Giãn, hoãn nợ cho khách hàng sau bão

TP - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang xây dựng cơ chế, chính sách cho việc giãn, hoãn nợ cho những khách vay bị thiệt hại cho riêng cơn bão số 3.

116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại.

Giãn, hoãn nợ cho khách hàng sau bão ảnh 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đi thực tế tại Quảng Ninh và gặp các hộ dân có vay ngân hàng bị ảnh hưởng sau bão số 3. Ảnh: N.H

Một số địa phương có dư nợ thiệt hại lớn gồm Yên Bái (chiếm hơn 18,5% tổng dư nợ của địa phương), theo sau là Hà Nội (khoảng 11%), Hải Phòng (10,7%), Hải Dương (8,6%) Quảng Ninh (7%)...

Phó Thống đốc ghi nhận nhiều ngân hàng đã nhanh chóng áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng như giảm lãi suất cho vay, tăng quy mô gói hỗ trợ... Một số ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ tối đa tiền lãi cho khách hàng. Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách vay sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, nhiều ngân hàng cũng cam kết các gói tín dụng ưu đãi cho vay mới. Theo đó, MB có gói 7.000 tỷ đồng; Ngân hàng Lộc Phát thông tin gói tín dụng 8.000 tỷ đồng với lãi vay 6 - 6,5%/năm…

Về giải pháp, theo ông Tú, NHNN sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ cơ chế về trích lập dự phòng rủi ro. Đây là căn cứ xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho việc giãn, hoãn nợ cho những khách vay bị thiệt hại cho riêng cơn bão số 3. NHNN sẽ có chỉ thị để toàn ngành tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách vay bị thiệt hại, nhất là những khách hàng bị mất trắng tài sản.

“Các chính sách, gói hỗ trợ mà ngân hàng đã công bố, cam kết phải đi vào cuộc sống, vào người dân, doanh nghiệp - những khách vay bị thiệt hại. Vốn cho vay mới phải được triển khai khẩn trương, giúp người dân sớm khôi phục”, ông Tú nói.

Giãn, hoãn nợ cho khách hàng sau bão ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp mất trắng tài sản sau bão số 3. Ảnh: Hoàng Dương

Ông Tú cho biết thêm, công tác triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ và lưu ý thêm các ngân hàng cần linh hoạt khi cho vay. Nếu quy định, điều kiện quá chặt chẽ với những người đã bị mất trắng tài sản, đòi tài sản đảm bảo là rất khó. Nhưng hoạt động cho vay vẫn phải đảm bảo an toàn.

Cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ thêm, hiện hầu hết các ngân hàng đều đã thực hiện ngay các giải pháp miễn, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

Theo ông Hùng, sau bão, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng cho dù có bảo hiểm khoản vay. Công trình khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch, tàu, thuyền, phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản đều bị cuốn trôi hết theo bão, lũ,… trâu, bò cũng chết nhiều. Cùng với đó, tín dụng tiêu dùng càng lao đao. Ông Hùng đề xuất, với sự cố thiên tai lần này, Chính phủ cần ban hành cơ chế cho phép các ngân hàng khoanh nợ đối với những khách hàng bị thiệt hại lớn, cần nhiều thời gian phục hồi thay vì cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ như trước đây.

Với khoản vay mới mà khách hàng mất hết tài sản, có thể xem xét thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc không phải thế chấp. “Nếu chỉ mình ngân hàng tham gia, sẽ rất e ngại, do đó rất cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương”, ông Hùng nói.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng thương mại cần thực hiện các chính sách giãn nợ, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ xấu đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão để giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất mà không phải lo lắng về áp lực trả nợ ngay lập tức.

“Nghị quyết 143 của Chính phủ cũng giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng bộ, ngành và các địa phương. Từ việc tái thiết cơ sở hạ tầng đến bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và các khía cạnh khác của đời sống xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp có thể thực thi, triển khai thực hiện nhiệm vụ khôi phục hoạt động một cách hiệu quả”, ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng, nỗ lực tái thiết, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi sau bão. Với các doanh nghiệp, Chính phủ đã có chỉ đạo NHNN để thông qua hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính cho phục hồi. Tuy nhiên, bản thân lĩnh vực ngân hàng cũng chịu thiệt hại từ rủi ro của khách hàng, cần đảm bảo an toàn hệ thống, nên không dễ để tìm được cơ chế hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp. Theo đó, cơ chế phục hồi tốt nhất là dựa vào bảo hiểm, và các nguồn hỗ trợ từ ngân sách.Việt Linh

Cắt bỏ phiền hà, khẩn trương cho vay mới

Ngày 26/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 04 yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão để triển khai kịp thời, khẩn trương nhất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Theo đó, các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho vay khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định.

Các tổ chức tín dụng cắt bỏ phiền hà, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay; nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc đối với an toàn của tổ chức tín dụng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

MỚI - NÓNG