Giãn lộ trình 'siết' vốn vào bất động sản

Giãn lộ trình 'siết' vốn vào bất động sản
TP - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Điểm nhấn quan trọng được các ngân hàng thương mại, đặc biệt giới kinh doanh bất động sản rất trông chờ, đó là văn bản này sẽ không “siết” ngay nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa ban hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200%, và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm.

Một điểm sửa đổi khác nữa là tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%.

Được biết, sau khi lắng nghe kiến nghị từ các Ngân hàng thương mại, thị trường và doanh nghiệp và các hiệp hội tổ chức…Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu, tính toán mức độ tác động và xem xét đưa ra một lộ trình phù hợp với nền kinh tế cũng như đảm bảo sự an toàn của hệ thống.

Sáu tháng qua, câu chuyện Thông tư 36 sửa đổi sẽ “siết” chặt dòng vốn ngắn hạn của ngân hàng vào bất động sản đã khiến giới kinh doanh địa ốc lo lắng và thị trường trầm lắng. Sốt ruột và tích cực “kêu” nhất phải kể đến Hiệp hội BĐS TPHCM với kiến nghị: Thay vì ngay lập tức hạ hạn mức sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro từ 150% lên 250%, NHNN cần có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Được biết, hiện dư nợ cho vay bất động sản của TPHCM hiện chiếm từ 30-40% tổng dư nợ bất động sản cả nước.

MỚI - NÓNG