Giải mã truyền thuyết Trâu vàng dưới đáy hồ Tây

Hoàng hôn hồ Tây Ảnh: Trường Phong
Hoàng hôn hồ Tây Ảnh: Trường Phong
TP - Thoảng nghe trong gió tiếng chuông Phủ Tây Hồ. Trong không gian trầm mặc của đền Kim Ngưu, người giữ đền kể chuyện về truyền thuyết Trâu Vàng. Những chi tiết đầy mê hoặc tồn tại đã nghìn năm, vẫn mờ ảo như sương khói hồ Tây. 

Nghìn năm truyền thuyết trâu vàng

 Đền Kim Ngưu nằm bên cạnh Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Cũng không nhiều người, đặc biệt là người trẻ để ý ngôi đền này. Nhưng, cùng với Phủ Tây Hồ, đền Kim Ngưu, theo nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ cũng đã nghìn năm tuổi. Ông Đàm Viết Hưng, 67 tuổi, trông giữ đền Kim Ngưu nhiều năm nay, bảo, trước đây ông được phân công viết công đức ở trên Phủ, nhưng do “tuổi cao, sức yếu”, nên được chuyển xuống đền Kim Ngưu để trông coi nhang đèn. Hầu như ngày nào  ông cũng thay rượu, dâng hương, dâng hoa trong đền.

Tính cả thời gian ở trên Phủ, ông đã phục vụ chốn này được 30 năm. “Tôi đi bộ đội về thì trông giữ ở đây, cũng chưa thấy có hiện tượng gì lạ”, ông nói, khi phóng viên hỏi về truyền thuyết Kim Ngưu. Nhà ông Hưng ở sát Phủ, ngay mép nước hồ Tây đã 5 – 6 đời. Bà cụ thân sinh ra ông Hưng cũng trông coi khu vực phủ, đền, đã 91 tuổi, vừa “nghỉ hưu” được vài năm.

Huyền tích Kim Ngưu được ghi trên tấm bảng vàng ngay cửa đền, rằng: Thần Trâu Vàng hồ Tây được truyền lại vào khoảng năm 1030 triều Lý. Ngày đó có vị thiền sư họ Phương, pháp danh Không Lộ, rất giỏi về nghề y, đã sang sứ nhà Tống chữa bệnh cho Hoàng tộc. Sau khi người nhà vua Tống khỏi bệnh, để tỏ lòng tri ân, vua Tống đặc ân cho sứ thần An Nam thích sản vật gì của Bắc quốc thì nhà vua sẽ tặng. Thiền sư Không Lộ tâu xin một ít đồng đen về đúc chuông kỷ niệm. Sau khi về nước, thiền sư cho đúc một quả chuông lớn, sau đó treo lên.

Khi thỉnh, tiếng chuông ngân vang sang tận Bắc quốc. Trâu vàng của vua Tống ngỡ là tiếng mẹ gọi, phi thẳng sang nước Nam. Đến khu vực rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long thì không còn tiếng ngân của chuông, Trâu vàng bị mất phương hướng, đã quần thảo khu rừng lim sụt thành hố nước mênh mông. Nhân sự kiện này, thiền sư cũng thả luôn quả chuông đồng đen xuống hồ, nơi đó chính là hồ Tây ngày nay. Qua gần một nghìn năm tồn tại và phát triển, câu chuyện này vẫn được lưu truyền cùng với sự trường tồn của ngôi đền Kim Ngưu. Thần Trâu Vàng đã được các triều vua nước Nam phong sắc “Trấn quốc phù lộ diên tường Đế quân”.

Giải mã truyền thuyết Trâu vàng dưới đáy hồ Tây ảnh 1

Đền Kim Ngưu nằm bên hồ Tây. Ảnh: Trường Phong

Có một chi tiết mà theo ông Hưng do các cụ kể lại, sự thực khu vực Hồ Tây trước đây là rừng lim. Còn việc hình thành hồ Tây là do vỡ đê, nước sông Hồng tràn vào, đến nay, ở gần khu vực hồ bơi Quảng Bá nước xoáy vào nên có độ sâu nhất, 18 – 20 mét, còn lại những khu vực khác chỉ vài ba mét. Ngay trước khu vực cửa đền Kim Ngưu, vào mùa nước cạn, có thể lội bộ ra giữa hồ, nước chỉ ngang người. “Nhà tôi mấy đời làm nghề đánh bắt cá ở hồ Tây. Các cụ ngày xưa đi đánh lưới, thỉnh thoảng vẫn mắc vào gốc cây lim ở dưới”, ông Hưng nói. Cũng theo ông Hưng, nếu theo tên gọi, hồ Tây gọi là “Dâm đàm” là sát thực nhất, vì vào mùa sương mù, nếu đi thả lưới sẽ không nhìn thấy gì. Người nào không quen, không có kinh nghiệm, chắc chỉ quay vòng vòng ở giữa hồ chứ không thể vào được bờ…

Giải mã huyền thoại?

