Phía sau việc bán bảo hiểm nhân thọ

Giám sát bảo hiểm bán qua ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước sự tăng trưởng “nóng” đến từ kênh bán hàng, dẫn đến những hệ lụy, các chuyên gia cho rằng cần loại bỏ những hạn chế đang tồn tại ở thị trường bảo hiểm, trong đó có kiểm tra quá trình đào tạo tư vấn viên bảo hiểm liên kết với ngân hàng.

Kênh bancassurance (bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng) là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều ngân hàng. Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Quân đội có doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 10.185 tỷ đồng, cao hơn gần 1.800 tỷ đồng so với doanh thu năm 2021. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng thu từ kinh doanh bảo hiểm 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam có thu nhập từ lãi, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm hơn 1.750 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 2021. Trong 3 năm gần đây, doanh thu từ bancassurance không ngừng tăng lên. Doanh thu năm 2020 đạt 24.732 tỷ đồng và tăng lên 37.248 tỷ đồng vào năm 2021.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bancassurance còn non trẻ dẫn đến nhiều thiếu sót và hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm cần chặt chẽ hơn nữa trong quy trình bán hàng, giám sát nâng cao chất lượng tư vấn viên qua tất cả các kênh, tăng cường áp dụng các chỉ số đánh giá để đảm bảo uy tín của ngành bảo hiểm.

Giám sát bảo hiểm bán qua ngân hàng ảnh 1

Một số người dân nhiều lần căng băng rôn đòi quyền lợi vì cho rằng, họ bị “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ

“Sự việc xảy ra với bancassurance vừa qua là phép thử cho ngành bảo hiểm và hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn để chinh phục được niềm tin của khách hàng”, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, luôn nhắc nhở doanh nghiệp triển khai biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng bán bảo hiểm qua ngân hàng. Hiệp hội cũng đề nghị doanh nghiệp khi ký hợp đồng hợp tác với ngân hàng phải đưa tiêu chí về tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ 2 (K2) làm tiêu chí đánh giá chất lượng.

“Nếu tỷ lệ khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2 cao, tức là nhiều khách hàng không thực sự có nhu cầu mua bảo hiểm, mà đúng là bị “ép” mua. Chúng tôi đang nghiên cứu đánh giá về tỷ lệ duy trì hợp đồng của kênh bancansurance và đề xuất Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLGSBH-Bộ Tài chính) về việc áp dụng chỉ số K2 trong đánh giá chất lượng bảo hiểm liên kết với ngân hàng”.

Giám sát bảo hiểm bán qua ngân hàng ảnh 2

Ông Ngô Việt Trung

“Suốt nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2020 – 2022, Bộ Tài chính, Cục QLGSBH đã có rất nhiều văn bản điều hành thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm thắt chặt hoạt động bancassurance…”.

Ông Ngô Việt Trung

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần giám sát chặt hoạt động bán bảo hiểm của ngân hàng. Khi liên kết, ngân hàng có lợi nhuận tương đối lớn, trong khi nhân viên ngân hàng không hiểu biết đầy đủ về bảo hiểm nhân thọ. Khi tư vấn, có nhân viên ngân hàng làm mọi cách để bán được nhiều sản phẩm nhất. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh quá trình đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Sẽ siết bán bảo hiểm qua ngân hàng

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục QLGSBH cho biết, cục này nhận được nhiều phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng thương mại “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Theo ông Trung, nguồn thu từ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đóng góp lớn vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy nhiên, vì phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ bán bảo hiểm qua ngân hàng.

“Từ năm 2020 đến 2022, Bộ Tài chính, Cục QLGSBH đã có rất nhiều văn bản điều hành thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm thắt chặt hoạt động bancassurance, đặc biệt là các vấn đề về nâng cao chất lượng tư vấn viên bảo hiểm”, ông Trung nói.

Văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (số 08/2022/QH15) đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, thông qua bổ sung giải pháp quản lý chặt chẽ bancassurance. Các giải pháp gồm: nhóm điều kiện với đại lý tổ chức (trong đó có tổ chức tín dụng); điều kiện với đại lý; quy định về minh bạch hoá tài liệu bán hàng, tránh gây hiểu nhầm giữa sản phẩm ngân hàng và sản phẩm bảo hiểm; quy định hạn chế việc đại lý có thể lợi dụng để gây nhầm lẫn, thiệt hại cho quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

“Cục QLGSBH đã tăng cường thanh, kiểm tra, quản lý giám sát thị trường bảo hiểm. Năm 2022, Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm và đã thực hiện 4 cuộc thanh tra, đang trong quá trình hoàn thiện kết luận. Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, sẽ xử lý nghiêm. Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giám sát với kênh này”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Việc xử lý bao gồm quy định hình thức phạt bằng tiền, hoặc cho ngừng kinh doanh có thời hạn nếu vi phạm nghiêm trọng...

“Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, làm sao để hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Trung chia sẻ.

MỚI - NÓNG