Giẫm đạp, buôn bán ấn giữa đền Trần

Giẫm đạp, buôn bán ấn giữa đền Trần
TP - Rạng sáng 24-2 tức ngày Rằm tháng Giêng, lượng người đổ về đền Trần (Nam Định) tăng đột biến. Cảnh tượng giẫm đạp, chìa tiền mua ấn, rạch túi, trộm đồ tiếp tục diễn ra tại đây.

> Văn hóa giành giật
> Khai ấn đền Trần: Đạp đổ hàng rào bảo vệ, cướp đồ thờ
> Xe biển xanh đi lễ Đền Trần

Phát ấn hay bán ấn?

Theo lịch từ 7 giờ sáng 24-2 đền Trần sẽ phát ấn cho khách thập phương, tuy nhiên vì lượng người đổ về quá đông nên 6 giờ Ban tổ chức bắt đầu phát ấn.

Giá của mỗi lá ấn được quy định là 15.000 đồng – tức với 15.000 đồng bỏ vào hòm công đức, người dân được phát một lá. Theo quy định, mỗi người được phát từ một đến ba bản ấn. Tuy nhiên có nhiều người sẵn sàng đưa tiền triệu để ngã giá với các ông thủ ấn, và rồi có hẳn một sấp ấn trên tay.

Ngay sau khi có được ấn, nhiều người đã bán sang tay cho những người không có thời gian chờ đợi với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/ấn tùy theo độ sốt ruột của khách mua!

Cảnh sát căng mình giữ trật tự khu vực phát ấn tại nhà Giải Vũ đền Thiên Trường
Cảnh sát căng mình giữ trật tự khu vực phát ấn tại nhà Giải Vũ đền Thiên Trường.

Đông đảo xe công

Sáng 24-2, tại gần đền Trần có một chiếc xe 16 chỗ biển số cả phía trước và sau bị bịt vội vàng bằng giấy báo. Phóng viên tới tìm hiểu thì thấy xe có biển số PP 10-39. Theo người dân địa phương trước đó có một đoàn hành lễ chừng 20 người với đầy đủ lễ lạt, hương hoa đã đi vào phía đền Trần.

Chiều 23-2, tại bãi đỗ xe có một dàn xe biển xanh 98A-2179, 98A-00089, 98A-2339. Ngoài ra có các biển xanh khác: 35A 2799, 11B-0351, 18B-0838, 18B-0340. Ban tổ chức cho biết, năm nay không mời đại biểu nào từ địa phương khác.

Các cụ thủ từ năm nay nhạy bén hơn với nhu cầu của khách thập phương khi hướng dẫn khách tỷ mỷ nơi phát ấn, số tiền mỗi lần bỏ vào hòm công đức. Có cụ còn trao đổi oang oang giữa sân đình với du khách: “Muốn mua bao nhiêu ấn cũng có”. Có cụ gọi điện vào trong khu vực phát ấn để điều tiết lượng ấn phát ra, hoặc điều đình việc phát ấn cho người quen.

Một số người chịu khó xếp hàng hoặc chen ngang thành nhiều đợt để buôn ấn. Từ đây dẫn tới cảnh hỗn loạn, giẫm đạp nhau, treo mình vào song cửa để có được ấn.

Lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự phải căng mình để vãn hồi trị an tại các nhà Giải Vũ nơi phát ấn. Những tiếng hò hét của lực lượng chức năng, tiếng í ới của người gọi nhau mua bán ấn, tiếng kêu la của những người bị chen lấn, bị chèn ngang đã khiến cảnh sân đền Thiên Trường trở nên hỗn loạn.

Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng vì có được bản ấn trên tay, anh Nguyễn Thừa Quang (Nghĩa Hưng, Nam Định) tá hỏa vì điện thoại đã bị kẻ gian lấy mất.

Nhiều du khách sững sờ vì các bản ấn đều giống hệt nhau kể cả vết mực nhòe bên lề trái của ấn. Ông Nguyễn Văn Lưu (Hoa Lư, Ninh Bình) kêu than ấn phôtô thế này không biết có còn thiêng hay không (?!)

Càng về trưa, cảnh tượng mua bán ấn càng sôi động.

Giẫm đạp, tranh cướp

Chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lấy ấn đền Trần. Ảnh: Công Khanh
Chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lấy ấn đền Trần. Ảnh: Công Khanh.
 

