Giải phóng mặt bằng để trồng cây xanh?

Đường Nguyễn Tam Trinh sắp được mở rộng.
Đường Nguyễn Tam Trinh sắp được mở rộng.
TP - Đầu tư 2.000 tỷ đồng mở rộng 3,5 km đường Nguyễn Tam Trinh, nhưng đoạn đường quy hoạch 40m có nơi “phình” ra thành 55m, mục đích trồng dải cây xanh và đường gom.

Mới đây, gần 200 hộ dân ở tổ dân phố 1, 3 và 27 phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) có đơn thư phản ánh liên quan đến phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ việc mở đường Nguyễn Tam Trinh. Dự án đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng mở rộng tuyến đường Nguyễn Tam Trinh, đoạn từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 3 (dài 3.557,7m). Chủ trương này được toàn bộ dân ủng hộ, song, đường mở rộng 40m, riêng từ đoạn giáp Vành đai 3 qua phường Yên Sở dài 1.300m lấy thêm 15m đất để trồng cây xanh.

Ông Lê Tuấn Kiệt, nhà số 1021 đường Tam Trinh (Yên Sở, Hoàng Mai) cho rằng, việc lấy thêm 15 mét đất vừa khiến con đường thiếu đồng bộ, gây thiệt hại cho nhà nước cả nghìn tỷ đồng để đền bù. Các hộ dân ở đây đã làm nhà và sinh sống ổn định ở đây, nếu lấy đất hàng trăm hộ dân bị đẩy đến đường cùng, bởi cuộc sống mưu sinh của họ trước nay vẫn bám trụ vào những gian hàng nhỏ buôn bán tại đây.

Ông Nguyễn Tuấn Hải (Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Yên Sở) phản ánh người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa nhận trả lời thỏa đáng. “Nếu nói trồng cây xanh thì ở đây giáp công viên Yên Sở - nơi đã có không gian xanh. Còn để làm đường gom phục vụ giao thông thì càng phi lý vì ở đây là vùng quê mật độ giao thông rất thấp”, ông Hải nêu quan điểm.

Chính quyền cần giải đáp kịp thời cho dân

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống đường giao thông là hết sức cần thiết. 

Trước phản ứng của dân bị ảnh hưởng khi làm đường Nguyễn Tam Trinh, ông Hòa cho rằng, với công trình dự án giao thông, liên quan trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của dân, cần phải làm thận trọng, khách quan, công tâm, và có sự đồng thuận của người dân mới mang lại hiệu quả. Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lý giải, khi làm đường giao thông, trước tiên chủ dự án phải có quy hoạch. Và đặc biệt, quy hoạch ban đầu đó phải được lấy ý kiến của người dân bị ảnh hưởng, có sự đồng thuận của người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay, khi dân có phản ứng, gửi đơn thư khiếu nại đến chính quyền thì phải có giải đáp kịp thời theo quy định. Cần giải thích đúng sai cho dân rõ, để dân không phải tới lui đến cơ quan công quyền, mất thời gian, công sức, tiền của.

Việc mở rộng đường Nguyễn Tam Trinh thể hiện sự quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, cải thiện hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng hiện tại. Tuy nhiên, việc mở rộng đường chỉ để trồng thêm cây xanh hay đường gom với kinh phí GPMB lớn thì cần tính toán lại, mục đích để hài hoà lợi ích giữa người dân nằm trong khu vực thực hiện dự án, cũng như tránh lãng phí tiền ngân sách.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Giang Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, dự án xây dựng đường Nguyễn Tam Trinh được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 28/11/2012. Về quy hoạch tuyến đường, đường Nguyễn Tam Trinh có hai mặt cắt ngang 40m và 55m. Đường 55m làm dải cây xanh, vừa là đường gom dân sinh. Cụ thể, đường sẽ có 6 làn xe và đường gom rộng 5,5m. Do khu vực phường Yên Sở có mật độ dân cao, nhiều dự án đô thị sắp triển khai nên các phương tiện của người dân từ đây đi ra đường Tam Trinh sẽ đi theo đường gom không bị xung đột với các phương tiện lớn.

MỚI - NÓNG