Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017: “Mất mùa” buồn hay vui?

“Con chim joong bay từ A đến Z” của Đỗ Tiến Thụy, gây nhiều tranh luận.
“Con chim joong bay từ A đến Z” của Đỗ Tiến Thụy, gây nhiều tranh luận.
TP - Khó ai đoán trúng kết quả giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017. Hai lĩnh vực được mong đợi và “soi” nhiều nhất: Văn xuôi và thi ca, đều “trắng tay”. Người trong giới chia nhiều dòng cảm xúc: Kẻ thấy buồn, người thấy cũng nên thỉnh thoảng “đói kém”, “mất mùa” để còn có cơ hội nhìn lại bản thân.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ với báo chí lí do “mất mùa”: “Một số cuốn có chất lượng tốt nhưng là sách tái bản nên không đưa vào xét duyệt, một số tác phẩm khác trùng với mô típ của nhà văn nước ngoài. Số còn lại không giành đủ số phiếu vì chưa thuyết phục được hội đồng chuyên môn”.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017: “Mất mùa” buồn hay vui? ảnh 1 “Con chim joong bay từ A đến Z” của Đỗ Tiến Thụy, gây nhiều tranh luận.

“Trắng tay” còn hơn trao bừa?

Chúng tôi trao đổi với nhà thơ Lương Ngọc An xung quanh giải thơ năm nay: “Thà không có giải thưởng còn hơn là giải thưởng trao cho tập thơ dở. Rất nhiều năm  trao cho những tập thơ không xứng đáng rồi. Không có giải thưởng để cho những người làm thơ có những băn khoăn nhưng như vậy còn hơn một số giải năm trước. Một số tập thơ được trao trước đây, hoàn toàn không trao vì chất lượng mà trao vì những mục đích khác, như hữu nghị chẳng hạn”.

Trong số những tập thơ dự giải năm nay, người ta nói nhiều đến tập thơ mang tên “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền, được một số “đàn anh” cho rằng có vẻ chất lượng nhỉnh hơn so với mặt bằng chung. Nhưng theo nhà thơ Lương Ngọc An: “Tập thơ này cũng có tính chất trội hơn trong năm nay thôi, chứ còn để tôn vinh giải thưởng của văn chương có lẽ còn nhiều băn khoăn, cá nhân tôi thấy băn khoăn là đúng”.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017: “Mất mùa” buồn hay vui? ảnh 2 Nhà văn Lê Minh Khuê: Không làm “cứng nhắc” người ta lại kiện.

Nhà thơ Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ,  từ chối mọi câu hỏi liên quan đến giải thưởng thơ năm nay, lí do: “Hội đồng thơ làm việc tập thể, các anh ấy bỏ phiếu kín. Cá nhân tôi không thể trả lời được câu hỏi mà bạn nêu. Bạn nên hỏi Chủ tịch Hội đồng, nhà thơ Trần Ninh Hồ”. May mắn, Chủ tịch Hội đồng Thơ đã cởi mở tiếp chuyện.

Trước tất cả những câu hỏi của phóng viên, nhà thơ Trần Ninh Hồ tóm lại bằng một câu: “Lấy chuẩn là giá trị của thơ đã chứ, rồi mới tranh luận được”. Vấn đề nổi lên ở giải thưởng thơ 2017 chính là: Sự chênh vênh giữa cách tân và truyền thống. “Những người cũ quá cũng không được, những người cách tân cực đoan cũng không được”, anh nói. Nhà thơ bật mí chuyện hậu trường chấm giải: “Bắt chước rất tài chứ không đơn giản đâu. Cậu thì giống Tagor, cậu thì giống Brecht, cậu thì giống nọ, giống kia… Còn “các anh” truyền thống thì cũ quá. Tức là, nhân danh cách tân thì khập khiễng, nhân danh truyền thống thì cố chấp, bảo thủ”. Chủ tịch Hội đồng thơ cho rằng, giữa người dự giải - bạn đọc - giám khảo của cuộc thi vẫn chưa có điểm gặp gỡ với nhau. Theo anh, cũng có những tập thơ đáng tiếc, thí dụ tập “Di chữ”, của tác giả Thúy Hạnh, một giảng viên Hán Văn của ĐH Sư phạm: “Tôi đã có tham luận với ban giám khảo nhưng không có điểm gặp”.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017: “Mất mùa” buồn hay vui? ảnh 3 Nhà văn Trần Nhã Thụy: Phải chăng có quá nhiều chuyện ngoài văn chương đè nặng lên văn chương?

Có bao giờ giải thưởng Hội Nhà văn “trắng” giải thơ chưa? Phóng viên hỏi nhà thơ Trần Ninh Hồ. Anh đáp: “Có khi 3 năm liền không có giải thơ, do Ban giám khảo cố chấp. Nhưng có những năm chủ trương cách tân quá đáng thơ lại có đến 3 giải. Mỗi tội, đến bây giờ chẳng ai nhớ những tập thơ đoạt giải ấy, mà từ lúc vinh danh đến nay chỉ vài năm chứ mấy”. Cho nên, thơ năm nay “mất mùa” khéo là tín hiệu vui?!

Thiệt thòi cho tác giả?

Được tranh luận nhiều nhất trong giải thưởng Hội Nhà văn 2017 chính là giải văn xuôi. Cuốn sách được đem ra nói nhiều nhất chính là cuốn “Con chim joong bay từ A đến Z” của nhà văn Đỗ Tiến Thụy. Trước đó, cuốn sách này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ đồng nghiệp. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng đánh giá: “Dù đã in ngót chục cuốn sách nhưng đến “Con chim joong bay từ A đến Z” này, tên tuổi Đỗ Tiến Thụy mới găm chặt vào tâm trí người đọc”. Đây cũng chính là cuốn sách được đánh giá là “cột cờ” trong “bó đũa” dự giải năm nay. Thế nhưng, “Con chim joong bay từ A đến Z” không được vinh danh. Nguyên nhân đã được Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trả lời, ngay ý đầu tiên: “Một số cuốn có chất lượng tốt nhưng là sách tái bản nên không được đưa vào duyệt”.

Liên lạc với nhà văn Đỗ Tiến Thụy, anh nói: “Bản thân mình không có ý kiến gì vì không đọc hết những cuốn dự giải lần này. Vấn đề thứ hai là mỗi ban giám khảo có tiêu chí, qui chế của họ. Họ cứ thế làm theo thôi”. Anh nói thêm: “Cuốn này cũng do NXB gửi dự giải, tôi cũng không gửi. Quan điểm của tôi là một cuốn sách ra đời được độc giả đón đọc là một phần thưởng lớn nhất. Tuy nhiên tôi cũng không phủ nhận được một cái giải nữa thì quá tốt. Nếu như ý chí của ban giám khảo, của hội đồng nào đó gặp được với tiêu chí của độc giả thì là điều tuyệt vời. Tôi không hi vọng gì được giải và tôi cũng không thất vọng khi không được giải”.

Khi phóng viên đề nghị Đỗ Tiến Thụy chia sẻ rõ hơn về lí do cuốn sách bị lỗi “việt vị” trong lần tham dự giải này, nhà văn cho biết: “Con chim joong bay từ A đến Z” được hoàn thiện từ một cái phôi khi tôi tham dự cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh. Sau đó “phôi” được nghiệm thu, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ở cuộc vận động sáng tác đó. Tuy nhiên, với tư cách là một tác phẩm hoàn chỉnh, thì chưa đáp ứng yêu cầu của độc giả. Sau một năm tôi đã trình làng tác phẩm “Con chim joong bay từ A đến Z” như một bản hoàn thiện”. Đỗ Tiến Thụy giải thích thêm: “Phôi” ban đầu đã được in nghiệm thu. Bản đó lấy giấy phép từ NXB Lao Động, không bán, không phát hành ra ngoài.