Trước đó, từ 20 giờ 30 ngày 23-2, đến 1 giờ sáng 24-2, trong khi các quan khách và Ban Tổ chức hành lễ trong đền thì hàng vạn người kiên nhẫn đứng ngồi la liệt chờ vào đền Trần hành lễ trong giá lạnh.

Cả du khách lẫn người dân địa phương đều trở nên mệt mỏi vì chờ đợi và bị xô đẩy, chen lấn. Nhiều người gục trên vai người khác. Một số thanh niên trèo lên quanh đền hóng vào trong.

Các hàng quán xung quanh đền tại đường Trần Thừa bắt đầu chặt chém du khách, khi bán cả chỗ ngồi với giá 20.000 đồng/chỗ.

Các đối tượng buôn bán ấn bị phát hiện. Ảnh: Minh Đức
Các đối tượng buôn bán ấn bị phát hiện. Ảnh: Minh Đức.

Vào lúc 23 giờ 50 phút ngày 23-2, hàng vạn người dân đứng chật kín trước ngũ môn của đền Trần để chờ giờ vào hành lễ đã mất kiên nhẫn khi tiếng la ó, hò hét đòi vào trong đền nổi lên.

Chỉ trong phút chốc phòng tuyến với hàng rào sắt, cảnh sát cơ động, trật tự, dân phòng bị “thủng” khi nhiều thanh niên leo thẳng lên hàng rào chạy vào trong đền.

Cho tới khi quan khách được mở lối ra về với đầy đủ lộc đền trên tay, cổng đền được mở, người dân tràn vào làm lễ. Nhiều người nhanh chân vào tận hậu cung của đền hòng nhặt nhạnh chút lộc rơi vãi. Trong một thoáng, đèn, nến, hoa tươi tại hậu cung không cánh mà bay.

Mọi kiêng kị chốn đền thiêng thờ các vua Trần cũng không còn. Chỉ còn lại những gương mặt vã mồ hôi nhưng không giấu được vẻ hả hê, vui sướng vì đã có được lộc thánh. Trong số đó không chỉ có những người dân mà có cả những người mang thẻ Ban Tổ chức lễ hội.

Tại đền Trần, sáng 24 - 2, khi chúng tôi xếp hàng vào được đến khu vực phát ấn, nhưng vì không cầm theo tiền, để thả vào hòm công đức, nhà đền cũng nhất định không phát ấn, dù chúng tôi đã giải thích rằng, sợ bị kẻ gian móc túi trong khi tác nghiệp nên ví được để ngoài xe. Một số người dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Những người có nhiều tiền sẽ được mua cả chục thậm chí cả trăm tờ ấn. Giá ấn được bán từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tờ. Ấn được làm bằng một loại giấy màu vàng hình chữ nhật và được triện hàng chữ đỏ.

Cũng vào sáng 24 - 2, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã phát hiện một số đối tượng buôn bán ấn hoặc lưu hành ấn giả tại đền Trần.

Trao đổi với phóng viên, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội đền Trần cho biết, năm nay TP Nam Định đã bố trí khoảng 2.100 cán bộ chiến sỹ công an, bộ đội, dân phòng… để đảm bảo an ninh trật tự trong Lễ hội khai ấn. Theo nguồn tin riêng của phóng viên, kể cả công an tỉnh Nam Định, con số người bảo vệ an ninh cho Lễ hội đền Trần lên tới trên 3.000 người.

Bất ngờ vì du khách quá đông ở đền Trần Thanh Hóa

Đêm 23 rạng sáng 24-2, tại làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Trần của xã Hà Dương và chính quyền xã tổ chức lễ khai ấn, phát ấn đền Trần năm 2013. Du khách thập phương về đền xin ấn đông hơn so với dự kiến của Ban Tổ chức, khiến nhiều người phải ra về tay không sau nhiều giờ xin ấn.

Buổi lễ khai ấn, phát ấn xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, đổ tường thềm rồng… Lực lượng công an, dân quân địa phương phối hợp Ban Tổ chức phải rất vất vả mới ổn định được trật tự.

Theo đánh giá của nhiều người, lễ khai ấn, phát ấn đền Trần xã Hà Dương năm nay có nhiều nét mới, tạo ấn tượng tốt cho du khách như: bãi đỗ xe rộng rãi giá trông xe hợp lý; không có tình trạng chặt chém du khách mua hàng, ăn xin, cờ bạc trá hình, bói toán...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.