Giải quyết khiếu nại: Không đối thoại lấy lệ để bác đơn

Người dân bị giải tỏa tại khu 4,3 ha thuộc dự án khu đô thị Thủ Thiêm bị UBND TPHCM, tòa án bác đơn nhưng Thanh tra Chính phủ kết luận khiếu nại của người dân là đúng
Người dân bị giải tỏa tại khu 4,3 ha thuộc dự án khu đô thị Thủ Thiêm bị UBND TPHCM, tòa án bác đơn nhưng Thanh tra Chính phủ kết luận khiếu nại của người dân là đúng
TP - Chủ tịch HÐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói như vậy tại phiên họp giải trình về tình hình giải quyết khiếu nại trên địa bàn TPHCM do HÐND TP tổ chức ngày 5/10.

Vô phúc đáo tụng đình

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết chặng đường tìm chân lý của người dân khiếu kiện còn rất gian nan. Đầu tiên là việc tiếp công dân. Nhiều nơi niêm yết công khai lịch tiếp công dân có chủ tịch, phó chủ tịch trên lịch tiếp dân nhưng người dân đến nơi thì gặp…người khác. Trong khi đó, để được “lên lịch”, người dân chờ đợi rất lâu.

Giải quyết khiếu nại: Không đối thoại lấy lệ để bác đơn ảnh 1 Người dân đằng đẵng khiếu nại đất đai dự án Thủ Thiêm trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ

Nhiều vụ khiếu nại, thẩm quyền giải quyết thuộc UBND quận, huyện nhưng chính quyền địa phương “câu giờ” bằng cách phát văn bản hỏi bộ ngành, UBND thành phố. Đến lúc lãnh đạo thành phố trực tiếp xem xét mới thấy chỉ cần giải quyết 15 -20 phút là xong. Vậy mà địa phương đùn đẩy làm người dân chờ đợi giải quyết khiếu nại hàng
chục năm.

“Tôi đã nhiều lần báo cáo với thường trực Thành ủy và yêu cầu UBND thành phố chấn chỉnh”, bà Tâm cho hay.

Lãnh đạo Văn phòng tiếp công dân TPHCM cho hay một số nơi không quan tâm giải quyết khiếu nại của người dân, thậm chí có nơi còn ngỏ ý xin tài liệu in sẵn của Văn phòng để về làm báo cáo.

“Quy trình tiếp công dân hiện nay liên quan đến kiểm soát nội bộ, liên thông sở ban ngành vẫn chưa có sự kiểm soát của thành phố. Ủy ban MTTQ nhận đơn thư khiếu nại, chuyển đi thì cũng chờ trả lời đến mỏi mòn. Kiểm soát nội bộ như thế nào mà khi cũng vụ việc đó trở lại cơ quan đã nhận đơn thư khiếu nại, người dân phải photo hồ sơ tài liệu vì sở ban ngành không lưu trữ”.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM

Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM (ĐBQH), cần làm rõ vì sao những vụ khiếu nại kéo dài và không có điểm dừng bởi nếu không có giải pháp, bức xúc của người dân sẽ tích tụ và bùng phát không cần thiết.

Ông Khuê cho hay Đoàn ĐBQH tiếp công dân thì có 75% nội dung khiếu nại liên quan các chính sách đất đai, bồi thường giải tỏa. Quá trình giải quyết khiếu nại, cách trả lời của nhiều nơi không vì cái chung, chỉ đứng trên quan điểm của riêng mình. Có những văn bản trả lời chung chung, gần như để trả nợ cho việc tiếp nhận hồ sơ.

Trong khi đó người dân cần biết đúng sai trong các nội dung khiếu nại. Vì vậy, nhiều trường hợp muốn qua kênh HĐND, MTTQ, ĐBQH chuyển đơn lên cấp cao hơn, khiếu kiện vượt cấp vì mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương. “Người dân khiếu nại có đúng, có sai, còn cơ quan giải quyết khiếu nại trả lời kiểu … trên trời khiến người dân bức xúc thêm”, ông Khuê cho biết.

Khiếu kiện đúng cũng… liêu xiêu

Đại biểu Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM bức xúc: Việc triển khai quyết định giải quyết khiếu nại còn rất chậm. Đơn cử như quyết định của UBND TPHCM, trong năm 2017 mới triển khai được 141 quyết định (chiếm 52%), tức còn gần 50% người dân chưa được giải quyết. Riêng trong 8 tháng đầu năm TPHCM mới triển khai 115/209 quyết định giải quyết khiếu nại của trung ương và địa phương. Hơn 40% trường hợp đã có quyết định nhưng vẫn chầu chực chờ giải quyết.

“Vấn đề này người dân rất bức xúc. Chúng ta ban hành quyết định giải quyết cho dân nhưng không thực hiện”, ông Danh
lưu ý.

Phó Chánh Thanh tra TPHCM Trần Đình Trữ thừa nhận Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của UBND TPHCM phần lớn là đúng nên người dân đồng tình. Tuy nhiên, chuyển về quận huyện thực hiện thì chậm bởi nhiều lý do như phải ban hành thông báo giải quyết khiếu nại, một số nội dung trong quyết định khó thực thi...

Hoài nghi với con số thống kê hơn 70% đơn thư khiếu nại sai, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân trăn trở: “Vô phước đáo tụng đình”. Bức xúc lắm người dân mới khiếu nại và nếu giải quyết không thỏa đáng sẽ làm người dân mất lòng tin.

“Vụ khiếu nại đất đai ở Thủ Thiêm, một ngày, hai ngày còn được chứ kéo dài cả chục năm thì bà con chịu sao thấu. Những vụ việc như Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Khu Ðại học Quốc gia cho thấy thành phố cần phải xem lại công tác giải quyết khiếu nại tố cáo”.

 Nguyễn Thị Quyết Tâm
Chủ tịch HÐND TPHCM

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu Văn phòng tiếp công dân và Thanh tra TPHCM phải cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật. Bà dẫn chứng: Bà con Thủ Thiêm khiếu nại nhà đất bị giải tỏa trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch của dự án. Mình bác đơn của bà con. Tòa án cũng bác đơn. Bây giờ Thanh tra Chính phủ kết luận ngược lại là dân đúng, mình sai. Dự án Khu công nghệ cao cũng vậy. Mình phải cầu thị nhìn thẳng sự thật là giải quyết cho bà con chưa thỏa đáng. Dân khiếu nại đúng, mình bảo sai. Mất niềm tin vào cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, người dân còn biết tin ai.

“Tôi rất thấm thía. Phải đối thoại với bà con để hiểu và nắm vụ việc cụ thể, giải quyết vụ việc có lý có tình chứ không phải đối thoại lấy lệ rồi bác đơn. Hậu quả sẽ rất nặng nề nếu mình giải quyết không khách quan, không cầu thị… Tình trạng khiếu nại vượt cấp là do người dân không tin cơ quan giải quyết khiếu nại của địa phương”, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng, thành phố hiện còn 20 vụ khiếu kiện nổi cộm. Nhiều chính sách về nhà đất, bồi thường giải tỏa còn bất cập dẫn đến khiếu kiện liên quan đến đất đai luôn đứng đầu. Việc thu hồi đất của người dân làm dự án thương mại, giá bồi thường cho dân thấp hơn quá nhiều so với giá sản phẩm doanh nghiệp bán ra. Trong khi đó công tác quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém, như thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, vụ lợi… dẫn đến tình trạng cán bộ bất lực, chính quyền địa phương né tránh đối thoại và tiếp dân.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.