Phụ huynh không nên nôn nóng khi trẻ học tiếng Anh

Theo các chuyên gia, để trẻ học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cần có giáo viên, giáo trình và môi trường tốt.
Theo các chuyên gia, để trẻ học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cần có giáo viên, giáo trình và môi trường tốt.
Nhu cầu cho con học ngoại ngữ của phụ huynh hiện nay rất lớn bởi trên thực tế việc dạy học trong nhà trường chưa đem lại hiệu quả. 

Nhiều phụ huynh bỏ hàng chục triệu đồng mỗi năm cho con học tiếng Anh nhưng trẻ có thể sử dụng được như ngôn ngữ thứ 2 thì đa số phụ huynh đều rất băn khoăn, thậm chí mất phương hướng. Theo các chuyên gia, để trẻ giao tiếp được tiếng Anh cần có môi trường, phương pháp. Ngày nay, nhiều người chỉ giao tiếp với con bằng tiếng Anh hoặc cho con học qua youtube là không đúng cách.

Phụ huynh mất phương hướng

Chị Trần Thu Giang, ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, vì trước đây bố mẹ không được đầu tư học tiếng Anh nên quyết tâm cho con học sớm. Theo chị Giang, từ mấy tháng, chị thường xuyên mở mạng cho con xem các video, bài hát tiếng Anh.

Thấy con nói theo được một số từ và số đếm chị vui lắm nên hơn 2 tuổi chị cho đi học ở các trung tâm gần nhà. Với thời lượng học mỗi tuần 2 buổi nhưng vì bố mẹ không biết nói tiếng Anh nên về nhà không trò chuyện được cùng con, không kiểm tra được năng lực của con.

Từ đó đến nay, con có gần 4 năm học ngoại ngữ nhưng mới đây, khi đem đến một trung tâm khá lớn để kiểm tra trình độ, xếp lớp thì giáo viên bản ngữ phỏng vấn, đánh giá con bắt đầu vào lớp đầu tiên.

“Mình thật sự sốc, vì 4 năm qua đã bỏ không ít tiền cho con học trung tâm, có học thêm cả ở nhà giáo viên vậy mà con chỉ nói được những từ đơn lẻ. Giáo viên nước ngoài hỏi, con không nghe, không trả lời được”, chị Giang nói.

Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên giảng viên Trường ĐH ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, tâm lý người Việt đang sính ngoại mà không tìm hiểu kỹ. Về giáo viên, ngoài các trung tâm lớn, tuyển giáo viên đòi hỏi khắt khe thì ở các trung tâm hiện nay, giáo viên nước ngoài có bằng cấp, chứng chỉ sang làm việc không nhiều. Họ chỉ dựa vào giáo viên là tây ba lô sang Việt Nam du lịch và làm thêm.

“Những giáo viên dạy ở trung tâm này, 80-90% là không hề có trình độ sư phạm. Họ truyền tai nhau, chỉ cần biết học sinh, phụ huynh Việt Nam chỉ cần có tây “mắt xanh, mũi lỏ, nói xì xồ là được”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho rằng, điều mấu chốt để một đứa trẻ nói tốt tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là phải có môi trường tiếng Anh càng sớm càng tốt. “Ngoài ra, trẻ cần được tiếp xúc với giáo viên phát âm chuẩn, điều này rất quan trọng”, ông khẳng định. Một thực tế hiện nay ở các trung tâm mà ông Lâm chỉ ra là chưa tạo được môi trường, thói quen nói tiếng Anh cho trẻ.

“Ví dụ, trong giờ thì nói hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng chỉ cần ra cửa là giáo viên nói tiếng Việt. Các biển hiệu, dụng cụ trực quan…cũng bằng tiếng Việt. Những chi tiết nhỏ như vậy nhưng là điều quan trọng trong việc tạo môi trường cho trẻ”, ông Lâm nói.

Bà Nguyễn Lam Giang, Trưởng Đại diện Khu vực Đông Nam Á, ĐH Waikato, Newzeland cho rằng, ngày nay nhiều phụ huynh nôn nóng cho con học tiếng Anh từ sớm và áp dụng phương pháp như: chỉ giao tiếp với con bằng tiếng Anh; cho con xem youtobe nên không đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi khi học tiếng Anh quá sớm, khi chưa vững tiếng Việt trẻ dẫn đến loạn ngôn phải đi chữa trị.

Cần có giáo trình, giáo viên chuẩn

Bà Giang cũng cho rằng, thời gian phát triển ngôn ngữ tốt nhất là 0-3 tuổi. Ở độ tuổi này, não phát triển nhanh, thẩm thấu tốt. Vì thế, phụ huynh nên tận dụng độ tuổi này để cho trẻ thành thục tiếng Việt, sau đó mới cho trẻ học ngôn ngữ thứ 2. Phụ huynh đừng bắt con chỉ giao tiếp tiếng Anh khi ở nhà. Sau này, khi đến trường học, nhiều trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp, hòa nhập với bạn bè ở trường lớp. 

