> Cẩn thận với đồ ăn nhanh
> Sữa chua có thể giúp ngừa bệnh tim
Nguy cơ đột quỵ từ bệnh nhân thay tim nhân tạo, suy tim hay hẹp van tim… luôn rình rập. Ảnh: Lê Nguyễn. |
15% đột quỵ do thuyên tắc mạch
PGS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người được chẩn đoán bị đột quỵ trong đó có khoảng 100.000 người tử vong.
Nguyên nhân gây ra đột quỵ ở bệnh nhân tim mạch mạn tính rất cao khi cục huyết khối hình thành trên thành tâm nhĩ hoặc tâm thất hay ở các van tim. Theo ông, thuyên tắc mạch não do tim chiếm khoảng 15% nguyên nhân gây đột quỵ hiện nay.
BS Huỳnh Thanh Kiều, Phó khoa Khám bệnh BV Tim Tâm Đức, cho biết, rung nhĩ cũng là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất trong cộng đồng và thường gây ra những biến chứng nặng nề làm bệnh nhân có thể tử vong hoặc tàn phế suốt đời.
Rung nhĩ có thể là nguyên nhân gây ra khoảng 5% trường hợp đột quỵ mỗi năm. Bệnh nhân suy tim có kèm theo rung nhĩ có tỷ lệ tử vong tăng hơn đến 34%.
Giải pháp mới kiểm soát đột quỵ
PGS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, người cao tuổi, tiền sử đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua, suy tim, hẹp van tim, mang van tim nhân tạo, tăng huyết áp, tiểu đường… luôn có nguy cơ bị đột quỵ.
Vì vậy, thuốc chống đông máu được kê đơn cho bệnh nhân tim mạch mạn tính nhằm ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong lòng mạch máu, từ đó tránh gây ra đột quỵ.
Tuy nhiên, các loại thuốc khác, thức ăn, mức độ hoạt động và bệnh tật lại có thể ảnh hưởng khả năng đáp ứng điều trị thuốc của bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân bắt buộc xét nghiệm máu để đảm bảo điều chỉnh liều thuốc điều trị được chính xác.
Theo dõi chỉ số đông máu có thể giúp giảm 59% biến cố xuất huyết nặng và giảm 65% biến cố hình thành cục máu đông so với các phương pháp chăm sóc thông thường.
Theo bác sĩ Kiều, tỷ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi, trung bình tỷ lệ mới mắc rung nhĩ khoảng 0,1% mỗi năm ở người dưới 40 tuổi, nhưng tăng lên tới 1,5 - 2% ở người trên 80 tuổi.
Với những bệnh nhân này nguy cơ đột quỵ rất lớn nếu không kiểm soát được các loại thuốc kháng đông đang dùng. Giờ đây, bệnh nhân tim mạch mạn tính được điều trị bằng liệu pháp kháng đông tại Việt Nam có một lựa chọn mới nhằm giúp kiểm soát nguy cơ đột quỵ.
Đó là hệ thống theo dõi đông máu tại chỗ CoaguChek, thông qua việc lấy máu mao mạch từ đầu ngón tay và cho kết quả tức thời, giúp bệnh nhân giảm được thời gian chờ đợi và giảm thiểu sự đau đớn do xét nghiệm máu bằng đường tĩnh mạch vẫn làm lâu nay.
Với phương pháp này, sau khi cho một giọt máu vào que thử, đo chỉ số INR (chỉ số bình thường hóa quốc tế đánh giá nguy cơ hình thành cục máu đông) bệnh nhân có kết quả trong vòng 1 phút.
Từ kết quả này, bác sĩ biết được liều thuốc điều trị là quá nhiều hay quá ít để điều chỉnh liều lượng thuốc kháng đông cho thích hợp.
Nếu bệnh nhân có mức INR quá cao, họ sẽ có nguy cơ xuất huyết nội, ngược lại nếu bệnh nhân có mức INR quá thấp, họ lại có nguy cơ bị cục máu đông, có thể dẫn đến đột quỵ, bác sĩ Kiều cho biết.