Theo thống kê của QS, với tổng số 505 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng, cùng vị trí xếp hạng mới, Trường ĐHBK Hà Nội thuộc tốp 52% các trường trong danh sách. Năm nay, theo công bố, ĐHQG Hà Nội đứng thứ 1 Việt Nam, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (thứ 2), Trường ĐHBK Hà Nội ở vị trí thứ 3, kế đến là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.
So với năm 2018, bảng xếp hạng QS-Asia năm 2019 bổ sung thêm tiêu chí “Mạng lưới nghiên cứu quốc tế”, nâng tổng số lượng tiêu chí lên 11. Chỉ số này sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi SCopus để đo mức độ công khai quốc tế về mặt hợp tác nghiên cứu cho từng tổ chức được đánh giá và được tính trọng số là 10%. Bên cạnh đó, có hai tiêu chí bị giảm trọng số, đó là “Tỉ lệ giảng viên/sinh viên” từ 15% xuống 10% và “Số lượng bài báo/giảng viên” từ 10% xuống còn 5%. Các chỉ số còn lại được giữ nguyên.
Với tiêu chí “Mạng lưới nghiên cứu quốc tế” lần đầu tiên được đưa vào đánh giá, Trường ĐHBK Hà Nội được đánh giá đứng thứ 135 trong khu vực, vị trí tương đối cao. Ở tiêu chí khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp, Trường ĐHBK Hà Nội đã có bước tăng đáng kể lên mức 161.
Với tiêu chí “Trao đổi sinh viên trong nước” Trường cũng có mức tăng lên 250. Mặc dù bị giảm so với năm 2018, nhưng tiêu chí “số lượng giảng viên là tiến sĩ” đã dần tiệm cận với mức trung bình khu vực, đạt 65.9 so với 69.9. Như vậy, với vị trí 261-270 trong bảng xếp hạng QS Asia 2018-2019, tăng gần 100 bậc so với năm 2013.
Lý giải với Tiền Phong liên quan đến việc “thăng hạng” của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS. Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc cho biết ĐH Quốc gia Hà Nội đã có một số chỉ số có thứ hạng tốt như các chỉ số về đánh giá của các nhà tuyển dụng, đánh giá của các nhà khoa học, số lượng sinh viên quốc tế đến trao đổi, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.
Đặc biệt là chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học. Đối với chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo thì ĐHQGHN đã vượt qua được ngưỡng trung bình (Châu Á: 4,5 lần/bài báo – ĐHQGHN: 5,1 lần).