> ATM dịp Tết: Vừa rút tiền vừa run
Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM của Vietcombank trên đường Đồng Khởi, phường Tân Phong, TP Biên Hoà sáng 26 Tết. Ảnh: Đức Minh. |
Đêm vẫn xếp hàng rút tiền
Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, đến ngày 24 Tết mới được nhận lương gộp tháng 1 và tháng 2. Nhưng cả khu vực chỉ có 2 máy ATM, nên người xếp hàng rồng rắn chờ, tôi phải chờ đến 9 giờ đêm mới rút được tiền. Trong khi đó một số giáo viên khác thì chọn giải pháp chạy qua TP Biên Hoà cách đó 20km để rút tiền.
Cô Lệ Chi, giáo viên ở xã Tân An (Vĩnh Cửu) cho biết: “Tôi phải đi 2 người, một người vào rút tiền, người trông xe, rút được chút tiền lương hết cả buổi chiều”.
Trong dòng người đông đúc xếp hàng rút tiền tại một điểm ATM trên đường Đồng Khởi (TP Biên Hoà), chờ hơn 30 phút mới đến lượt mình, anh Nguyễn Văn Minh công nhân Taiwang VN vừa đưa thẻ vào thì máy báo hết tiền. Không kiềm chế nổi, anh Minh tức tối chửi thề, cả dòng người sau anh Minh vỡ oà giải tán. Tốp người vừa rút ra, thì nhóm người khác lại ào vào, mặc bảo vệ ra sức thông báo máy hết tiền.
Vừa rút được tiền tại phòng máy ATM trên đường 5, phường Tân Mai (TP Biên Hoà) chị Lê Huỳnh Hương, công nhân một công ty tại KCN Long Bình cho biết: “Công ty vừa thưởng Tết nên ai cũng rút tiền để mua sắm cuối năm. Nhưng phải đi đến cây ATM thứ 5 mới rút được tiền. Năm nào cũng vất vả với việc rút tiền Tết”.
Thưởng tết muộn, ATM quá tải
Tìm hiểu của PV Tiền Phong tại một số điểm rút tiền căng nhất trên địa bàn TP Đà Nẵng, gần như chỗ nào cũng phải xếp hàng. Tại điểm rút tiền Vietcombank Thanh Khê (đường Điện Biên Phủ), chúng tôi phải chờ tới 15 phút mới có thể rút được tiền. Một số điểm rút tiền ở KCN Hòa Khánh (Liên Chiểu), ĐH Bách khoa, Sư phạm… đều trong tình trạng tắc nghẽn giờ tan tầm.
Chị Lê Thị Ngân Hoa (CN KCN Hòa Khánh), chen lấn mãi mới rút được tiền để kịp về quê ngay buổi tối, nói: “Cty thưởng tết muộn quá, mãi tới chiều 18-1 mới gửi tiền vào tài khoản. Chủ quan không đi rút ngay, giờ phải chen lấn”.
Hai ngân hàng Agribank và Vietcombank đều thừa nhận, tình hình tại các điểm rút tiền ATM cận Tết năm nay căng thẳng hơn mọi năm, bởi lượng người dùng thẻ tăng và đặc biệt nhiều DN, công sở thưởng Tết muộn. Vì vậy, các ngân hàng phải căng sức phục vụ.
Theo ông Đoàn Phúc – Phó GĐ Agribank Đà Nẵng, hiện Agribank có 41 cột ATM trên địa bàn, phủ khắp từ nội thành đến nông thôn, vùng núi. “Cận tết, độ giao dịch ATM tăng gấp 2 – 3 lần bình thường, mỗi cột chúng tôi bỏ vào 800 triệu, cận tết tăng từ 1 – 1,3 tỷ có khi vẫn hết tiền. Nhân viên Agribank phải nạp tiền liên tục, có khi mỗi ngày 1 lần”.
Theo ông Phúc, mỗi chi nhánh Agribank quận, huyện cử 2- 3 người phục vụ ATM, riêng hội sở chính từ 4 - 5 người. “Cột ATM có số điện thoại nóng, anh em mở máy liên tục, khách hàng thắc mắc nửa đêm cũng phải tới giải quyết. Số di động của tôi cũng dán đường dây nóng” - ông Phúc nói.
Ngân hàng Vietcombank Đà nẵng có 46 điểm rút tiền, tập trung nội thành, nhưng những ngày này cũng rơi vào tình trạng căng thẳng. Ông Lê Diệp – GĐ Vietcombank Đà Nẵng cho biết, đơn vị nộp từ 800 triệu – 1 tỷ đồngvào các cột ATM 2 ngày/lần dịp tết. Bình thường mỗi tuần chỉ nộp vào 2 lần.
