Cũng như hai đêm nhạc Lênh đênh nhớ phố, Hạ Huyền, Chiều qua vẫn qua bán hết sạch vé ngay khi có thông tin về chương trình, minh chứng rằng công chúng luôn yêu nhạc Trịnh và mến giọng ca Giang Trang.
Cố giữ nét nguyên sơ của nhạc trịnh
Vẫn những tình khúc quen thuộc của Trịnh: Hoa xuân ca, Duyên, Mưa hồng, Để gió cuốn đi, Một lần thoáng có... tưởng chừng giản đơn để khán giả tiếp nhận, nhưng từ những nhu cầu tinh tế cho việc làm mới, tránh đi vào sự lặp lại đơn điệu dẫn tới các đêm nhạc diễn ra giống nhau... lại đòi hỏi Giang Trang cùng những người bạn không ngừng tìm tòi sáng tạo mà vẫn giữ nguyên được đường nét rung động xúc cảm nguyên sơ của nhạc Trịnh.
Có những khúc nhạc diễn đạt niềm vui. Nét nhạc hồn nhiên và đơn sơ nhưng với các biến tấu đủ tìm tòi sẽ lôi cuốn người nghe vào một nỗi hân hoan ngày một nở ra, như một đoá hoa nhẹ nhàng tinh khôi trong cơn mưa buổi sáng.
Không dễ để thấy một ca khúc “hoàn toàn hân hoan” trong sáng tác của Trịnh Công Sơn, nhưng khi gạn lại cái bóng nắng hy vọng, với một tinh thần “bình thản” trước đời sống, thì vẫn có thể cho thấy sự lạc quan nhẹ nhõm, bay bổng (Ngày sang đã sang)
Giang Trang hiểu thấu ca từ, nhạc Trịnh... bởi thế khi hát, cô hòa nhập tâm thế mình trong âm nhạc của ông. Cứ cho là một cuộc chơi hồn nhiên rong ruổi qua phố nhạc Trịnh, thì vẫn nên là hiến tận cùng cảm xúc mình:
“Mỗi cuộc chơi là một lần phiêu lưu, là một trải nghiệm đem lại những thú vị riêng. Thật khó để đem ra so sánh. Cuộc chơi lần nào cũng đem lại cho Trang nhiều điều bổ ích và nhiều cứu rỗi trong đời sống tinh thần. Mỗi lần là một lần được sống thêm với âm nhạc, được hiểu thêm về bản thân mình, trong đó có cả hiểu thêm về đời sống xung quanh” - chị chia sẻ.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Chơi nhạc trịnh bằng sáo, nhị
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939 tại Huế, mất ngày 1/4/2001. Gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn được cho là khoảng 600 ca khúc.
Với một số nhạc cụ mới được đưa vào như đàn tính, đàn tranh, nhị, sáo mũi đi cùng guitar điện, guitar dây sắt, guitar nylon và keyboard cùng giọng hát nhẹ nhàng, mảnh mai như sợi chỉ được bao bọc... một không gian âm nhạc phóng khoáng tự nhiên đầy ngẫu hứng được mở ra bởi nghệ sĩ phối khí Trần Đức Minh.
“Cuộc phiêu lưu của Chiều qua vẫn qua mang tâm thế của ngày sang đã sang, đêm qua đã qua, tình yêu đã ngả màu, thời gian vẫn qua đi trong cuộc đời - nhiều khi ngắn rất ngắn - nhiều khi dài thật dài...” - Giang Trang nói thêm.
Bởi các thành viên trong ban nhạc đã từng chơi cùng, từng thấu hiểu, có thể lắng nghe và chạm vào tâm cảm nhau qua mỗi nốt nhạc, nên việc tập trước cho hai đêm diễn thành phóng khoáng phiêu du nhẹ nhõm được nghệ sĩ Trần Đức Minh định hướng từ trước.
Người đàn bà đã sang tuổi ba mươi mang trong mình tâm thế khác với cô gái mười chín đôi mươi xưa lần đầu hát nhạc Trịnh trong quán Tranh, từng làm xôn xao kí ức sinh viên Hà thành.
Nhịp sống Trang chọn chậm rãi hơn, nhìn mọi việc đơn giản nhẹ nhàng hơn. Khi hỏi cảm giác về những ngày qua cùng hai đêm nhạc tưởng nhớ ngày sinh Trịnh Công Sơn tới, Giang Trang chia sẻ:
“Cho dù cuộc đời có đưa đến cho ta niềm vui, nỗi buồn, sự bất hạnh hay may mắn thì cũng không ngừng “sống”, và mỗi ngày đều cố gắng đem lại những niềm vui nho nhỏ cho bản thân, cho những người ruột thịt, hay cho ai khác khi có cơ hội. Cố gắng giảm thiểu tối đa sự làm phiền không cần thiết tới mọi người...
Và khi hát, tôi muốn hát lên cảm nhận của mình về bài hát ấy. Hát để giãi bày với lòng mình, để mua vui cho bản thân trước tiên, và nếu như có được vài sự đồng cảm thì tôi cũng đã cảm thấy đầy đủ.
Tôi luôn cảm thấy nhạc Trịnh Công Sơn chạm vào lòng mình, với những tâm sự dịu dàng về tình yêu và thân phận. Tôi mong, mình có thể nỗ lực chia sẻ với khán giả phần nào những gì mà âm nhạc Trịnh Công Sơn đã chạm vào lòng tôi, như thế.”
Theo Việt Quỳnh