Giải ngân nhanh nhất gói 38.000 tỷ đồng hỗ trợ từ Bảo hiểm thất nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được đơn giản hóa tối đa.
Thủ tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được đơn giản hóa tối đa.
Người lao động (LĐ) mất việc làm dù ở đâu, chỉ cần tới cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) gần nhất sẽ được giải quyết chi trả hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Với doanh nghiệp sẽ được cơ quan BHXH tự động giảm mức đóng BHTN.

Không thêm thủ tục

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ dự thảo Quyết định triển khai chính sách hỗ trợ người LĐ, doanh nghiệp từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ. Theo đó, các chính sách sẽ được triển khai nhanh nhất, tạo thuận lợi tối đa cho người LĐ và doanh nghiệp.

Về chính sách hỗ trợ bằng tiền từ Quỹ BHTN với người LĐ đang tham gia bảo hiểm này, hoặc mất việc nhưng đang bảo lưu BHTN tới ngày 30/9/2021, theo ông Sơn, sẽ hỗ trợ một lần với gần 13 triệu người (trong đó có khoảng 2,5 triệu người LĐ mất việc làm đang bảo lưu BHTN). Với nhóm LĐ đang tham gia BHTN, đơn vị sử dụng LĐ cung cấp danh sách người LĐ đang tham gia BHTN kèm số tài khoản. Theo danh sách này, cơ quan BHXH sẽ đối chiếu với dữ liệu BHTN từng người để chi trả tiền hỗ trợ trực tiếp tới tài khoản người LĐ, không chi trả qua doanh nghiệp.

Với nhóm người LĐ đã nghỉ việc từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 và đang bảo lưu BHTN, có thể trực tiếp tới cơ quan BHXH cấp quận/huyện gần nhất, không phân biệt địa giới hành chính. Người LĐ cung cấp số BHXH, cơ quan BHXH sẽ cung cấp tờ khai kèm trích lục thời gian đóng BHTN đang bảo lưu, người LĐ rà soát, ký xác nhận và cơ quan BHXH sẽ giải quyết chi hỗ trợ ngay. Người LĐ có thể nhận tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân, trong đó ưu tiên chi trả qua tài khoản.

“Chúng tôi ưu tiên chi trả tiền hỗ trợ qua tài khoản để thực hiện chủ trương của Chính phủ là không dùng tiền mặt, đảm bảo hỗ trợ nhanh, chính xác, công khai, minh bạch, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nếu người LĐ muốn nhận tiền mặt, hoặc không có tài khoản ngân hàng vẫn được đáp ứng để đảm bảo hỗ trợ nhanh nhất, không để người LĐ phải đi lại nhiều lần. Hiện toàn bộ dữ liệu tham gia BHXH của người LĐ được BHXH quản lý bằng công nghệ, nên đảm bảo triển khai chính sách nhanh chóng, thuận lợi, giảm thủ tục hành chính”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, người LĐ có thể cài ứng dụng “VssID - BHXH số” để kiểm tra trước thời gian tham gia BHTN của mình và tính toán mức hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

Giải ngân nhanh nhất gói 38.000 tỷ đồng hỗ trợ từ Bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1

Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Với chính sách giảm mức đóng BHTN về 0% với đơn vị sử dụng LĐ, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho hay, cơ quan này sẽ tự động giảm theo hồ sơ đang quản lý và gửi thông báo tới từng đơn vị, doanh nghiệp không cần làm bất kể thủ tục gì. Việc triển khai chính sách này tương tự giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp đã được BHXH Việt Nam triển khai hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Ông Sơn cũng khẳng định, người LĐ nhận hỗ trợ bằng tiền sẽ không bị giảm trừ thời gian đã đóng BHTN, không ảnh hưởng tới tính hưởng trợ cấp thất nghiệp sau này. Tương tự, giảm đóng BHTN cho doanh nghiệp nhưng quyền lợi BHTN của người LĐ vẫn được tính là đang đóng đủ.

Hỗ trợ tiền mặt và giảm mức đóng

Theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ, chính sách hỗ trợ bằng tiền áp dụng với người LĐ chấm dứt hợp đồng từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu tới ngày 30/9/2021 (chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp), và người LĐ đang tham gia BHTN.

Người LĐ sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt với 6 mức hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người tuỳ theo thời gian đóng BHTN. Dự kiến hỗ trợ gần 13 triệu người với số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN. Thời gian triển khai gói hỗ trợ từ tháng 10 - 12/2021.

Nghị quyết 116 cũng quy định giảm mức đóng vào Quỹ BHTN từ 1% xuống 0% với đơn vị sử dụng LĐ đang đóng tới trước ngày 1/10/2021. Thời gian giảm mức đóng là 12 tháng (từ tháng 10/2021 tới hết tháng 9/2022). Dự kiến hỗ trợ 386.000 đơn vị với số tiền giảm đóng khoảng 8.000 tỷ đồng.

Hai chính sách trên không áp dụng với công chức, viên chức, người LĐ và đơn vị nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Nghị quyết nêu rõ, chính sách trên nhằm góp phần hỗ trợ người LĐ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy thị trường LĐ; hỗ trợ người sử dụng LĐ giảm chi phí, duy trì hoạt động để tạo việc làm. Đồng thời, chính sách hỗ trợ cũng phát huy vai trò của BHTN là chỗ dựa cho người LĐ và người sử dụng LĐ khi khó khăn; bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng.

Theo Nghị quyết 116, NLĐ đang tham gia BHTN, hoặc đang bảo lưu BHTN được hỗ trợ bằng tiền với các mức gồm: người LĐ đóng BHTN dưới 12 tháng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; tham gia BHTN từ 12-60 tháng được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người; tham gia từ 60-84 tháng được hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người; tham gia từ 84 - 108 tháng được hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người; tham gia từ 108 - 132 tháng được hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người; tham gia từ 132 tháng trở lên được hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.

MỚI - NÓNG