Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6:

Giải trí hè: No dồn đói góp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chương trình nghệ thuật, giải trí cho thiếu nhi lâu nay vẫn trong tình thế “no dồn đói góp”. Dồn dập chương trình vào dịp lễ, tết như Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, nhưng lại chưa phủ được nhu cầu đời sống tinh thần của khán giả nhí trong cả năm, nhất là trong dịp hè.

Sân khấu dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 sôi động nhất trong năm. Các nhà hát liên tục tung ra những vở diễn dành riêng cho khán giả nhỏ tuổi. Nhà hát Kịch Hà Nội giới thiệu vở diễn Hai viên ngọc thần (Sự tích dã tràng) xoay quanh những trải nghiệm, khám phá thú vị dưới thủy cung do Long Vương trị vì. Vở diễn có sự tham gia của NSƯT Quang Thắng, diễn viên Thanh Hương, Ngọc Quỳnh...

Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến chương trình Biệt đội siêu anh hùng với thông điệp về tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm. Biệt đội siêu anh hùng diễn ra vào tối 1/6, tại Nhà hát Star Galaxy. Dịp này, Nhà hát Tuổi trẻ trình làng hai vở diễn Giấc mơ của Bờm và Chú mèo dạy hải âu bay.

Giải trí hè: No dồn đói góp ảnh 1

Các nhà hát liên tục sáng đèn với những tác phẩm phục vụ khán giả nhí dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Từ ngày 28/5, Liên đoàn Xiếc Việt Nam mở màn chuỗi sự kiện phục vụ khán giả nhí trong dịp lễ 1/6. Nhân dịp Tết thiếu nhi, Liên đoàn xiếc Việt Nam ra mắt vở Tấm Cám - Bống bống bang bang với thời lượng 70 phút.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, đây là một trong những chương trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng. Điều đặc biệt của vở diễn này là màn miêu tả tính cách bằng một đoạn rap của nhân vật Bống. Rạp Xiếc là một trong những điểm hẹn xôm tụ nhất dịp hè cho trẻ.

Ngược lại với không khí sôi động ở các sân khấu hay chương trình nghệ thuật ngoài trời, rạp phim và màn ảnh nhỏ dịp này thiếu vắng tác phẩm hay. Nhiều bộ phim hoạt hình như Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời; Người nhện: Du hành vũ trụ nhện... được công chiếu. Tuy nhiên, khán giả mỏi mắt tìm phim Việt chiếu rạp cho khán giả nhỏ tuổi.

Nhà đầu tư không hào hứng

TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) chỉ ra hai căn nguyên. Trước hết do nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho phim thiếu nhi chiếu rạp chưa tương xứng. Một nguyên nhân cốt lõi khác là do nhà làm phim tư nhân luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, cho nên họ không dễ dàng mở hầu bao đầu tư vào những sản phẩm chưa chắc chắn hốt bạc.

“Một vài năm gần đây, chỉ có vài tên tuổi đầu tư chỉn chu làm phim cho thiếu nhi như nhà sản xuất, đạo diễn Ngô Thanh Vân. Tuy nhiên, hiệu ứng không tốt và thời gian trụ rạp quá ngắn. Hiệu quả doanh thu, lợi nhuận không cao khiến các nhà đầu tư không hào hứng”, TS. Nguyễn Tuấn Anh phân tích.

Nhà thơ, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng, để đầu tư một phim điện ảnh “ra tấm, ra món” khá tốn kém. “Các nhà sản xuất ưu tiên sản xuất các tác phẩm người lớn vốn dễ dàng đảm bảo doanh thu hơn. Khán giả có quá nhiều lựa chọn phim nước ngoài ở rạp. Những bộ phim này không chỉ đáp ứng thị hiếu của thiếu nhi mà còn phù hợp với cả người lớn”, anh Phong Việt nhận định.

“Chúng ta không thiếu tác phẩm giáo dục nhân cách, thẩm mỹ cho các em nhưng lại thiếu những tác phẩm mang hồn cốt Việt Nam để giáo dục về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Điều đó không chỉ cần sự thay đổi từ những người nghệ sĩ nói riêng mà cần một cơ chế, kế hoạch, định hướng cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước”.Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt

Phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần) là phim điện ảnh Việt duy nhất dành cho thiếu nhi ra rạp trong năm 2022. Đây là phim có sự đầu tư của nhà nước, tuy nhiên doanh thu rất thấp (hơn 6,4 tỷ đồng). “Với thị trường điện ảnh non trẻ và đang phát triển như Việt Nam không thể đòi hỏi những tác phẩm dành riêng cho thiếu nhi. Nhiều nước trên thế giới cũng không đầu tư phát triển dòng phim điện ảnh cho thiếu nhi”, anh Việt cho biết.

Cục Điện ảnh mới đây phát động thi kịch bản phim tài liệu, phim hoạt hình cho thiếu nhi. Thực tế sự đầu tư vào kịch bản phim cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Không chỉ phim chiếu rạp, phim hoạt hình và phim cho thiếu nhi thiếu vắng ở nhiều khung giờ và các kênh sóng truyền hình. “Mặc dù Việt Nam có nền tảng truyền thuyết, câu chuyện dân gian phong phú, là chất liệu làm phim có tính giáo dục cao, thế nhưng kỹ xảo, chất lượng làm phim chưa theo kịp đòi hỏi và nhu cầu thẩm mỹ của trẻ”, TS. Tuấn Anh nói.

Không thể trông chờ hoàn toàn vào nguồn đầu tư của nhà nước, TS. Tuấn Anh đề xuất nên tăng cường hợp tác công tư, tạo chính sách cởi mở về thuế, thủ tục, ưu đãi cho các nhà làm phim tư nhân. “Khi có hợp tác công tư, phim ảnh không buộc phải ra rạp xuân thu nhị kỳ như hiện nay, hoàn toàn có thể được đưa vào trường học như hoạt động ngoại khóa. Như vậy trẻ có cơ hội tiếp cận cao hơn”, nhà nghiên cứu Tuấn Anh nói thêm.

MỚI - NÓNG