Gian nan giáo viên hợp đồng

Hàng trăm giáo viên huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đang kêu cứu khi bị chấm dứt hợp đồng.
Hàng trăm giáo viên huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đang kêu cứu khi bị chấm dứt hợp đồng.
TP - Hàng nghìn giáo viên dạy hợp đồng tại các trường công lập trên cả nước đang lo không biết mình có được tuyển dụng chính thức hay không.

Năm nay 34 tuổi, gắn bó với nghề giáo đã hơn chục năm, thầy giáo H. dạy chuyên Toán tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) vẫn mang danh giáo viên dạy hợp đồng. Dạy giỏi, nhiều tài lẻ, nhiệt huyết nên những dịp trường có lễ hội, thầy luôn là cây văn nghệ khuấy động phong trào. Cậu học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) mê nghề dạy học nên đăng ký thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 2010, thầy H. chuyển về dạy ở Trường THPT Chu Văn An. Thầy được phân công dạy lớp chuyên, bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm học 2013-2014, học sinh của thầy đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên, khi thi công chức, thầy bất ngờ bị trượt. Yêu nghề, thầy tiếp tục ký hợp đồng với trường. Để trang trải cuộc sống, thầy buộc lòng phải “chạy sô” ở một trường khác.

Có 16 năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, cô Phạm Thị Thúy Hằng ở Trường tiểu học thuộc Trung tâm Nông trại bò và đồng cỏ (Ba Vì, Hà Nội) vẫn chưa thôi hy vọng một ngày nào đó được gọi là giáo viên biên chế. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Ngoại ngữ năm 2000, cô được nhận vào Trường THCS Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Sau sáu năm làm giáo viên hợp đồng nơi đây, cô được chuyển về Trường tiểu học thuộc Trung tâm Nông trại bò và đồng cỏ, gắn bó từ đó đến nay ngót chục năm với mức lương 1,45 triệu đồng/tháng. Cô tâm sự, từ nhà đến trường khoảng 17km; 16 năm qua, cô không bỏ lỡ tiết học nào. Hai lần thi trượt công chức, cô không giấu được nỗi buồn nhưng cũng không nguôi hy vọng một ngày nào đó, địa phương lại có thêm biên chế. Cô nói: “Sáng sáng đều đặn dắt xe đi làm mà không khỏi ái ngại với chồng con cũng như nỗi tủi cực trong lòng”.

Cô giáo Nguyễn Thị H. là một trong 214 giáo viên hợp đồng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa bị địa phương cho nghỉ việc không thời hạn sau 3 năm dạy học. Sau khi cô bị cắt hợp đồng, chồng cô (lái xe cho dự án ở Khu công nghiệp Formosa) cũng mất việc. Tay trắng, không vốn liếng, hai vợ chồng rơi vào cảnh không biết bấu víu vào đâu để nuôi con nhỏ. Dựng quán nước ven đường ở xã Kỳ Phương để kiếm cơm, nhưng từ ngày Formosa có biến, hàng quán đìu hiu nên cuộc sống vợ chồng cô càng khó khăn. Cô vẫn mong được trở lại bục giảng…

Nhiều địa phương vi phạm quy định

Năm học 2016-2017, tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 1.000 giáo viên, tỉnh Hậu Giang thiếu gần 1500 người, tỉnh Kiên Giang thiếu gần 1.000 người… Nguyên nhân là số học sinh tăng nhưng lượng giáo viên biên chế chưa được tăng. Tuy nhiên, thay vì chỉ ký hợp đồng trong thời gian ngắn, nhiều địa phương lại kéo dài hợp đồng dẫn đến nhiều chuyện phát sinh, gây thiệt thòi cho giáo viên. Khi địa phương rà soát lại mới có chuyện sa thải hàng loạt giáo viên dù có người đã dạy hợp đồng 10-20 năm. Năm 2015 có 214 giáo viên ở Kỳ Anh bị cắt hợp đồng; năm 2016 có 376 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đồng loạt mất việc; 185 giáo viên ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) từng rơi vào cảnh hoang mang khi mất việc…

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh, nói rằng, sau khi địa phương chia tách huyện, thị xã rà soát và chấm dứt hợp đồng với những giáo viên đã ký trước đó vì các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Từ đó đến nay, nếu chỗ nào thiếu, huyện, thị mới đề xuất xin tỉnh tuyển giáo viên chính thức, chấm dứt chế độ ký hợp đồng với giáo viên như trước. “Từ đầu năm 2006 đến nay, huyện, thị xã vừa tuyển một đợt gồm 31 giáo viên tiểu học, trong số đó có những giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng trước đó đăng ký thi vào chính thức. Riêng các cấp học khác, hiện tại, địa phương chưa có chỉ tiêu mới nên một số giáo viên phải xoay xở chuyển nghề hoặc chờ cơ hội khác”, ông Sum nói.

Ông Nguyễn Hải Thập, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo - Bộ GD&ĐT, cho biết, việc tuyển giáo viên hợp đồng là do nhu cầu của các địa phương. Bộ Nội vụ có vai trò quản lý, giám sát; khi ký hợp đồng sẽ do UBND các huyện và Phòng Nội vụ trực tiếp thực hiện. Địa phương có quyền tự chủ và lương chi trả cho giáo viên cũng do ngân sách nhà nước rót về từng địa phương. Do đó, Bộ GD&ĐT không nắm được số liệu giáo viên hợp đồng trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn: Chấn chỉnh vi phạm tại nhiều địa phương

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong tối 19/11, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, theo quy định, trong trường hợp thiếu giáo viên mà chưa tổ chức thi tuyển kịp, các quận, huyện có quyền ký hợp đồng lao động để đảm bảo hoạt động dạy và học tại các trường. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng lao động chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn và ngay sau đó phải tổ chức thi tuyển. Việc ký hợp đồng kéo dài từ 5 đến 7 năm rồi sau đó nhiều người phải bỏ nghề do thi không đỗ vào biên chế đã gây nhiều thiệt thòi về quyền lợi cho thầy cô giáo. “Tôi phải khẳng định ngay là nhiều địa phương ký hợp đồng kéo dài như vậy là sai quy định. Ngay từ giữa năm 2015, Bộ Nội vụ đã phát hiện tình trạng vi phạm trong ký hợp đồng với giáo viên tại nhiều nơi và đã có chỉ đạo chấn chỉnh, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan được phân cấp ký hợp đồng tại nhiều địa phương”, ông Tuấn nói.   

Minh Tuấn

MỚI - NÓNG