Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng:

'Bán dâm 4 lần mới bị đuổi học là quy định không phù hợp'

TPO - Trao đổi với PV bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 30/10, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng chỉ ra nhiều vi phạm, bất cập xoay quanh dự thảo về quy chế học sinh sinh viên, với quy định nếu hoạt động mại dâm lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học.

Dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp, trong đó có quy định, sinh viên ngành đào tạo giáo viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học. Ông đánh giá thế nào về dự thảo thông tư còn nhiều sạncơ quan soạn thảo đã vội vàng công bố, gây nên phản ứng của dư luận?

Dự thảo là một văn bản chuẩn bị để lấy ý kiến và nó do một đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT làm. Trong quá trình lấy ý kiến đó, có sự phản hồi trở lại từ dư luận xã hội, các chuyên gia, bộ này đã kịp thời rút dự thảo đó khỏi trang web công bố.

'Bán dâm 4 lần mới bị đuổi học là quy định không phù hợp' ảnh 1  Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng

Tôi cho rằng, đó là hướng xử lý hợp lý, cầu thị. Đây là văn bản dự thảo nên có thể chưa thực sự phù hợp lắm. Việc ban hành văn bản dự thảo như thế có những hạn chế nhất định về mặt kỹ thuật. Việc này không nên vì dù là dự thảo mà đã công bố trên web của bộ thì cũng phải được chuẩn bị 1 cách kỹ lưỡng, tương đối hoàn thiện, ít nhất là không có mâu thuẫn vỡi những văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc những tiền lệ đã có. Tôi cho rằng đây là việc cơ quan quản cần lưu ý rút kinh nghiệm.

Nếu quy định này được ban hành không chỉ cho sinh viên sư phạm mà phổ biến với sinh viên chính quy các ngành nghề khác thì ông nghĩ thế nào?

Hiện nay tôi thấy ý kiến của một số chuyên gia về mặt pháp lý cho rằng quy định như trong dự thảo là không phù hợp bởi 2 lẽ:

Một là, như trong dự thảo thì dư luận phản ứng là bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học. Các lần vi phạm trước có các hình thức xử lý khác và mỗi lần như thế đều phải công khai. Quy định như thế là vi phạm quyền con người vì pháp luật cũng không quy định vấn đề đó phải công khai, nhất là trong môi trường trường học.

Thứ hai, trong pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính thì hoạt động mại dâm cũng được quy định với hình thức xử lý hành chính chứ không phải hình thức khác nhưng đuổi học cũng có thể coi là một hình thức phạt hành chính.

Vấn đề nữa, đây là môi trường đặc biệt và lỗi này cũng rất đặc biệt với môi trường trường học, vì nó liên quan đến vấn đề đạo đức, liên quan đến tư cách của một người sẽ trở thành người thầy trong tương lai.

Vậy nên quy định đó dù là trong dự thảo cũng không phù hợp mà cần có cân nhắc. Trong môi trường sư phạm này, tôi cho rằng có hành vi vi phạm như thế dù chỉ 1 lần cũng không đủ tư cách để học, để trở thành người thầy trong tương lai.

Vậy nên mức xử lý hành chính trong môi trường này phải rất cao, mang tính răn đe nghiêm khắc để có thể lựa chọn được những người đủ phẩm chất đạo đức để làm được nghề rất đặc thù này.

Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì có quy trình cụ thể và dư luận đặt vấn đề ở đây, liệu có lỗ hổng, có sự tắc trách của lãnh đạo bộ nên mới để lọt một vấn đề gây phản cảm như vậy trong dự thảo quy chế sinh viên sư phạm?

Tôi vừa có nói đến vấn đề quy trình. Ở đây quy trình làm văn bản là chuyện nội bộ của Bộ nhưng khi một văn bản đưa ra để lấy ý kiến xã hội thì phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, cả về nội dung, về hình thức văn bản. Về quy trình thủ tục, ở đây có cả chuyện cấp nào có thẩm quyền cho phép công bố dự thảo văn bản với toàn xã hội.

Mà đây không phải là lần đầu tiên một dự bảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ này nhận được phản ứng trái chiều gay gắt của dư luận. Chính vì vậy càng cần phải hết sức cẩn trọng. Rõ ràng phải xem lại quy trình của Bộ xem đã thực sự phù hợp chưa, không để tình trạng văn bản khi đưa ra thì nhận phản ứng, ném đá như vậy.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.