã xác minh sự việc như thế nào?
- Tôi đã 2 lần gửi đơn tố cáo tới Khoa Luật vào hôm 11/6 và 13/6 và nhiều đơn đề nghị nữa tới Khoa Luật và ĐHQG Hà Nội. Tuy nhiên đến nay đã hơn hai tháng nhưng chưa có bất kì động thái kết luận nào từ phía Khoa Luật. Tôi đang theo dõi những hành động của Tổ Xác minh và Khoa Luật và tôi cho rằng hiện nay đang có những dấu hiệu không bình thường và tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho báo chí những thông tin tiếp theo.
Hiện nay, không chỉ danh dự của tôi mà hình ảnh, uy tín của Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội và cả ngành giáo dục nói chung cũng bị ảnh hưởng bởi những thông tin bịa đặt, sai trái này. Vì vậy, tôi mong rằng Khoa Luật và các cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ vụ việc này với một thái độ công tâm, khách quan, đúng pháp luật và xử lý tất cả các hành vi xúc phạm, danh dự cá nhân của tôi trong thời gian qua, trả lại danh dự cho tôi, uy tín cho Khoa Luật, cho ĐHQG Hà Nội và ngành giáo dục, cũng như pháp luật và đạo lý vị trí vốn có của nó.