Học vấn nhuộm đen trái tim và khắc sâu định kiến
Theo tác giả Frank McDonough của cuốn sách "The Myth And Reality Of Hitler's Secret Police" (tạm dịch: Hư ảo và sự thực về lực lượng cảnh sát mật của Hitler), Gestapo giống "phòng họp của các giáo sư đại học cấp cao" hơn là một sở cảnh sát "lưu manh". Thông thường, người ta vẫn cho rằng học thức, giáo dục là "thức ăn" tốt cho tâm hồn. Tuy nhiên, với thành viên Gestapo thì khác, học vấn đã nhuộm đen trái tim của chúng, khắc sâu định kiến và khiến chúng trở nên sắt đá khi thực hiện những vụ trấn áp kẻ thù nội bộ của Đức Quốc xã bằng bất kỳ biện pháp tàn độc nào cần thiết.
Tác giả McDonough cho rằng, chúng thực hiện tội ác không phải vì chúng ngu ngốc mà vì bộ não được huấn luyện bài bản đã nói với chúng rằng hành động đó là cần thiết.
Trong suốt 70 năm kể từ khi mật vụ Gestapo chìm vào lịch sử, đã có nhiều nhầm lẫn về tổ chức này do kho hồ sơ tư liệu khổng lồ của Gestapo đã biến mất khi chiến tranh kết thúc. Kho hồ sơ này có khả năng đã bị phá hủy trong các cuộc ném bom của quân Đồng minh, nhưng khả năng cao hơn là nó đã bị những ai đó biết bí mật về tổ chức này tiêu hủy. Chỉ vài hồ sơ còn tồn tại đến ngày nay, chủ yếu là ở thành phố Dusseldorf và là nguồn mà tác giả McDonough dựa vào để làm tư liệu cho cuốn sách.
Người ta cho rằng cảnh sát Gestapo có mặt ở mọi nơi, trở thành một loại "cảnh sát ý nghĩ" luôn khiến mọi người sợ hãi và nơm nớp vì lo sợ bị theo dõi. Trong thực tế, ở giai đoạn đỉnh điểm, Gestapo chỉ có chưa đầy 16.000 nhân viên hoạt động để làm nhiệm vụ trong một quốc gia 70 triệu dân. Năm 1937, ở Dusseldorf, Gestapo có 126 nhân viên để giám sát 500.000 dân. Thành phố Essen có 650.000 dân và chỉ có 43 nhân viên Gestapo. Các thành phố lớn khác ở Đức cũng tương tự. Những thành phố xa xôi thậm chí còn không hiện diện cơ quan cảnh sát mật này.
Thiếu tiền, thiếu người nên Gestapo hầu như không có thời gian để thực hiện những công việc mang tính chất chủ động. Các cuộc điều tra của Gestapo phần lớn dựa vào tin tức của những kẻ hớt lẻo vốn đầy rẫy trong thời Hitler. Những người này có thể báo tin về mối đe dọa thật với an ninh quốc gia nhưng cũng có thể vì thù hằn ai đó mà bịa đặt thông tin về họ.
Gestapo biết hiện tượng trên và trong những trường hợp như vậy thường âm thầm trấn áp. Người ta nghĩ cứ ai bị cảnh sát Gestapo ghé thăm đều phải vào phòng tra tấn. Nhưng sự thật không phải vậy. Gestapo gần như không sử dụng bạo lực với những trường hợp liên quan đến người Đức bình thường. Đối với những người được coi là kẻ thù của nhà nước, Gestapo sẽ lộ nguyên hình tàn bạo.
Đối tượng này gồm những người bất đồng chính kiến, những kẻ gây rối, những người cộng sản, người đồng tính luyến ái, dân gipxi - đều là những thành phần có xu hướng không tuân theo Đức Quốc xã. Các thẩm vấn viên của Gestapo thường dùng nhục hình như rút móng tay hay ép tinh hoàn của đối tượng trong dụng cụ ép tỏi để moi thông tin. Trong ngục tối, tù nhân bị lột truồng, bị cùm tay vào một thanh sắt treo bằng xích từ trần nhà. Cai ngục đẩy tù nhân đu đưa chầm chậm. Mỗi nhịp đẩy, một cai ngục khác lại dùng xà beng phang vào mông tù nhân.