Mang câu chuyện này đến hỏi chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, ông cũng kể lại một truyền thuyết giống người trông đền Kim Ngưu kể lại. Ông Biền bảo, sau khi nhận câu hỏi của phóng viên, ông cũng chỉ biết lục tìm trong ký ức, chứ cũng không còn biết trông cậy vào ai, vào nguồn nào, bởi đó là huyền sử.

Về truyền thuyết Trâu vàng, ông Biền kể thêm vài chi tiết, như ông Không Lộ ngả nón làm thuyền, mang đồng đen về nước. Trên đường về, ông gặp thủy quái, và ông dùng phép thuật chặt con thủy quái làm ba, nay trở thành một vài hòn đảo ngoài khơi của Việt Nam. “Rõ ràng rằng trong dân  gian có những truyền thuyết gắn với nhau. Chuông Quy Điền là có thật, vạc Phổ Minh là có thật. Tháp Báo Thiên cũng có thật. Nhưng về nghề đúc đồng thì có nhiều hư cấu, truyền thuyết.

Giải mã truyền thuyết Trâu vàng dưới đáy hồ Tây ảnh 2

Hai con trâu vàng trong khuôn viên đền Kim Ngưu Ảnh: Trường Phong

Như khi ông Không Lộ đúc cái chuông, đánh lên, trâu vàng bên Trung Hoa chạy sang. Có thể giải thích là chuông bằng đồng đen rất quý, linh thiêng. Khi sang đến vùng phía Bắc của Hà Nội, không nghe tiếng chuông nữa, nó giẫm nát cả rừng ở đấy tạo thành hồ nước. Con đường chạy của nó tạo thành sông Kim Ngưu”, ông Biền nói thêm. Cũng theo ông Biền, truyền thuyết kể lại, nhà vua e ngại có chuyện không hay, sai ném quả chuông xuống hồ. Con trâu vàng định vị chỗ đó, nhảy xuống hồ. Từ đó, hồ Tây gắn với truyền thuyết về trâu vàng.

Nhà nghiên cứu văn hóa lý giải, con trâu xưa nay được ví là đầu cơ nghiệp. Trâu vàng là chúa của loài trâu. Cho nên, khi thờ con trâu vàng là cầu mong cho hạnh phúc. Trái ngược với nó là con trâu trắng, người xưa có quan niệm không mang lại may mắn, thường gắn với lũ lụt. Vì thế, ở Hà Nội có tục gắn với việc thờ trâu, diễn ra vào dịp 30 Tết, gọi là “Đả xuân ngưu”.

Chung quy lại, ông Biền cho rằng, con trâu vàng nằm ở hồ Tây, ban phúc cho người dân và được người dân lập đền thờ. “Chúng ta hiểu được sự tích trâu vàng, nó như biểu trưng cho nguồn của cải, thúc đẩy kinh tế, mang lại mọi điều tốt lành cho cư dân. Vì thế nhiều người đến đó thành kính lễ bái trâu vàng”, ông Biền nói. Đến nay, liên quan đến truyền thuyết, người Việt vẫn nhắc đến sông Kim Ngưu, như một “bằng chứng” cho truyền thuyết này. “Có câu thơ: Nhị Hà quanh Bắc, sang Đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Nhị Hà dễ gây lũ lụt, còn Kim Ngưu, Tô Lịch lại là sông tiêu nước. Không có hai sông này thì Hà Nội “sống” thế nào được. Cho nên trong tâm hồn người Hà Nội, người Việt, lúc nào cũng nhớ đến sông Tô Lịch, Kim Ngưu”, ông Biền nói thêm.

Ông Biền cho rằng, những nhà nghiên cứu hiện nay không quan tâm nhiều đến việc giải mã những truyền thuyết, huyền thoại ngày xưa. Bởi, tất cả những truyền thuyết, huyền thoại đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, từ những yêu cầu tâm linh. Chúng ta phải có trách nhiệm giải mã, để trả lại những vấn đề thực tế diễn ra trong lịch sử, văn hóa thời xưa. Chỉ có như vậy mới biết được cuộc sống của cha ông ta thế nào, mới biết được giá trị văn hóa để giữ gìn, phát huy.  

MỚI - NÓNG