Giải quyết tranh chấp trên mặt trận chính trị, ngoại giao

Giải quyết tranh chấp trên mặt trận chính trị, ngoại giao
TPO - Theo GS TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, giải quyết tranh chấp trên biển phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật, trước hết bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao và khi các biện pháp này không mang lại hiệu quả thì việc sử dụng biện pháp tư pháp, nhất là biện pháp tài phán là một lựa chọn cần thiết, văn minh.

Sáng nay, trường Đại học Luật TPHCM và Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”.

Hội thảo diễn ra trong một ngày với ba phiên thảo luận, thu hút sự tham dự của hơn 200 diễn giả nổi tiếng, có uy tín trong lĩnh vực chính trị, luật quốc tế và luật biển quốc tế đến từ Nga, Nhật Bản, Philippines, Australia, Bỉ và Việt Nam.     

Tại Hội thảo, GS TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, giữ vững ổn định, an ninh trong khu vực và trên thế giới, xây dựng một thế giới hòa bình là ước nguyện của mỗi người dân trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, quan điểm và yêu sách chủ quyền của các bên còn khác nhau tại Biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, cho thấy trong khu vực chưa có sự đồng thuận và yên bình.

“Việc giải quyết tranh chấp trên biển có ý nghĩa không chỉ với các quốc gia liên quan mà với tất cả quốc gia trên thế giới. Việc giải quyết tranh chấp phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật, trước hết bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao. Khi các biện pháp chính trị ngoại giao không mang lại hiệu quả cần thiết thì việc sử dụng biện pháp tư pháp, nhất là biện pháp tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, là một lựa chọn cần thiết, văn minh”, GS TS Mai Hồng Quỳ nhấn mạnh.

Tham luận "Vai trò của trọng tài trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông", Giáo sư (GS) Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) cũng chỉ ra rằng dù phán quyết của Tòa trọng tài đã bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc, mọi thứ vẫn còn quá sớm để đánh giá xác đáng vai trò của phán quyết đối với các nước liên quan. 

Theo GS. Thayer, yếu tố pháp lý sẽ là nền tảng để để đối phó với việc “Trung Quốc đứng trên pháp luật và phá hoại UNCLOS” và “phá vỡ các quy tắc nền tảng của trật tự khu vực” trong các cuộc đấu tranh dai dẳng trong tương lai. Thời gian tới, các nước cần tạo ra các cuộc tranh luận trên cả ba mặt trận gồm ngoại giao, chính trị và chiến lược quân sự.

Theo đó, mặt trận ngoại giao sẽ là phương tiện quan trọng để mở cho Trung Quốc con đường “giữ thể diện” và “hạ bớt giọng cao ngạo” của mình. Các phán quyết sẽ là nền tảng để ASEAN và Trung Quốc nhất trí thực hiện Tuyên bố chung về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) một cách toàn diện hơn. Kênh ngoại giao có thể giúp ASEAN quan sát dễ dàng hơn các hệ quả pháp lý từ phán quyết của Tòa trọng tài, tránh làm gia tăng căng thẳng trên biển.

GS Thayer cho rằng các nước liên quan cần nhanh chóng tiến hành thống kê và công bố cho cộng đồng quốc tế các vụ việc bị tàu cá và tàu tuần tra của Trung Quốc tấn công. Các nước trong ASEAN nên liên kết xây dựng một chương trình chung, thông qua đó báo cáo các hoạt động hung hăng và vi phạm của tàu cá và tàu tuần tra của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc đưa ra cho Trung Quốc một cánh cửa hợp tác, cũng như để nhắc nhở Trung Quốc những cái giá phải trả nếu quốc gia này tiếp tục có những hành động hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế, GS. Thayer cũng khuyến cáo các quốc gia cần chú trọng đến những cơ chế an ninh khu vực mang tính đa phương.

"Các vấn đề về an ninh hàng hải cần phải được tiếp tục đề cập thường xuyên trong các chương trình nghị sự quốc tế và khu vực”. GS. Thayer nhấn mạnh.

Phán quyết ngày 12-7 vừa qua của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 về vụ kiện Philippines-Trung Quốc liên quan đến những khía cạnh thực thi và giải thích UNCLOS 1982 trên Biển Đông. Theo quy định của UNCLOS 1982, các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 có thể được giải quyết bằng biện pháp thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế (Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII và Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VIII của UNCLOS 1982).

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.