Trong lúc đó, một người khác tra khảo tù nhân. Màn cho tù nhân "chơi xích đu" kể trên cứ lặp đi lặp lại cho đến khi tù nhân ngất xỉu. Tù nhân sẽ được làm cho tỉnh dậy và để rồi ngất tiếp. Màn tra tấn cứ tiếp tục cho đến khi tù nhân chỉ còn là một đống thịt nhầy nhụa máu. Phần lớn tù nhân chết sau màn tra tấn này. Thi thể nát bấy của họ bị kéo lê trên sàn xi măng và đưa ra ngoài.
Adolf Eichmann, mật vụ Gestapo khét tiếng nhất.
Một phụ nữ trẻ nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng dưới tay Gestapo. Khi đó, cô bị lôi vào hầm và bị bắt nằm vắt qua một cái bàn. Sau đó, hai gã đàn ông thay nhau đánh vào lưng trần bằng một cái gậy cho đến khi cô không thể chịu đựng được nữa. Gestapo bắt cô vì cô là thành viên của một giáo phái Thiên Chúa giáo bị Đức Quốc xã cấm vì không thực hiện nghĩa vụ quân sự và chào Hitler. Người phụ nữ này nhớ lại: "Tôi đã thú nhận rằng tôi làm việc phi pháp chống chính phủ Hitler vì tôi muốn được nhận án tử hơn là bị tra tấn tới chết".
Ngoài những đối tượng kể trên, người Do Thái tất nhiên là mục tiêu cơ bản của Gestapo. Nhiệm vụ của Gestapo là vây bắt họ, đưa họ ra ga tàu và chuyển tới các trại tập trung và trại tử thần. Đây thường là những chuyến một đi không trở lại. Các cuộc vây bắt luôn thành công, và tàu chạy rất đúng giờ... Các trại cứ đều đều tiếp nhận tù nhân Do Thái và dùng khí độc Zyklon B để hành quyết họ. Adolf Eichmann, thành viên Gestapo khét tiếng nhất, chính là người chịu trách nhiệm thủ tiêu người Do Thái.
Dù tàn độc và gây ra nhiều nỗi sợ hãi nhưng Gestapo vẫn thất bại trong một số mục tiêu. Gestapo không phát hiện ra âm mưu đánh bom ám sát Hitler năm 1944. Gestapo không ngăn được các nhóm thiếu niên thuộc tầng lớp lao động chuyên phục kích thành viên Đoàn Thanh niên Hitler từ năm 1938 tới tận năm 1944. Khi phát hiện ra, Gestapo đã treo cổ 13 thiếu niên ở Cologne.
Sau khi quân đội Liên Xô đánh bại quân Đức ở Stalingrad năm 1943, tinh thần của Gestapo xuống dốc nghiêm trọng. Người Đức bắt đầu truyền tai nhau những câu nói đùa về Hitler, kiểu như: "Điểm khác nhau giữa mặt trời và Hitler là gì? Mặt trời mọc đằng đông nhưng Hitler lại lặn đằng đông". Người dân Đức cho rằng giờ có thể thoải mái kể bất kỳ chuyện tếu nào về Hitler mà không sợ bị trả thù hay bị báo với cảnh sát.
Trò đùa này tất nhiên không làm Gestapo vui. Gestapo bắt đầu trả thù. Một thiếu tá nghỉ hưu 73 tuổi bị con rể tố là nghe đài phát thanh nước ngoài và theo tư tưởng chủ bại (defeatist). Ông bị Gestapo bắt và chết trong tù. Một phụ nữ trẻ bị hàng xóm tố ăn cắp ba tách cà phê, vài tấm rèm cũ và một cái váy trong một ngôi nhà bị bom phá hỏng đã bị Gestapo treo cổ. Một phụ nữ khác bị chính chồng của mình tố giác vì nói con cái họ bị Hitler giết chết. Người này bị đưa tới trại tập trung Auschwitz.