Bà Giang khẳng định, độ tuổi để học tiếng Anh phù hợp là khoảng 4 tuổi trở đi. Ở độ tuổi này, trẻ đã vững vàng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, bắt đầu học ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Anh sẽ rất phù hợp. Tuy nhiên, theo bà Giang, trẻ cần được học bài bản, trong đó có giáo trình tốt, tiếp xúc giáo viên phát âm chuẩn. Bởi trẻ rất nhạy cảm với ngôn ngữ, khi đã được dạy phát âm sai thì sẽ rất khó sửa.

Chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay một số trung tâm tiếng Anh lớn đã dạy trẻ học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 (Phương pháp ESL  - English as a Secon Langguage). Những trung tâm này, họ tuyển chọn giáo viên đòi hỏi phải có chuyên môn, chứng chỉ sư phạm và nhất định phát âm chuẩn.

Trung tâm áp dụng phương pháp này ngoài thì ngoài việc trẻ được tiếp xúc với giáo viên từ các nước như Mỹ, Úc, Canada, giáo trình nhập khẩu từ các nước Châu Âu còn có các hoạt động, không gian công nghệ hỗ trợ cho việc học sẽ đạt hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm cũng cho rằng, trẻ học tiếng Anh ở một trung tâm hay một trường học nào đó sau này đi đâu cũng có thể nghe nói là điều khó bởi tiếng Anh cần có sự trải nghiệm, va chạm thì mới thích nghi. Vì thế, phụ huynh cần tạo cho con môi trường được giao tiếp, tiếp xúc với nhiều kênh khác nhau sẽ đạt hiệu quả hơn con chỉ học qua giáo trình, trường học.

Trong khi đó, GS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tiềm năng con người cho rằng, hiện nay, chương trình của Bộ GD&ĐT áp dụng dạy học tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 là chưa phù hợp. Lâu nay, học sinh Việt Nam có học ngoại ngữ trong nhà trường nhiều năm cũng không nói được là bởi vì chính giáo viên cũng phát âm chưa tốt, phương pháp chưa chuẩn.

Theo GS, trẻ có khả năng học ngôn ngữ từ rất sớm dựa trên nền tảng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Chính xác là ở độ tuổi mẫu giáo, từ 3 tuổi trở lên nên cho trẻ làm quen với ngôn ngữ thứ hai. Việc học ngôn ngữ thứ 2 lúc này không phải nhồi nhét mà thông qua các trò chơi, tìm hiểu thiên nhiên, môi trường xung quanh.

“Khi đó, trẻ có khả năng tiếp thu nhanh hơn nên khi đó tập trung dạy trẻ các cụm từ, cấu trúc câu và diễn đạt được thành lời. Tuy nhiên, trẻ cần được dạy bởi giáo viên phát âm chuẩn, giáo trình phù hợp. Nếu bố mẹ nói tiếng Anh không tốt nhưng vẫn dạy trẻ dẫn đến việc phát âm sai sẽ rất khó sửa”, GS nói.

GS Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng khuyến nghị, nhiều phụ huynh nôn nóng, muốn con đi học phải nói thành thạo tiếng Anh sớm là rất khó. Bởi ở lứa tuổi mầm non, việc học Tiếng Anh thông qua các hình ảnh, video, trò chơi…nhằm giúp trẻ ghi nhớ và kích thích não bộ phát triển.

Học tiếng Anh bản chất là học ngôn ngữ do  đó, cần tạo môi trường gần gũi, tự nhiên cho trẻ thể hiện. Không nên ép buộc trẻ, so sánh trẻ với những em khác. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ để học như: xem video, tranh ảnh, bài hát…tuy nhiên phải có  sự hướng dẫn của giáo viên nhằm đảm bảo thời lượng hợp lý mới  đem lại hiệu quả tốt.

Phương pháp dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai được cung cấp bởi các trường ĐH tại Anh, Mỹ, Canada nhằm cải thiện vốn tiếng Anh cho học sinh, sinh viên quốc tế. Sau nhiều năm áp dụng tại các nước, phương pháp này đã được áp dụng cho trẻ em Việt Nam.

Nếu như truyền thống, học sinh đến lớp, học từ vựng, ghi nhớ đoạn hội thoại dựa trên tình huống thì phương pháp ESL, trẻ bắt đầu tiếp xúc với kiến thức bằng việc hoàn thành bài tập E-learning (học trực tuyến) tại nhà. Cấu trúc bài E –learning giúp học sinh khám phá và làm quen với các từ, cụm từ mới trước khi tới lớp.

Theo chuyên gia, nhiều phụ huynh Việt Nam cứ thúc ép trẻ bắt chuyện với người nước ngoài. Tuy nhiên, với đứa trẻ nhút nhát, chúng khó có thể làm được điều đó, thậm chí ảnh hưởng đến sự tự tin khi tham gia các hoạt động khác.

Vì thế, trước hết cần phải tạo môi trường học tập để trẻ tự tin, có khả năng nói tiếng Anh như một phản xạ thông qua các hoạt động như: nhảy, hát, múa một cách tự nhiên. Ngoài ra, khi học ở lớp, trẻ cần được tương tác với các trò chơi cũng như chương trình học và công nghệ lồng ghép vào nhau sẽ khiến trẻ hứng thú và thẩm thấu ngôn ngữ một cách tự nhiên thay vì ép buộc sẽ đem lại hiệu quả nhanh nhất.

MỚI - NÓNG