Giảng viên đại học suýt dính 'bẫy' lừa thừa kế 7,3 triệu USD từ nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dựng chuyện về một đại gia người Việt bên châu Phi bị tai nạn xe hơi, một đối tượng tự xưng là luật sư lập kế chia tiền thừa kế để lừa đảo. Dù chiêu trò lừa được đảo này đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần nhưng một giảng viên đại học vẫn bị dụ mị, suýt sập bẫy…

Anh N. Q. H., giảng viên của trường đại học lớn tại Hà Nội phản ánh: Cách đây 8 tuần nhận được email của một người tên Evis Edor đến từ Cộng hòa Togo (ở khu vực Tây Phi). Người này xưng là luật sư rồi trình bày: Năm 2015, thân chủ của ông ta là người gốc Việt, tên là Cong Liem Quoc cùng cả gia đình bị thiệt mạng do tai nạn xe hơi, để lại 7,3 triệu USD trong ngân hàng.

Ông Evis Edor nói với anh H. rằng, mấy năm nay tìm một người Việt Nam có họ giống ông Quoc để làm các thủ tục thừa kế số tiền trên và may mắn khi tìm được anh H. Ông này hứa, nếu anh H. hợp tác, anh sẽ được hưởng 30% số tiền, 40% thuộc về ông ta, 30% còn lại trả cho ngân hàng và tòa án.

Evis Edor trò chuyện, nhắn tin hàng ngày với anh H như bạn thân. Anh H. cảnh báo với Evis rằng, nếu phải bỏ bất cứ khoản phí nào, anh sẽ rút lui nhưng "tay" này vẫn không nản chí. “Evis còn hứa, sau khi xong việc, ông ta sẽ đến Việt Nam thăm tôi và đầu tư vào bất động sản”, anh H. kể.

Giảng viên đại học suýt dính 'bẫy' lừa thừa kế 7,3 triệu USD từ nước ngoài ảnh 1

Giấy xác nhận giả mạo thể hiện anh H. được thừa hưởng số tiền 7,3 triệu USD

Hai tuần liên tục, Evis và bên "ngân hàng" gửi mail qua lại. “Tôi lần lượt nhận được thư bên tòa án xác nhận mình là nhân thân của người đã khuất; xác nhận của ngân hàng được thừa hưởng 7,3 triệu USD”, anh H. nói. Trên trang web của "ngân hàng" có tên miền là E...e.com (viết tắt) được "ngân hàng" cung cấp, anh H. đăng nhập và thấy hiện lên số dư 7,3 triệu USD.

"Lúc này, ngân hàng email, yêu cầu tôi phải ký xác nhận trực tiếp vào một số giấy tờ rồi mới chuyển tiền về Việt Nam được. Lúc này, Evis nói sẽ nhờ bên bưu điện Togo gửi về và tôi sẽ mất phí vận chuyển (372 USD), phí bảo hiểm (130 USD), phí VAT (100 USD) và phí tem đóng thuế (100 USD); tổng cộng 675 USD, khoảng 15 triệu đồng”, anh H. cho hay.

Đúng lúc này, anh H tá hỏa phát hiện tên miền chính xác của ngân hàng này là B...d.org (viết tắt). Hình ảnh, thông tin giống y chang với trang web lâu nay anh vẫn giao dịch, chỉ khác số điện thoại. Lúc này, anh H. mới ngớ ra rằng bị lừa, liên hệ lại, tay “luật sư" cũng "mất tích".

Giảng viên đại học suýt dính 'bẫy' lừa thừa kế 7,3 triệu USD từ nước ngoài ảnh 2

Thông báo phụ phí anh H. phải nộp - điểm "chốt hạ" của chiêu lừa

Ngoài anh H., gần đây, nhiều bạn đọc cũng phản ánh đến Tiền Phong từng bị quấy rối bởi những chiêu lừa có yếu tố nước ngoài. Phổ biến nhất là nhiều tài khoản Facebook với hình ảnh là các cô gái trẻ, giả danh là nhân viên y tế, quân nhân đóng quân tại Trung Đông đang có một khoản tiền lớn để chuyển đi. Kịch bản dẫn dụ cũng tương tự như của anh H như trên.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, những trường hợp nêu trên đã được cảnh báo nhưng vẫn diễn ra. Có trường hợp, đối tượng lừa đảo hẹn với “con mồi” rằng số tiền sẽ được gửi về nước và sẽ giấu vào các vật dụng như khung tranh, quà tặng… rồi không khai báo hải quan. Ở “chốt chặn” cuối này, tình huống bất ngờ mới phát lộ: Tiền bị hải quan phát hiện; nếu muốn lấy, nạn nhân cần đóng các khoản phí. Nhiều người thấy số tiền lớn chuẩn bị đến tay mình nên đã không tiếc gì mà làm theo.

“Người dân cần tiết chế lòng tham bởi vì không có gì tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Khi gặp trường hợp đó, phải chia sẻ câu chuyện với người khác để kịp thời nhận ra trò lừa đảo”, chuyên gia Đào Trung Hiếu khuyến cáo.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.