Gestapo vẫn duy trì gọng kìm sắt cho đến tận phút cuối. Nhưng khi nỗi sợ không thể bảo vệ được Đức
Quốc xã và chiến tranh kết thúc, nhiều thành viên Gestapo đã biến mất. Eichmann cũng phải trả giá vì tội ác của hắn. Sau gần 2 thập kỷ trốn tránh công lý, hắn bị điệp viên Israel phát hiện ở Argentina và bị đưa về Jerusalem.
Mật vụ Gestapo là cái tên gây khiếp sợ với người dân Đức.
Được giải tội và xóa trắng quá khứ
Theo cuốn sách của tác giả McDonough, hàng nghìn thành viên khác của Gestapo đã khép mình và hòa lẫn vào xã hội. Trong các phiên xét xử tội ác chiến tranh ở Nuremberg, Gestapo bị coi là một tổ chức tội phạm chịu trách nhiệm cho các tội ác chống lại nhân loại. Một số cá nhân thuộc Gestapo bị xét xử như tiến sĩ Werner Best, người phụ trách hành chính ở Gestapo, bị kết án tử hình nhưng sau được giảm xuống còn 12 năm và ra tù năm 1951. Ông ta cho biết chỉ tuân theo mệnh lệnh và không chịu trách nhiệm về hậu quả.
Phần lớn cựu thành viên của Gestapo bị giam giữ ở các trại giam của quân Đồng minh và chịu án tù chỉ khoảng 3 năm rồi được thả. Nhiều người sau đó trải qua quá trình pháp lý gọi là "xóa bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa Quốc xã" và được tuyên bố là "được giải tội", tức là được tha thứ cho những điều đã làm trong quá khứ. Thời gian trôi dần, cuộc sống với cựu thành viên Gestapo trở nên dễ dàng hơn.
Vào những năm 1950, luật miễn tội được đưa ra để ân xá cho mọi tội ác của đảng Quốc xã. Những người phạm tội chỉ phải ngồi tù 6 tháng. Một luật khác trao cho những người mất việc vì là thành viên đảng Quốc xã quyền nộp đơn xin "cải tạo nghề nghiệp" để có thể đi làm trở lại. Các thành viên Gestapo không được hưởng quyền này nhưng nếu ai có thể chứng minh đã gia nhập lực lượng cảnh sát trước năm 1933 rồi mới chuyển sang Gestapo thì vẫn có thể xin đi cải tạo.
Sau khi có luật này, khoảng một nửa cựu thành viên Gestapo được trở lại làm công chức. Phần lớn cựu quan chức cấp cao Gestapo có bằng luật thì được hành nghề luật sư tư nhân. Ngay cả thành viên Gestapo không đi làm trở lại cũng dễ dàng được hưởng khoản lương hưu hào phóng. Một trong số đó là Karl Loffler, từng là giám đốc bộ phận Do Thái ở Gestapo tại thành phố Cologne. Ông ta đã tìm cách được công nhận là "đã giải tội" để "hô biến" quá khứ Quốc xã của mình. Sau đó, ông ta đã hưởng trọn vẹn lương hưu.
Ngay cả khi cựu quan chức Gestapo phải ra tòa, họ cũng được xử rất nhẹ nhàng. Như trường hợp của Waldemar Eisfeld và Heinrich Lorenz - hai người từng đảm nhiệm nhiệm vụ bố ráp hàng nghìn người Do Thái - là một ví dụ. Quan tòa đã xử trắng án cho cả hai trên cơ sở hai người này không biết những người Do Thái họ vây bắt sẽ có số phận thế nào.
Tuổi tác và sức khỏe cũng là yếu tố cứu nhiều cựu thành viên Gestapo nhúng chàm. Otto Bovensiepen, cựu giám đốc Gestapo ở Berlin, bị xét xử năm 1969 nhưng bị đau tim trong quá trình ra tòa. Bác sĩ cho biết ông ta không đủ sức khỏe để theo các phiên xét xử và cho ông ta sống an nhàn thêm 8 năm nữa. Tiến sĩ Werner Best cũng quá ốm yếu và già cả nên không thể đến các phiên xét xử. Ông ta qua đời 17 năm sau đó.