Giảm chỉ tiêu, tuyển người giỏi vào sư phạm

Giảm chỉ tiêu, tuyển người giỏi vào sư phạm
TP - Năm 2018, chỉ tiêu khối ngành sư phạm giảm khoảng gần 40% so với chỉ tiêu năm 2017. Đó là thông tin được Vụ giáo dục Đại học chia sẻ với Tiền Phong hôm qua, 13/4. Bên cạnh việc giảm chỉ tiêu, các địa phương cũng đã bắt đầu có chính sách với trường đào tạo nhân lực sư phạm cho địa phương để chọn được người giỏi vào ngành.

Thi đầu vào 24 điểm trở lên mới được tuyển dụng vào giảng dạy

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, trường ĐH Hồng Đức về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH ngành sư phạm tại trường ĐH Hồng Đức. Văn bản này cho biết trường ĐH Hồng Đức được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 4 ngành chất lượng cao gồm ĐH sư phạm Toán, ĐH sư phạm Vật lý, ĐH Sư phạm Ngữ văn và ĐH Sư phạm Lịch sử với chỉ tiêu đào tạo hàng năm của mỗi ngành là 20 sinh viên.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT Thanh Hóa và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đề án, kịp thời bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Điều kiện để tuyển dụng là ứng viên tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên theo chương trình đào tạo chất lượng cao từ đề án nêu trên; Có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài; Có điểm thi đầu vào ĐH từ 24 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn xét tuyển (không tính điểm nhân hệ số (nếu có) của từng môn thi), trong đó, không có môn nào dưới 5,0 điểm và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8 điểm trở lên hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào ĐH theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Chỉ tiêu tuyển dụng là 20 chỉ tiêu/ngành/năm, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2030.

Như vậy, theo thông báo này, thí sinh vào học 4 ngành sư phạm chất lượng cao của ĐH Hồng Đức từ năm học 2018 – 2019 và ra trường năm 2022 phải có điểm đầu vào từ 24 điểm trở lên của 3 môn tổ hợp xét tuyển, không có môn nào dưới 5,0 điểm và điểm môn chính (môn chuyên ngành) sẽ phải đạt từ 8 điểm trở lên kèm theo tốt nghiệp ĐH loại khá thì mới được tuyển dụng vào dạy THPT.  Đây được coi là bước yêu cầu siết chặt chất lượng đối với 4 ngành sư phạm nêu trên của Thanh Hóa. Đồng thời, chỉ tiêu tuyển dụng vào 4 ngành này cũng rất thấp, chỉ 20 chỉ tiêu/năm/ngành. Không những thế, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra con số tuyển dụng theo nhu cầu sử dụng trong quãng thời gian từ 2022 đến 2030 để dư luận và nhà trường nắm được. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, việc Thanh Hóa đưa ra chỉ tiêu, yêu cầu tuyển dụng như trên sẽ định hướng cho trường ĐH Hồng Đức đào tạo, thí sinh lựa chọn học ngành sư phạm theo đúng nhu cầu thực tế.

Giảm gần 40% chỉ tiêu sư phạm

Đối với tuyển sinh khối ngành sư phạm nói chung năm 2018, ông Trần Anh Tuấn cho biết, chỉ tiêu giảm khoảng gần 40% so với 2017. Năm 2017, chỉ tiêu là 54.000. Các trường tuyển được khoảng 80% so với chỉ tiêu. Năm 2018, chỉ tiêu sư phạm chiếm khoảng 80% so với tổng số thí sinh thực tuyển năm 2017, tức là khoảng 35.000 chỉ tiêu.

Đối với chỉ tiêu của từng trường cụ thể, căn cứ để xác định chỉ tiêu dựa vào các yếu tố: nhu cầu giáo viên của địa phương, vùng miền; năng lực đào tạo do trường kê khai theo hướng dẫn tại Thông tư 06 ban hành tháng 2/2018 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trong những năm gần đây, giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm đã được thực hiện theo lộ trình. Cùng với việc giảm chỉ tiêu đào tạo, Bộ GD&ĐT chủ trương đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng đối với các trường sư phạm nhằm nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng.

MỚI - NÓNG