“Chúng tôi theo dõi chặt chẽ các điểm ATM nơi có đông người giao dịch, luôn cử cán bộ đến đổ tiền vào khi cột hết, nhưng có khi cũng không kịp phục vụ. Năm nay thưởng tết muộn, điểm rút tiền nào cũng căng, có khi phải chờ rất lâu” - ông Diệp nói.
Trục trặc giải quyết ra sao?
Chiều 19-1, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Công ty thẻ Smartlink cho biết: “Các ngân hàng đang phải làm việc hết tốc lực. Lượng giao dịch qua ATM tăng gấp 4 lần”.
Việc hệ thống máy ATM phía Nam gặp nhiều sự cố như nghẽn mạch hay hết tiền, theo một chuyên gia chủ yếu do tại các khu công nghiệp đang rơi vào ngày cao điểm công nhân rút tiền lương thưởng trên tài khoản để về quê ăn Tết.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng tiền mặt tại phía Nam nhất là TP Hồ Chí Minh những ngày này đột biến trong khi tại Hà Nội, lại có một lượng tiền chảy về. “Năm ngoái, có lúc phải chuyển tiền từ Bắc vào Nam để cân đối thị trường” - nhân viên một ngân hàng kể.
Liên quan đến câu chuyện ATM nghẽn mạch, theo bà Tú Anh, không có một hệ thống nào có thể chịu đựng được hàng triệu giao dịch trong một thời điểm. Vì vậy, các NH phải chủ động trong khâu phục vụ khách hàng. Đặc biệt, phải bố trí người và xe nhằm tiếp tiền vào cây ATM đầy đủ, kịp thời vì nhiều NH thông báo và hứa hẹn, nhưng khi làm lại đổ lỗi cho nhiều lý do khách quan như tắc đường, không đủ người... dẫn tới ATM hết tiền.
Liên quan đến những lo lắng về các sự cố có thể gặp phải như máy không nhả thẻ hoặc bị trừ số dư trên tài khoản không đúng, ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Trung tâm thẻ Techcombank lưu ý người sử dụng, nếu máy ATM chậm trả tiền, khách hàng nên đợi ít nhất 60 giây chờ tiền ra.
Trong trường hợp, máy ATM chưa trả tiền mà màn hình trở lại chế độ bình thường, khách hàng nên gọi ngay đến đường dây nóng của NH được dán ngay tại cây ATM hoặc số trung tâm thẻ của ngân hàng đó (in sau thẻ ATM) thông báo cho NH chính xác địa điểm giao dịch, thời gian giao dịch và số tiền giao dịch. Sau đó, khách hàng đến NH để ghi yêu cầu trợ giúp bằng văn bản để có cơ sở theo dõi thời gian xử lý của NH.
Trường hợp gặp tiền rách, tiền không đảm bảo, khách hàng cần lưu giữ lại hóa đơn chứng từ để đến các điểm giao dịch gan nhất của NH quản lý ATM để đổi lai.
Ngân hàng chi hộ nhau 300 tỷ đồng/ngày Trong 11 tháng đầu năm 2011, các ngân hàng chi hộ nhau bình quân 109 tỷ/ngày. Trong tháng 12- 2011, các ngân hàng chi hộ nhau bình quân 143 tỷ/ ngày. Trong nửa đầu của tháng 1- 2012, các ngân hàng chi hộ nhau bình quân 175 tỷ/ngày. Đặc biệt, trong 10 ngày cao điểm của tháng 1/2012 (từ 9 đến hết 18- 1) các ngân hàng đã chi hộ nhau bình quân hơn 200 tỷ/ngày. Cá biệt vào những ngày đầu tuần của 2 tuần giáp Tết, các ngân hàng đã chi hộ nhau trung bình trên 300 tỷ/ngày, gấp 3 lần số liệu các ngày bình thường trong năm. Tổng lượng tiền các ngân hàng đã chi hộ nhau trong tháng 1- 2012 ước đạt 5.400 tỷ đồng. Tham chiếu số liệu của những năm trước, lượng tiền các ngân hàng chi hộ nhau chỉ chiếm khoảng 10% lượng tiền mặt các ngân hàng cung ứng qua hệ thống ATM của toàn thị trường. Như vậy, lượng tiền mặt được cung ứng qua hệ thống ATM của toàn thị trường vào tháng 1- 2012 ước đạt 54.000 tỷ đồng. |