Hội đồng Giáo sư Nhà nước làm khó ứng viên?

Bao giờ công tác xét công nhận chức danh GS/PGS hết “lùm xùm”?
Bao giờ công tác xét công nhận chức danh GS/PGS hết “lùm xùm”?
TP - Giống năm 2019, sau khi ứng viên nộp xong hồ sơ, qua vòng xét duyệt cấp cơ sở, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) lại đưa ứng viên vào thế “việt vị” với cụm từ “không đủ” ngay trước khi HĐGS ngành/liên ngành xét duyệt.

Ngày 22/9, phản ánh đến Tiền Phong, một ứng viên PGS cho biết, hôm 15/9, HĐGSNN có Công văn số 155/HĐGSNN về các vấn đề cần thống nhất gửi các HĐGS ngành/liên ngành năm 2020. Trong đó, với khái niệm “không đủ” của một số tiêu chuẩn/tiêu chí được cụ thể hóa khiến nhiều ứng viên và các HĐGS cơ sở rơi vào thế “việt vị”.

Cụ thể, Quyết định 37 quy định ứng viên đã được bổ nhiệm chức danh PGS nhưng chưa đủ 3 năm và ứng viên không đủ số giờ chuẩn giảng thì phải có ít nhất gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, tại Công văn 155, điều này được “nói cho rõ” rằng những ứng viên thuộc diện trên, sau khi được bổ nhiệm chức danh PGS ứng viên phải có ít nhất 2 năm hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy (đạt số giờ chuẩn giảng dạy/giờ trực tiếp trên lớp),

Với ứng viên PGS, Quyết định 37 của Thủ tướng quy định ứng viên không đủ 6 năm và ứng viên không đủ số giờ chuẩn giảng dạy quy định thì phải có ít nhất gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.

Quy định này cũng được Công văn 155 bổ sung tiêu chuẩn ứng viên phải đáp ứng đủ một trong 2 điều kiện tối thiểu sau: 3 thâm niên cuối giảng dạy liên tục và hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy (đạt số giờ chuẩn giảng dạy/giờ trực tiếp trên lớp) trong 3 thâm niên đầu phải có ít nhất 1 năm hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo quy định. Hai trong 3 thâm niên cuối hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo quy định.

Như vậy, với việc quy định “thêm cho rõ” của HĐGSNN, những ứng viên GS không đủ số giờ chuẩn/giờ trực tiếp lên lớp từ 2 năm trở lên kể từ khi được bổ nhiệm chức danh PGS mặc nhiên sẽ bị loại dù họ xuất sắc đến đâu và việc “không đủ” để bù gấp đôi số điểm mà quyết định 37 của Thủ tướng đưa ra không còn ý nghĩa.

Tương tự, với ứng viên PGS, nếu không đáp ứng một trong hai điều kiện được quy định rõ thêm dù ứng viên có đủ 3 thâm niên cuối hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và có đầy đủ 3 thâm niên đầu nhưng không đủ số giờ chuẩn giảng dạy/giờ trực tiếp lên lớp thì vẫn bị loại và không được phép bù gấp đôi số điểm. Trong khi đó, vị ứng viên PGS kể trên nói rằng, năm 2019, tiêu chí này không bắt buộc cho các ứng viên PGS.

Sẽ có ứng viên bị “việt vị”

Vị ứng viên PGS cho rằng, sẽ không có gì đáng nói nếu công văn ra trước thời điểm ứng viên nộp hồ sơ và họ biết được những tiêu chuẩn/tiêu chí nào cần phải đáp ứng cho hồ sơ của mình. Việc đưa ra những tiêu chí phụ rất khắt khe ở thời điểm hồ sơ ứng viên chuẩn bị được HĐGS ngành/liên ngành xét duyệt không những không tôn trọng các ứng viên, các HĐGS cơ sở mà còn làm khó cho họ theo hình thức áp đặt hồ sơ từ trạng thái “hợp lệ” sang trạng thái “không hợp lệ” một cách tùy hứng.

Trong khi đó, trao đổi riêng với phóng viên Tiền Phong, một thành viên HĐGSNN thừa nhận, do Quyết định của Thủ tướng còn mới nên có những “điểm mờ” chưa rõ, khi đi vào thực tế mới thấy hết được những vấn đề này. Qua những lần như thế, HĐGSNN sẽ điều chỉnh cho rõ dần để các HĐGS ngành/liên ngành hay các HĐGS cơ sở dễ áp dụng.

“Trước đây, dưới Quyết định của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT còn ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn, bổ sung. Nhưng bây giờ theo quy định, chỉ có duy nhất quyết định, không có thông tư chi tiết hướng dẫn nên trong quá trình làm, HĐGSNN phải điều chỉnh cho sát với thực tế”, vị giáo sư thành viên HĐGSNN nói.

MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.