Theo đơn thư bạn đọc:

Giải quyết chế độ tuyển dụng cho các giáo viên mầm non tại tỉnh Tuyên Quang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời gian qua, Ban Bạn đọc báo Tiền Phong nhận được trả lời của các cơ quan chức năng về đơn thư của bạn đọc.

1. Đơn của tập thể giáo viên mầm non hợp đồng dài hạn của các huyện Chiêm Hoá, Na Hang, Hàm Yên, Lâm Bình, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) kiến nghị việc không được tuyển dụng theo Công văn số 5378 (ngày 5/11/2019) của Bộ Nội vụ “về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước”. Điều này khiến trong thời gian qua, các giáo viên chưa yên tâm công tác, dù họ cho rằng đủ điều kiện để tuyển dụng đặc cách.

Ngày 8/11/2023, Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang có văn bản (số 1333) trả lời báo Tiền Phong (đồng thời gửi kèm Báo cáo số 224, ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh Tuyên Quang gửi Văn phòng Trung ương Đảng về sự việc trên), cho biết: Để có giải pháp giải quyết cho 1.395 giáo viên mầm non có hợp đồng của tỉnh, từ ngày 15-30/6/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri với chuyên đề về giáo dục đào tạo, đa số cử tri đã đề nghị cần tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển đối với giáo viên mầm non theo Quyết định số 60/TTg (ngày 26/10/2011) của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ, ngày 19/7/2023, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 756, điều chỉnh phương thức tuyển dụng viên chức năm 2023 từ hình thức thi tuyển sang xét tuyển. Tiếp đó, ngày 9/8/2023, UBND tỉnh Tuyên Quang có Thông báo (số 98) về việc tuyển dụng viên chức giáo dục của tỉnh, cho biết: Năm 2024, tỉnh tiếp tục tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục bằng hình thức xét tuyển theo quy định của pháp luật và kế hoạch của UBND tỉnh Tuyên Quang. Đối với giáo viên mầm non dạng hợp đồng theo Quyết định số 60/TTg, hoàn thành việc xét tuyển (cho người đủ điều kiện, tiêu chuẩn) trong năm 2024.

Giải quyết chế độ tuyển dụng cho các giáo viên mầm non tại tỉnh Tuyên Quang ảnh 1

Một số văn bản trả lời báo Tiền Phong của các cơ quan chức năng

2. Đơn của ông Bùi Duy Luật, trú tại 49/40/37 đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung (Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) kiến nghị việc Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chậm giải quyết thi hành án (THA) đối với Công ty Cổ phần y tế chất lượng cao Sài Gòn để thanh toán tiền lương mà Công ty này phải trả cho ông theo phán quyết của toà án.

Ngày 14/11/2023, Cục THADS tỉnh Đắk Lắk có văn bản (số 1172) trả lời báo Tiền Phong, cho biết: Trong quá trình tổ chức THA, chấp hành viên Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột đã tiến hành xác minh nguồn thu nhập, điều kiện THA của Công ty Cổ phần y tế chất lượng cao Sài Gòn. Theo kết quả xác định, Công ty Cổ phần y tế chất lượng cao Sài Gòn hiện kinh doanh không hiệu quả, còn nợ thuế, tài sản đã thế chấp, có khó khăn về tài chính…, nên chấp hành viên chưa thu được tiền của Công ty này để trả cho ông Bùi Duy Luật. Tuy vậy, ngày 12/10/2023, Công ty Cổ phần y tế chất lượng cao Sài Gòn đã có văn bản gửi Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột, hứa sẽ trả đủ số tiền 39.600.000 đồng cho ông Luật.

3. Đơn của các công dân Trần Văn Luân, Đinh Văn Giang, Phạm Thị Chuyên, cùng trú tại tổ dân phố Kem (thị trấn Nham Biền, Yên Dũng, Bắc Giang) đề nghị các cơ quan chức năng xác minh, điều tra hành vi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực của cán bộ UBND thị trấn Nham Biền liên quan đến công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng tại địa phương. Trước sự việc trên, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Yên Dũng có văn bản trả lời báo Tiền Phong, cho biết: Sự việc đang được UBND huyện Yên Dũng giải quyết, hiện chưa có kết quả. Do vậy, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng đã chuyển nội dung đơn trên đến UBND huyện Yên Dũng để xem xét, giải quyết theo quy định.

MỚI - NÓNG