Gian nan dạy tiếng Ơđu

Gian nan dạy tiếng Ơđu
TP - Để bảo tồn tiếng nói của dân tộc Ơđu, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã kết hợp với huyện Tương Dương mở lớp dạy tiếng cho đồng bào. Vậy nhưng, khi các khóa học kết thúc, người Ơđu không ai sử dụng được tiếng của dân tộc mình mà chỉ mượn tiếng Thái và tiếng Kinh để giao tiếp.
Người Ơ đu ở bản Văng Môn
Người Ơ đu ở bản Văng Môn .

 Cụ Lo Hồng Phong, Bí thư chi bộ bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương), cho biết: Để bảo tồn tiếng nói cũng như một số bản sắc văn hóa dân tộc, bà con đã được Nhà nước bỏ kinh phí hỗ trợ việc dạy và học tiếng Ơđu giai đoạn một với thời gian là 5 năm.

Trước khi dạy tiếng, cụ Phong nhóm họp những cụ già trên 70 tuổi trong bản lại để lấy ý kiến. Sau đó cụ soạn một cuốn giáo án viết bằng chữ tiếng Việt nhưng phát âm bằng tiếng Ơ đu.

Để có được cuốn giáo án này, hằng ngày, các cụ trong bản Văng Môn tập trung lại, giao tiếp bằng tiếng Ơđu, cụ nhớ từ này, cụ nhớ từ kia… Cụ Phong ghi âm lại sau đó chép ra thành một cuốn giáo án.

Sau đó, cụ Phong lặn lội sang tỉnh Xiêng Khoảng của Lào để đối chiếu với tiếng nói của đồng bào Ơđu nước bạn xem có khớp nhau không.

Sau khi đối chiếu đúng với tiếng nói của người Ơđu nước bạn Lào, cụ Phong mang giáo án về cùng một số cụ cao niên trong bản vận động bà con dân tộc mình hằng đêm tới nhà văn hoá cộng đồng của bản làng, không kể già, trẻ, gái, trai để dạy và học tiếng.

Bản Văng Môn đã mở được 6 đợt học tiếng Ơ đu, mỗi đợt có 80 người tham gia, kinh phí hỗ trợ hoạt động cho mỗi đợt là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi đợt chỉ mở được 8 buổi. Hơn nữa, ít người Ơđu ham học. Vì thế, khi khoá học kết thúc, cả bản làng không ai sử dụng được tiếng Ơđu để giao tiếp mà phải mượn tiếng Kinh hoặc tiếng Thái.

Ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nói: Ở Việt Nam, dân tộc Ơđu chỉ có khoảng 600 nhân khẩu, tập trung ở bản Văng Môn. Để bảo tồn tiếng nói Ơ đu, Ban Dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ tiền giấy bút, nước uống, tiền cho giảng viên. Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp, người biết tiếng Ơđu còn quá ít, tuổi cao, sức yếu, bà con nơi đây không mặn mà chuyện học.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG