Giải mã về một hàng binh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hè năm tám hai (1982), Ban biên tập phân công tôi đi Huế tháp tùng chuyến làm việc của Bí thư T.Ư Đoàn, Trần Phương Thạc. Lèn chặt trên chiếc xe U Oát còn có PV Chương trình phát thanh Thanh niên Bùi Đức Huyên. Bí thư Thạc tuổi ngoài 40. Cao ráo, trẻ trung. Tóc chớm chút tiêu muối. Chất giọng Huế mềm nếu hoàn cảnh môi trường cần khí thế cũng biết đanh đúng lúc. Một thủ lĩnh thanh niên khá nổi trội thời đó.

Nhân mối tình cờ

Năm 1964, đang là Phó Bí thư Khu Đoàn (như Quận bây giờ) Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trần Phương Thạc xung phong đi chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Lăn lộn, bám trụ trên nhiều lĩnh vực công tác ở quê nhà, Trần Phương Thạc trở thành Chủ tịch đầu tiên của Ủy Ban Quân quản Đông Hà khi đó mới được giải phóng. Rồi Bí thư tỉnh đoàn Quảng Trị. Thời điểm ấy thì chưa có cuốn sách Những lá thư thời chiến. Những lá thư suốt từ năm 1964 đến năm 1972 gửi cho người yêu ở Hà Nội sau này là vợ của Trần Phương Thạc được tập hợp và in thành sách khá nổi tiếng).

Giải mã về một hàng binh ảnh 1

Phạm Văn Đính bên khẩu pháo Vua Chiến Trường, vũ khí át chủ bài của Trung đoàn 56

Câu chuyện đường trường thường không đầu không cuối của Bí thư Trần Phương Thạc khá hấp dẫn. Nhất là những chuyện trong thời gian anh từng bám trụ suốt gần 10 năm ở địa bàn ác liệt Quảng Trị. Một chuyện cuốn hút tôi là anh Thạc lại là chỗ quen thân với viên trung tá Việt Nam Cộng hòa (VNCH) hàng binh Phạm Văn Đính!

…Ông ngồi trước tôi. Trắng trẻo. Ánh mắt chiếu tia nhìn thẳng thắn nhưng cởi mở. Có lẽ được anh Trần Phương Thạc chỗ quen biết giới thiệu nên ông Đính vào chuyện rất tự nhiên. Thi thoảng ông lại vuốt nhẹ lọn tóc vắt chéo nom rất ngộ trên cái trán hói.

Từ lâu, tôi đã nghe nói đến sự kiện viên trung tá này dẫn 1.500 sĩ quan và binh sĩ dưới quyền ra hàng ở trận Tân Lâm (Quảng Trị) tháng 4 năm 1972. Tất nhiên chỉ là nghe loáng thoáng còn cụ thể như nào thì chưa được tường. Nghĩ mình như gặp một dịp may bởi vào thời điểm không định và chẳng ngờ ấy, một nhân chứng sống động lại đương ngay trước mắt!

Tôi hỏi anh Thạc theo những sự đồn đãi trước đó mà mình từng nghe,… rằng có phải trung tá Phạm Văn Đính là do ta… cài từ trước sang đối phương không? Rằng, do công tác địch vận của mình làm khá tốt? Bí thư Trần Phương Thạc nghe vậy chỉ mỉm cười nhẹ.

Giải mã về một hàng binh ảnh 2
Bia kỷ niệm chiến trường xưa Camp Carroll - Tân Lâm Quảng Trị

Đầu năm 1969 được gắn lon trung tá, Phạm Văn Đính cũng được vinh thăng là Anh hùng Quân lực VNCH.Bên ta cài? Chất giọng Huế nhè nhẹ của anh Thạc như dung chứa những thông tin nặng cân khi anh trích ngang chút lý lịch vị trung tá hàng binh này. Hóa ra Phạm Văn Đính là một thứ dữ? Xuất thân từ trường Sĩ quan trù bị Thủ Đức. Nổi tiếng khi còn là trung úy chỉ huy liên đại đội trinh sát Hắc Báo, được thăng cấp rất nhanh ngay tại mặt trận. Từ thiếu úy lên trung tá chỉ trong vòng 5 năm. Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 2 do Thiếu tá Đính chỉ huy đã tiến chiếm và dựng cờ của chế độ VNCH tại kỳ đài Huế.

Trên chuyến tàu ra Bắc, một mình tôi có lúc hụt hẫng bởi câu chuyện cùng cuộc gặp dở dang nọ với ông Đính. Hụt hẫng dở dang vì trong tận cùng ý nghĩ, nếu chấm hết bài báo chỉ nhiêu thôi thì có chi như chưa chín, chưa tới? Một sĩ quan VNCH trận mạc cùng chiến tích đầy mình được đào tạo cẩn thận như ông Đính phải có một tầng vỉa dạng khuất lấp gì mà mình chưa lần tới?

Giữa năm 1970, trung tá Phạm Văn Đính được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó Trung đoàn 54, và đến tháng 10/1971 được đề cử làm Chỉ huy trưởng Trung đoàn 56 rồi dự trận Tân Lâm và ra hàng mới ở tuổi 30.

Sự kiện dẫn cả một trung đoàn quân số hơn 1.500 binh sĩ ra hàng Quân Giải phóng của trung tá Quân lực VNCH Phạm Văn Đính khiến đối phương choáng váng. Nó như một cái tát mạnh, khủng khiếp và không thể diễn tả nổi cho phe VNCH!

Cũng cần nói thêm, do công việc của một vị Chủ tịch quân quản thị trấn Đông Hà mà Trần Phương Thạc có mối quan hệ quen biết với vị trung tá hàng binh Phạm Văn Đính. Sau thời gian ra hàng ít lâu, Phạm Văn Đính được giữ nguyên hàm cấp trung tá cũ thành trung tá rồi thượng tá Quân đội Nhân dân Việt Nam đảm chức Phó Tỉnh đội Quảng Trị phụ trách công tác địch vận.

Từ trung tá Quân lực VNCH đến đại tá QÐND Việt Nam

Giải mã về một hàng binh ảnh 3

Căn cứ Camp Carroll - Tân Lâm nhìn từ trên cao

Những ngày Bí thư TƯ Đoàn Trần Phương Thạc ở Huế, công việc khít rịt kín bao sự kiện. Nhưng sếp Bí thư cũng đặc cách cho tôi một khoảng hở. Đó là cuộc gặp với vị trung tá hàng binh Phạm Văn Đính.

…Ông ngồi trước tôi. Trắng trẻo. Ánh mắt chiếu tia nhìn thẳng thắn nhưng cởi mở. Có lẽ được anh Trần Phương Thạc chỗ quen biết giới thiệu nên ông Đính vào chuyện rất tự nhiên. Thi thoảng ông lại vuốt nhẹ lọn tóc vắt chéo nom rất ngộ trên cái trán hói.

Giải mã về một hàng binh ảnh 4

Trung tá Phạm Văn Đính bắt tay đại diện Quân Giải phóng thời điểm ra hàng

Chỗ chúng tôi ngồi không phải là một đơn vị quân đội hay doanh trại mà đó là Sở TDTT Bình Trị Thiên gần Sân vận động Huế.

Năm tháng vèo trôi bao sự kiện. Thời điểm đến Huế ấy, đại tá Phạm Văn Đính vừa được chuyển công tác sang Sở TDTT Bình Trị Thiên kiêm đặc trách việc trông coi hoạt động của Sân vận động Huế.

Ông Đính dẫn tôi ra Sân vận động cùng câu chuyện đương dở… Mà chả biết cái nào hấp dẫn hơn cái nào?

Chẳng phải tầm vóc cấu trúc của cái Trung tâm TDTT lần đầu mình được ghé mà là chuyện của một người Huế. Từng am hiểu Huế. Năm 1935, Sân vận động Huế diện tích 72.000m2 được xây dựng với kinh phí 30.000 đồng bạc Đông Dương. Đường đua xi măng lộ trình 500m và xung quanh khu vực này là cả tổ hợp sân điền kinh, sân bóng đá, sân quần vợt và một đường chạy, vượt hẳn sân vận động Sài Gòn. Rồi lễ khánh thành được tổ chức vào chiều chủ nhật 1/3/1936, nhưng do trời mưa lớn nên phải hoãn đến ngày thứ ba, ngày 3/3/1936, vào lúc 3h chiều. Đúng 3h, Hoàng đế, Hoàng hậu và quan Khâm sứ cùng các quan hai phía Việt - Pháp đến dự đông đủ.

…Cùng thả bước trên đường đua xi măng, tôi tranh thủ gợi ông Đính về hoàn cảnh của buổi chiều định mệnh ngày 3/4/1972 ấy.

Trung đoàn 56 Bộ binh đóng quân tại căn cứ Carroll (bên mình gọi là căn cứ Tân Lâm), một căn cứ quân sự lớn nhất tỉnh Quảng Trị do quân đội Hoa Kỳ bàn giao lại cho quân lực VNCH do trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy.

Carroll là tên của đại úy Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tử trận trong cuộc hành quân Prarie vào năm 1966 (được người Mỹ đặt tên cho căn cứ).

Carroll rất lý tưởng cho việc phòng thủ được xây theo hình ngũ giác trên một ngọn đồi trống, có thể quan sát bốn hướng từ xa. Tháng 3/1972, Carroll có khoảng 2.000 quân của Trung đoàn 56 Bộ binh với 22 súng đại bác khủng bao gồm 105 ly, 155 ly và 175 ly cùng vài chiến xa Duster hạng nhẹ (trang bị đại bác 40 ly). Nhìn từ góc độ phòng ngự, căn cứ Carroll có thể cầm chân cả một sư đoàn Cộng sản Bắc Việt dễ dàng.

Vậy mà đùng cái, Trung đoàn 56 lại đầu hàng Cộng sản Bắc Việt, điều mà không ai (kể cả tướng Vũ Văn Giai khi đó là tư lệnh sư đoàn 3 Bộ binh) lại xảy ra được!

Giáp trận, Carroll tức cao điểm 241 - Tân Lâm, cách Đông Hà 22 km, bị đối phương vây chặt. Lương thực, đạn dược cạn kiệt, thương binh không được tản thương, cấp trên từ chối chi viện. Khi đó cấp trên trực tiếp của trung tá Đính là Chuẩn tướng, tư lệnh sư đoàn 3 Vũ Văn Giai; cấp trên nữa là Trung tướng, tư lệnh quân đoàn I Hoàng Xuân Lãm.

Cuộc chiến đấu nói đúng hơn là đấu pháo với Quân Giải phóng diễn ra ác liệt nhiều ngày. Căn cứ Carroll bị vây hãm dần dà rơi vào thất thế.

Thế cùng, trung tá Đính khẩn cấp liên lạc với tướng Vũ Văn Giai xin được tăng viện và yểm trợ pháo binh cùng không quân, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.

(Sau này, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, người kế nhiệm tướng Lãm đã nói toạc ra trong hồi ký.

“Sư đoàn đã không yểm trợ cho Trung tá Đính đầy đủ và đã quên ông. Trung tá Đính muốn được triệt thoái khỏi căn cứ bị bao vây nhưng tướng Giai không chấp thuận. Nhận thấy không còn hy vọng và muốn bảo vệ tính mạng binh sĩ của mình, Trung tá Đính họp tất cả sĩ quan bộ chỉ huy, các đơn vị trưởng trực thuộc và tuyên bố ý định ngưng chiến đấu. Ông ra lệnh sĩ quan Ban 2 đem một miếng vải trắng đến cổng trại và treo ở đó”.

Đầu tháng 5/1972, vì tội để mất Quảng Trị, cả hai tướng Lãm và Giai đều bị cách chức. Tướng Giai bị Tòa án binh kết tội 5 năm tù, vào bóc lịch ở khám Chí Hòa, trưa 30/4/1975 mới được “giải phóng”).

…Tôi nhớ trong câu chuyện ông Đính có nhắc lại chuyện ra hàng để tránh cái chết oan uổng và vô lý khi lâm vào thế thất trận. Mà sự ấy chẳng phải là chuyện hiếm hoi. Xứ người có chuyện năm 1942, toàn bộ 8 vạn quân Anh ở Singapore tự nguyện đầu hàng quân Nhật. Xứ mình gần nhất là tại Mặt trận Cao Bằng, đầu tháng 3/1979, bị quân ta vây bọc tứ phía lâm vào thế tuyệt địa cả đại đội sơn cước tinh nhuệ của Trung Quốc ra hàng ở Cao Bằng!

Tôi có nhớ mình đã hỏi thêm ông Đính chuyện ông để hai viên Cố vấn Mỹ chạy thoát bằng trực thăng thì sau đó ông có bị bên Quân giải phóng cự nự gì không? Nghe vậy ông Đính cười… Có chớ! Cũng có ý kiến chất vấn nhưng may mà trước đó tôi đã đề nghị trong máy bộ đàm rằng nên để cho chiếc trực thăng di tản cố vấn Mỹ đó bay thoát. Chớ cấp chỉ huy quân giải phóng chưa hoặc không đồng ý thì sức mấy chiếc trực thăng ấy bay thoát trong tầm pháo khống chế dày đặc của bên mình!

Nhiều năm sau, tôi đọc được những ghi chép của bộ phận địch vận những lời gan ruột của trung tá Phạm Văn Đính thời điểm mới ra hàng. Những lời ấy na ná như lời bộc bạch trong câu chuyện chiều ấy ở Sân vận động Huế.

…Tôi thật không ngờ lại có được sự đặc ân khoan hồng của cách mạng. Tôi là sĩ quan quân lực VNCH, từng theo Mỹ, du học ở Mỹ rồi về làm sĩ quan Hắc Báo từ đại đội trưởng được thăng tiến rất nhanh. Sự thăng tiến ấy là cả quá trình tôi gây nhiều tội lỗicho dân tộc. Khi nhận lệnh chỉ huy Trung đoàn 56 đồn trú tại Tân Lâm (Quảng Trị), tôi được Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh động viên, dặn dò vàhứa hẹn nhiềuđiều. Tướng Vũ Văn Giai còn vỗ vai tôi: “Hoa mai sẽ mau nở trên ve áo ngài thôi!”. Được biết Quân Giải phóng sẽ mở đợt tấn công, cấp trên nói quy mô có thể lớn. Nhưng theo lời hứa của cấp trên với Trung đoàn 56, tôi thấy yên lòng mặc dù trung đoàn mới tái lập để đóng giữ căn cứ quan trọng này. Sáng 30/3/1972, sau những đợt pháo kích ban đầu, tôi thấy tình hình chiến sự diễn ra không như tướng Giai nói. Hầu hết tuyến phòng ngự đều bị rung chuyển bởi hỏa lực pháo binh của Quân Giải phóng. Các pháo đội tầm xa của tôi và của thủy quân lục chiến bên Mai Lộc không tài nào ngóc đầu dậy được. Mật độ và sức phá hủy của pháo binh Quân Giải phóng ngày càng ác liệt. Sau những đợt pháo kích, tôi lợi dụng lúc tạm ngưng của pháo, lên chòi quan sát trong căn cứ kiểm tra thì ôi thôi, cảnh đổ nát và sự chết chóc diễn ra trước mặt. Tôi đã xin Quân đoàn 1 và Sư đoàn 3 phải cho triệt thoái khỏi căn cứ nhưng họ không cho…

…Khiđó, tôi nghĩ chỉ có đầu hàng thì mới cứu được sinh mạng của 1.500 binh lính dưới quyền… Nếu không đầu hàng thì Trung đoàn 56 của tôi sẽ chịu số phận giống như thủy quân lục chiến Mỹ ở đây đúng 5 năm về trước? Đó là tháng 3/1967, khi tôi chỉ huy Tiểu đoàn 52 kiêm Quận trưởng Quảng Điền ở Thừa Thiên đã được Tư lệnh Vùng 1, Tư lệnh Quân đoàn 1, tướng Chuân thông báo: Căn cứ Tân Lâm đã bị hỏa tiễn cỡ lớn của Việt Cộng triệt phá; 24/30 khẩu đại bác từ 105mm đến 155mm, hàng chục xe tăng, xe ủi đất, hàng ngàn nhà bạt bị phá hủy… Toàn bộ căn cứ phải nhiều ngày saungười Mỹ mới củng cố lại được.

…Tôi nghĩ sau khi ra hàng, anh em thì được cứu nhưng bản thân mình thế nào cũng bị cách mạng xử lý. Nhưng thật không ngờ... Sau khi ra hàng, tôi và toàn bộ binh lính Trung đoàn 56 đều nhận được sự khoan hồng của cách mạng. Đặc biệt, cách mạng còn cho tôi và toàn bộ sĩ quan binh lính dưới quyền được giữ nguyên cấp hàm, được giao việc phù hợp theo nguyện vọng của từng người.

Vâng có lẽ đến đây mà dừng có thể nói tạm kết thúc một bài báo… đăng được!

Nhưng những sải bước trên đường đua xi măng ở Sân vận động Huế cùng câu chuyện của chúng tôi đã đột nhiên bị chững lại! Người giúp việc ở cơ quan ông Đính bỗng chạy tới nói nhỏ chi đó với ông. Ông Đính nghe xong liền xin lỗi tôi nói có việc gấp hẹn buổi khác!

Một buổi khác đã không tới!

Và không bao giờ có.

Tối hôm ấy, oái oăm, một trận ngộ độc thức ăn quái ác đã đưa thẳng tôi vô Bệnh viện TƯ Huế và nằm đó gần 10 ngày!

Bụng dạ tạm ổn, tôi ghé qua chỗ ông Đính hy vọng vớt vát thêm chút tư liệu, nhưng Sở TDTT báo ông đi công tác phía Nam rồi.

Trên chuyến tàu ra Bắc, một mình tôi có lúc hụt hẫng bởi câu chuyện cùng cuộc gặp dở dang nọ với ông Đính. Hụt hẫng dở dang vì trong tận cùng ý nghĩ, nếu chấm hết bài báo chỉ nhiêu thôi thì có chi như chưa chín, chưa tới? Một sĩ quan VNCH trận mạc cùng chiến tích đầy mình được đào tạo cẩn thận như ông Đính phải có một tầng vỉa dạng khuất lấp gì mà mình chưa lần tới?

Bao nhiêu những bộn bề khuất lấp. Anh Trần Phương Thạc đột ngột ra đi ở Liên Xô cũ do bạo bệnh khi đương có nhiệm kỳ phụ trách Ban cán sự Đảng bên đó.

Rồi có hai lần ghé Huế. Một lần ông Đính lại cũng bận công tác xa. Được biết ông đã về hưu với quân hàm đại tá! Lần thứ hai được tin ông mất năm 2012.

Hoàn tất một hồi ức

Sở dĩ tôi tiếp tục cái ghi chép nói đúng hơn là một hồi ức dở dang về ông Phạm Văn Đính là gần đây tình cờ gặp mấy việc.

Một ông bạn từng công tác ở bộ phận Cục địch vận trong lần gặp ấy phát lộ câu chuyện hàng binh trung tá Phạm Văn Đính có thời gian lưu lại ở một địa điểm kín đáo để làm việc với Cục địch vận. Mà câu chuyện cùng sự kiện này chắc đã được giải mật lẩu lâu?

Trong câu chuyện của ông bạn, tôi hình dung ra góc một làng quê yên tĩnh ở khu vực Bia Bà La Khê, Hà Đông, có ngôi nhà cổ 5 gian kín cổng cao tường, giữa sân có mấy cây nhãn xum xuê. Nhà ấy của ông giáo tên Thắng được bộ đội đột xuất dùng vào việc công.

Rồi có tốp người mặc thường phục dọn về ở. Dân làng nhất là đám trẻ con để ý thấy một người đàn ông trung niên, cao lớn, trắng trẻo, tướng mạo ngon lành. Điều dễ nhận ra nhất là anh này hói đầu nói giọng Huế, suốt ngày ngồi viết bên cửa sổ. Thi thoảng lại ra chợ Đình ngay gần đó tản bộ. Đôi khi ghé ngồi hàng nước chè chén kẹo lạc. Ông này không đi một mình mà khi nào cũng có một hai người đi theo.

Đó là hàng binh trung tá Phạm Văn Đính!

Phạm Văn Đính viết gì?

Thời điểm này chắc có lẽ cũng dễ dàng mà bạch hóa hoặc giải mật những di cảo ấy. Nghe nói người hàng binh ấy viết về một số sự kiện thâm cung bí sử của chế độ VNCH, phân tích sự non kém về chiến thuật và những chuyện về các tướng tá mà viên sĩ quan trận mạc từng may mắn tiếp xúc.

Rồi những ý kiến đóng góp của ông Đính với tư cách chuyên gia trong công tác địch vận thời điểm những năm 1972- 1974 ấy. Thoáng nhớ ông từng đảm chức Phó tỉnh đội Quảng Trị phụ trách công tác địch vận.

Qua câu chuyện với ông bạn, cũng có nghe có một thời gian ngắn, thượng tá QĐND Việt Nam Phạm Văn Đính có mặt ở Trường Sĩ quan pháo binh! Cũng phải thôi. Phạm Văn Đính từng chỉ huy các chiến cụ khủng tại Camp Carroll - Tân Lâm những 22 đại bác bao gồm 105 ly, 155 ly và 175 ly cơ mà.

Ông bạn Cục địch vận mách tôi tìm đến một nguồn. Tại đó tôi được tiếp cận với một cuốn tạp chí bìa đã cũ nát.

Đó là cuốn Đối Diện (số 45 ra tháng 4/1973) xuất bản ở Sài Gòn. Trong cuốn tạp chí này đăng hẳn một hồi ký có cái tựa là Trong niềm hòa hợp. Ngạc nhiên chưa? Tác giả chính là Phạm Văn Đính.

Ngạc nhiên, tưởng vị sĩ quan này chỉ thạo trận mạc nhưng lại có khiếu viết văn.

Thử đọc lại lời giới thiệu của Đối Diện khi cho đăng hồi ký này.

Nhìn vào thực trạng của đất nước hiện nay, mỗi con người có thiện tâm đều phải công nhận chỉ có tình thương đại lượng thì mới cứu vãn nổi đất nước dân tộc chúng ta trong giai đoạn này.

Mọi người đều công nhận không thể giải quyết vấn đề Việt Nam bằng quân sự mà cần phải tìm ra một Giải pháp chính trị. Nhưng cũng cần nhấn mạnh thêm không thể tìm ra một giải pháp chính trị nếu không có tình thương đại lượng lấp đầy hố sâu ngăn cách lòng người!

Đối Diện xin trưng ra một chứng cứ của tình thương ấy bằng việc giới thiệu với bạn đọc một hồi ký của trung tá Phạm Văn Đính, một sĩ quan Công giáo đã từng tham dự hết mình vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2. Và đặc biệt sau Tết Mậu Thân, lập chiến công vẻ vang nhất đã chỉ huy đại đội Hắc Báo tái chiếm Thành Nội và đích thân treo cờ lại trên Kỳ đài Huế. Rồi đến năm 1972 làm Trung đoàn trưởng 56 bộ binh (hết trích).

Hồi ký của Phạm Văn Đính viết gì?

Kể ra thì dài chỉ xin tóm tắt. Thời gian mang lon đại úy với chức vụ quận trưởng Quảng Điền năm 1967, Phạm Văn Đính đã khôn khéo giúp đỡ cho một cán bộ Việt Cộng (tên là Kỳ) khi cán bộ này bị bắt giam.

Tác giả Phạm Văn Đính đã dựa vào chức vụ quận trưởng để che giấu lý lịch thật của ông cán bộ Việt Cộng đó. Phạm Văn Đính đã viết thư riêng cho Trưởng ty cảnh sát địa phương. Nhờ đó mà ông Kỳ được đối xử tử tế không bị tra tấn, hành hạ thân xác. Ly kỳ hơn, vị cán bộ Việt Cộng đó nhờ sự giúp đỡ của trung tá Phạm Văn Đính mà sau đó đã thoát được trại giam Thừa Phủ và cả hai gặp lại nhau sau này!

Đối Diện cho đăng hồi ký này sau thời điểm Hiệp định Paris với ý đồ chỉ có tình thương đại lượng lấp đầy hố sâu ngăn cách lòng người! Chỉ bằng tình người thì mới xóa bỏ hận thù và hòa hợp dân tộc!...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.