Thị trường mỹ thuật Việt: Tranh danh họa vẫn ảm đạm

TP - Phiên đấu giá thứ 9 của Nhà đấu giá Chọn’s khép lại một năm bước vào thị trường mỹ thuật Việt Nam, dù được đánh giá mở ra cơ hội minh bạch hóa thông tin tuy nhiên nhiều họa sỹ vẫn đầy suy tư xung quanh nạn tranh giả.

Phiên đấu giá thứ 9 của Nhà đấu giá Chọn’s diễn ra tối 23/12, trong đó 27/48 tác phẩm đấu giá không thành công. Trong số các tác phẩm đưa ra đấu giá dịp này, tranh của Bùi Xuân Phái chỉ duy nhất bức Hà Nội trong mắt Phái bán được 2 nghìn USD so với mức khởi điểm 800 USD. Sáu bức còn lại của ông đều ở trạng thái “pass”-không có người trả giá. Tương tự, tranh của Nguyễn Tư Nghiêm cũng có tới bốn bức không có người trả giá. Bức Nét quý phái đấu giá thành công mức 2.600 USD từ mức khởi điểm 1.000 USD. Bức Nguyệt ước có mức khởi điểm 83 nghìn USD cũng được bán đúng giá khởi điểm.

Thị trường mỹ thuật Việt: Tranh danh họa vẫn ảm đạm ảnh 1 “Nguyệt ước” của Nguyễn Tư Nghiêm vừa được đấu giá 83 nghìn USD. 

Tranh có mức luỹ tiến cao nhất thuộc về Maria của Nguyễn Huyến với mức tăng 660%, chốt giá ở 3.800 USD. Kế đến Lối về Bắc bộ của Nguyễn Trọng Kiệm với mức luỹ tiến tới 600%, được trả giá cuối 14 nghìn USD. Trong khi đó tranh cổ động của Minh Phương cũng trong tình trạng ế ẩm cả sáu bức đưa ra phiên lần này. Một số bức của Quách Đông Phương, Hoàng Hồng Cẩm, Lưu Công Nhân có mức luỹ tiến thấp.

Giải đáp điều này, ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc đấu giá của Nhà đấu giá Chọn’s cho rằng, do thị trường gần dịp giáng sinh và chuẩn bị khép lại năm cũ. “Việc giao dịch không thành công liên quan đến giá, sở thích, thẩm mỹ”, ông Hùng  nói. Ông cho rằng quá nửa lô đấu giá “ế” không có gì bất ngờ, vì thuận theo thị trường. Ông Hùng cho rằng việc trước đó tranh Bùi Xuân Phái đấu giá thành công bán tới 30 nghìn USD nhưng không có nghĩa phiên sau phải thắng.

Băn khoăn tranh giả

Họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ nhìn về thị trường mỹ thuật Việt Nam đang trong thời “bệnh dịch”. “Khi thị trường khó khăn dường như con người ta muốn làm giả mọi cái, ở bất cứ lĩnh vực nào. Thú thực tôi cũng không tin các bộ sưu tập nổi tiếng cho lắm”, anh nói. Tranh giả, tranh nhái thực ra không khó phân biệt với những người trong nghề, nhưng lâu nay nó vẫn tồn tại, trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người. Hoàng Phượng Vỹ nói hiện tượng này “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

Nhìn lại một năm Nhà đấu giá Chọn’s, người trong cuộc tự hào bước đầu tạo ra thói quen cho người Việt, đáp ứng nhu cầu mua tranh thật sự của người dân. Tuy nhiên ngay từ đầu nhà đấu giá nói rằng họ không khẳng định tranh đưa lên đấu giá là thật, chỉ chịu trách nhiệm về thông tin công bố tại sàn.

“Có bốn hình thức lừa dối: Tranh giả, xuất xứ của người đưa tranh giả, giá giả vờ-khởi điểm không quan trọng, bước giá không quan trọng tuy nhiên giá sau khi bán không thật - và cuối cùng là người thắng đấu giá và người trả giá cũng không thật. Bốn trường hợp này nhà Chọn phạm phải không ở lần đấu giá này thì lần đấu giá khác”, hoạ sỹ Lê Thiết Cương nói. Bức “Nguyệt ước” của Nguyễn Tư Nghiêm vừa đấu giá là thật, nhưng anh cũng băn khoăn liệu người đấu giá thắng có chính xác không?!

Khi được hỏi cách bảo vệ đứa con tinh thần khỏi thời thật giả lẫn lộn, Hoàng Phượng Vỹ nói anh lâu nay vẫn lặng lẽ vẽ và chỉ đặt niềm tin vào một vài gallery lớn, uy tín “ở đó không thấy bóng dáng tranh giả, tranh nhái nên mang lại niềm tin cho họa sĩ. Đó cũng là nơi nhiều họa sỹ tài năng gửi gắm tác phẩm”.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.