Dự thảo “sinh viên bán dâm lần 4 phải thôi học”:

Bộ Giáo dục từng có quy định xử lý sinh viên bán dâm nhiều lần

TP - Bộ GD&ĐT đã xin rút và thừa nhận có sự nhầm lẫn trong dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình CĐ, trung cấp. Tuy nhiên, quy định sinh viên bán dâm lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học vẫn tồn tại trong phần phụ lục Thông tư 10/2016 về quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy. 

Quy định không mới

Dự thảo Thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình CĐ, trung cấp dù đã được Bộ GD&ĐT rút xuống và thừa nhận có sai sót trong quá trình cập nhật văn bản. Tuy nhiên, thực tế, tìm hiểu của Tiền Phong cho thấy, quy định này của Bộ GD&ĐT đã có từ năm 2007. 

Tại Quyết định 42 năm 2007 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thời kỳ đó ký (Ban hành quy chế học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ và Trung cấp chuyên nghiệp chính quy) có phần phụ lục quy định rất rõ. Ngày đó, Bộ GD&ĐT quy định sinh viên bán dâm lần 1 bị đình chỉ 1 năm học tập, lần 2 bị đuổi học.

Tiếp đến, Thông tư số 10 năm 2016 ban hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy dưới thời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký có quy định sinh viên bán dâm lần 1 bị khiển trách, lần 2 bị cảnh cáo, lần 3 bị đình chỉ 1 năm học, lần 4 bị buộc thôi học.

Như vậy, chế tài xử lý sinh viên bán dâm không mới, không phải đến giờ Bộ GD&ĐT mới đưa ra. 
Bộ Giáo dục từng có quy định xử lý sinh viên bán dâm nhiều lần ảnh 1 Phụ lục quy định tại Thông tư 10/2016 của Bộ GD&ĐT
Trả lời báo chí tối 29/10, Bộ GD&ĐT khẳng định theo kế hoạch Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT cho phù hợp với thực tiễn. Quá trình soạn thảo Thông tư này, Ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của HSSV, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành Quy chế mới. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, Ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.  Còn bên hành lang Quốc hội hôm qua, 30/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, quy định như trên là sai và kiên quyết phải sửa. Bên cạnh việc sửa sai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân những người làm sai.

“Theo cá nhân tôi, tại thời điểm hiện nay chưa cần thiết phải đưa quy định về xử lý sinh viên có hành vi mua - bán dâm vào các hình thức xử lý kỷ luật sinh viên, bởi chế tài đã có ở các bộ luật khác” 

Luật sư Đinh Anh Tuấn

Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, 30/10, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng đây là sơ suất cần phải rút kinh nghiệm. Hiện nay chúng ta đã có Pháp lệnh về phòng chống mại dâm ban hành từ năm 2003, nên các văn bản khác của các bộ ngành có liên quan đến vấn đề này phải làm sao để tương thích. Ở các trường sư phạm, các trường đều cố gắng có những quy định, chương trình đào tạo về đạo đức nhà giáo.

“Nếu có hiện tượng như Bộ nêu thì phải đuổi học luôn, sao phải đợi đến lần 1,2,3,4. Vì không chấp nhận được” - GS Nguyễn Văn Minh gay gắt nói. 

Quy định “lấn sân” luật khác?

Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, 30/10, luật sư Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Quang - Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết, thông tư 10/2016 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2016 không chỉ quy định xử lý sinh viên vi phạm kỷ luật về hành vi “hoạt động mại dâm”, Thông tư này còn quy định xử lý sinh viên vi phạm kỷ luật về hành vi “đánh bạc dưới mọi hình thức” (và một số hành vi khác như say rượu bia khi đến lớp) sẽ bị xử lý: Lần 1- Khiển trách; Lần 2- Cảnh cáo; Lần 3- Đình chỉ học tập có thời hạn; Lần 4- Buộc thôi học.

“Theo tôi, đánh bạc và hoạt động mại dâm hoàn toàn khác với say rượu, bia. Hai hành vi đầu là vi phạm pháp luật, trình tự thủ tục và chế tài xử lý trước hết phải tuân thủ các quy định tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi sinh viên, học viên có các hành vi này, nhà trường phải lập hồ sơ ban đầu và chuyển ngay người vi phạm, hồ sơ, tang vật cho cơ quan chức năng. Căn cứ kết quả xử lý của cơ quan chức năng, bấy giờ nhà trường sẽ có thêm hình thức xử lý kỷ luật tương xứng đối với sinh viên vi phạm”- Luật sư Đinh Anh Tuấn thông tin. Còn sinh viên, học viên say rượu, bia khi đến lớp, nhà trường có hình thức xử lý theo quy định của Bộ GD&ĐT là cần thiết.

“Theo cá nhân tôi, tại thời điểm hiện nay chưa cần thiết phải đưa quy định về xử lý sinh viên có hành vi mua - bán dâm vào các hình thức xử lý kỉ luật sinh viên, bởi chế tài đã có ở các bộ luật khác. Điều cần thiết là phải đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên, giúp các đối tượng này hiểu rõ các quy định pháp luật về xử lý các hành vi như đánh bạc, mại dâm, đánh nhau, trộm cắp, kể cả các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, xâm phạm bí mật đời tư của người khác…”- Luật sư Đinh Anh Tuấn nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG