NSƯT Bùi Quang Thái sinh năm 1937, thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ hai của Nhà hát kịch Việt Nam cùng với nhiều tên tuổi như Đào Mộng Long, Song Kim, Trúc Quỳnh, Mạnh Linh.
Quang Thái người gốc Hải Phòng sở hữu dáng người cao đẹp, khuôn mặt pha chút châu Âu nên được xúi tham gia phim ảnh. Chính vì vậy Quang Thái xin vào Xưởng phim truyện Việt Nam.
Năm 1959, nghệ sĩ Quang Thái được đạo diễn Phạm Văn Khoa (lúc đó là Giám đốc Xưởng phim truyện Việt Nam) mời tham gia đóng vai chính trong bộ phim truyện nhựa đầu tiên mang tên “Chung một dòng sông” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Hồng Nghi). Nhưng khi quay thử cảnh đầu tiên, đạo diễn chợt nhận ra rằng khuôn mặt Quang Thái quá Tây, không hợp với chất sông nước của nhân vật chính là Vận. Thế là từ vai chính, ông chỉ được làm vai thứ và kiêm luôn vai trò quản lý cho đoàn làm phim.
Sau bộ phim đầu tiên này, biết mình không “có duyên” với điện ảnh, ông đầu quân về Nhà hát kịch nói Trung ương (khi đó, sân khấu đang thời kỳ hoàng kim). Tại đây, với thành công của vai diễn đầu tiên là vai Sec-gây trong vở “Câu chuyện Iec scut” tên tuổi Quang Thái được nhắc đến như một ngôi sao sáng của sân khấu kịch Việt Nam.
Và cũng từ vở kịch này, người ta còn truyền nhau một giai thoại đẹp về nghệ sĩ Quang Thái. Theo đó, khi vở kịch “Câu chuyện Iec scut” ra đời nó hay tới mức không đủ vé để đáp ứng cho khán giả. Do đó, ngày nào khán giả mua vé xem kịch cũng phải xếp hàng dài từ Nhà hát Lớn ra tận hiệu sách Tràng Tiền và mỗi người chỉ được mua 2 vé.
“Suốt 10 đêm liền, Nhà hát Lớn Hà Nội liên tục sáng đèn. Người ta xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua vé. Đến nỗi, mẹ tôi ở Hải Phòng lên bảo kiếm mấy vé để đi xem nhưng vì tiêu chuẩn vé mời của tôi đã hết nên vừa diễn xong, tôi cũng phải chạy ngay ra cửa xếp hàng như những người khác để mua vé. Không kịp tẩy trang, tôi cứ thế vận nguyên bộ đồ sân khấu mà chờ từ 5 giờ chiều đến sát giờ diễn mới mua được vé”, nghệ sĩ Quang Thái từng chia sẻ.
Từ vai Sec-gây trong vở “Câu chuyện Iec scut”, nghệ sĩ Quang Thái tiếp tục bật lên thành một diễn viên có hạng với hàng loạt vai diễn xuất sắc khác như: Ranf trong “Hòn đảo thần Vệ Nữ”, Phêđo trong vở Tập “Nhật ký bỏ quên”, đại tướng PơtiPông trong vở “Ả Cave nhà hàng Mac xim”, Tixafe trong “Vụ án người đốt đền”,…
Bên cạnh đó ông còn thành công rất nhiều vai trong các vở kịch Việt Nam như vai bác sĩ Hải trong vở “ Đôi mắt”, vai Cha San trong vở “Bão biển”, vai Vịnh trong vở “Đêm mưa”… và đặc biệt là vai lão nông Việt Nam một phần trăm trong vở “Tay súng dân quân”,..và cuối cùng là vai diễn trong “Vụ án người đốt đền”.
Năm 1980, nghệ sĩ Quang Thái lại có cơ hội thử sức ở điện ảnh, vai diễn thứ hai của ông là anh kỹ sư Dương Tấn trong phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu” (Đạo diễn Long Vân). Và đến năm 1984, ông có vai diễn để đời khi hóa thân thành “trùm” tình báo Tư Chung trong “Biệt động Sài Gòn”, cũng của đạo diễn Long Vân.
Năm 1999, nghệ sĩ Quang Thái về hưu, sau đó ít lâu, ông được mời tham gia phim “Giấc mộng đêm hè”, một bộ phim được quay tại Mỹ và đây cũng là vai diễn cuối cùng của ông với điện ảnh.