Trao đổi với người cầm trịch giải thưởng văn xuôi 2017 của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Minh Khuê cũng rất tiếc khi “đứa con” của Đỗ Tiến Thụy không được vinh danh: “Cuốn của Đỗ Tiến Thụy đưa vào từ đầu, sau đó mới phát hiện ra đây là bản thứ 2 của anh ấy. Rồi phát hiện thêm bản đầu đã in năm 2016, bản 2 in  năm 2017. Thế mới khổ, mới tội nghiệp. Nếu in cùng năm 2017, thì lấy một cuốn trao giải thưởng không sao cả. Đằng này lại hai năm như thế. Cuốn “Con chim joong bay từ A đến Z” khá nhất trong dàn tiểu thuyết hôm nay. Ai cũng tiếc cho Thụy. Nhưng nguyên tắc của bên Hội Nhà văn rất là chặt chẽ. Họ làm cẩn trọng lắm”. Nhà văn Lê Minh Khuê lấy ví dụ khác là cuốn sách của tác giả Đinh Phương, cũng phạm qui chế, vì lỡ ra đời sớm hơn 2 tháng so với thể lệ tham dự cuộc thi.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017: “Mất mùa” buồn hay vui? ảnh 4 Nhà thơ Trần Ninh Hồ: “Anh” truyền thống và “anh” cách tân đều “có vấn đề”.

Một người trong giới bình luận: “Có phạm qui hay không cần sự linh hoạt của Hội đồng giám khảo, cách làm này làm hơi máy móc khiến tác giả ít nhiều chịu thiệt thòi”. Lê Minh Khuê lên tiếng: “Khung qui định thế rồi, làm thế nào được. Trước đây có ông Bùi Bình Thi có cuốn đưa vào khung giải thưởng rồi, ông in chậm 2 ngày so với qui định của Hội Nhà văn. Thế nhưng cũng không được, ông cứ ấm ức mãi”. Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng: “Có thể cách làm này cứng nhắc nhưng không cứng nhắc không được, đưa vào giải thưởng người ta lại thắc mắc, lại kiện”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy, đại diện cho tiếng nói văn xuôi phía Nam, người cũng có tên trong Ban giám khảo của giải thưởng văn xuôi năm nay có ý kiến: “Giải thưởng hằng năm, tức là giải thưởng thường niên thì so bó đũa chọn cột cờ. Giải thưởng là của năm đó. Nó chưa chắc hay bằng các năm khác nhưng nó là hay của năm nay. Về thơ tôi không biết nhưng về văn xuôi theo tôi có những cuốn khá. Như cuốn của Đỗ Tiến Thụy. Nhưng rồi nghe nói phạm qui. Cuốn của Tô Hải Vân, Đỗ Phấn, Nguyễn Kim Hòa…”.

Theo như Trần Nhã Thụy thì cuốn của Đỗ Tiến Thụy khép vào phạm qui hơi nặng, “vì cuốn này nghiệm thu bản thô. Sau này Đỗ Tiến Thụy viết thêm rất nhiều”. Tuy nhiên, Trần Nhã Thụy cũng không muốn nói nhiều về trường hợp đặc biệt này: “Tôi ở trong đây (ở Sài Gòn- PV) không nắm hết được”. Nhưng anh không che giấu cảm xúc của mình: “Rất buồn. Không phải với tư cách ủy viên Hội đồng văn xuôi, mà với tư cách người đọc, thấy có những tác phẩm khá, mà bị loại ra khỏi giải thưởng. Phải chăng, có quá nhiều những chuyện ngoài văn chương đè nặng lên văn chương? Tôi nghĩ, đến lúc rồi người ta sẽ chẳng còn mong chờ gì ở các giải thưởng văn chương nữa. Người đọc thất vọng. Người viết cảm thấy xa lạ và cả nỗi sợ hãi”.

MỚI - NÓNG