Giải mã trực thăng bán chạy nhất hành tinh
> VN từng sở hữu trực thăng lớn nhất thế giới
> Trực thăng tấn công WZ-10 của TQ lần đầu lộ diện
AH6i được bình chọn là trực thăng tốt nhất năm 2012. Tuy nhiên, loại trực thăng hiện giữ nhiều danh hiệu nhất thế giới chính là Mi-8 của Liên Xô trước đây, Nga ngày nay.
Trực thăng Mi-8 được sản xuất hàng loạt từ năm 1965. |
Ít ai biết một sự thật là trong lịch sử hàng không thế giới loại máy bay lên thẳng chiếm nhiều kỷ lục nhất như: được xuất xưởng với số lượng lớn nhất, được nhiều nước sử dụng nhất, có nhiều biến thể nhất, có lịch sử lâu đời nhất, phù hợp với nhiều loại khí hậu và địa hình nhất, thu được nhiều lợi nhuận nhất, thời gian từ khi ký hợp đồng đến lúc giao nhận máy bay ngắn nhất, có lịch sử lâu đời nhất lại là máy bay lên thẳng dòng M-8 của Liên Xô trước đây và của Nga hiện nay.
Hơn nửa thế kỷ trước, ngày 02-8-1962 mẫu đầu tiên của máy bay lên thẳng Mi-8 đã được thử nghiệm thành công. Đến cuối năm 1965, các máy bay này được sản xuất hàng loạt và cuối năm 1966 đã được đưa vào trang bị cho Quân đội Xô Viết.
Hiện nay, đây là loại máy bay lên thẳng có số lượng lớn nhất và được ưa chuộng nhất trên thế giới. Trong hơn nửa thế kỷ đã có hơn 13.000 máy bay kiểu này với hơn 130 biến thể đã được xuất xưởng.
Đây cũng là loại máy bay đem lại lợi nhuận nhiều nhất của Tập đoàn sản xuất máy bay lên thẳng “Vertoletyi Rossia” (Máy bay lên thằng Nga).
Đến thời điểm hiện tại, các tập đoàn con của “Vertoletyi Rossia” là “Ulan-Udenski aviasionyi zavod” (Nhà máy hàng không Ulan- Ude) và Tập đoàn “Kazanski Vertoletnyi zavod” (Nhà máy sản xuất máy bay lên thẳng thành phố Kazan) đã có đủ hợp đồng để sản xuất loại máy bay này trong 2 năm tới.
Mi-8 của Liên Xô tại Afghanistan. |
Mặc dù đã có các biến thể mới nhất của máy bay lên thẳng Mi-8 dùng cho cả quân sự và dân dụng như Mi – 171, Mi-172, Mi-8MTV-1, Mi-8MTV-2, Mi-8MTV-5 nhưng Tập đoàn “Moskovski Vertoletnưi zavod imenhi Milia” (Nhà máy sản xuất máy bay lên thẳng Matxcova mang tên Mil”) vẫn tiếp tục các công tác nghiên cứu, cải tiến loại máy bay này. Hiện Tập đoàn này đã bắt đầu lắp ráp mẫu thử nghiệm đầu tiên của phiên bản hiện đại hóa Mi-171A2.
Trong phiên bản mới này sẽ áp dụng hơn 80 cải tiến. Đó là kỹ thuật hàng không, sử dụng vật liệu composit để giảm đáng kể trong lượng kết cấu máy bay, hiện đại hóa toàn bộ các hệ thống chủ yếu và động cơ của máy bay. Những cải tiến này đã nâng cao đáng kể các đặc kính kỹ thuật- bay của máy bay với tổ lái rút gọn chỉ còn 02 người.
Biến thể Mi-14 hạ cánh trên mặt nước. |
Trong nửa thế kỷ qua, Quân đội Xô Viết và Quân đội Nga đã đưa vào trang bị 30 biến thể khác nhau của Mi-8. Trong số các biến thể đó có các máy bay tác chiến- vận tải, máy bay gây nhiễu, máy bay là các sở chỉ huy cơ động trên không, máy bay liên lạc, máy bay tìm kiếm- cứu nạn và nhiều loại khác. Dựa theo mẫu của Mi-8 dùng riêng cho không quân, các nhà máy Nga đã sản xuất thuỷ phi cơ lên thẳng có thể hạ cánh trên mặt nước Mi-14.
Hiện nay, một loạt các biến thể mới nhất của Mi-8 đang được đưa vào trang bị cho Quân đội Nga như Mi-9AMTSH và Mi-8MTV5-1. Các máy bay này đã bay trình diễn ngày 12/8 nhân ngày lễ “Bầu trời mở” tại sân bay Zukovski ngoại ô Moscow nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Không quân Nga.
Tại cuộc họp báo ngày 02-8-2012, đại diện Bộ quốc phòng Nga phụ trách Không quân đại tá V. Dric cho biết “đến cuối năm 2012, Không quân Nga đưa vào khai thác 50 Mi-8 với các biến thể mới nhất, và dến năm 2020 Không quân Nga có kế hoạch sở hữu 400 Mi- 8 mới”.
Như vậy, chỉ trong vòng vài năm tới, số lượng loại máy bay này trong trang bị của Không quân Nga sẽ tăng gấp 8 lần.
Biến thể Mi-17. |
Mi-8/Mi-17 cực kỳ dễ tính. Chúng có thể được sử dụng ở cả địa hình đài nguyên và vùng núi, cả ở phía Bắc lẫn phía Nam. Trong chiến tranh Afghanistan các phi công cũng nhanh chóng nhận ra rằng nó rất thích hợp với khí hậu khô nóng vùng sa mạc.
Nhiều phi công trong Quân đội Afghanistan đã từng được đào tạo tại các trường không quân Liên Xô ngoài việc thừa nhận những ưu điểm của Mi-17 còn đánh giá cao máy bay này do nó rất dễ sử dụng và có độ tin cậy cao. Ngay cả NATO và Mỹ cũng phải thừa nhận các ưu điểm nêu trên của Mi-17 và đồng ý mua để trang bị cho Không quân Afghanistan.
Tại triển lãm hàng không Le Bourget (Pháp) tháng 6-2011 Bộ quốc phòng Mỹ và “Rosoboroexport” (Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga) đã ký hợp đồng cung cấp 21 Mi-17 cho Quân đội Afghanistan. Hợp đồng còn kèm thêm điều khoản là phía Mỹ có quyền mua thêm 12 chiếc nữa.
Các máy bay Mi-17 đầu tiên theo hợp đồng Afghanistan đã nhận vào tháng 10-2011 và chỉ một vài tháng nữa là hợp đồng trên sẽ hoàn tất. Điều đáng chú ý là thời gian từ khi ký hợp đồng đến khi chuyển giao rất ngắn trong khi Mi-17 là loại máy bay hạng nặng với một khối lượng cực lớn các chi tiết đồng bộ, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ của nhiều xí nghiệp và quy trình sản xuất phức tạp, bao gồm không chỉ lắp ráp mà còn kiểm tra, thử nghiệm và bay thử.
Điều đó một lần nữa cho thấy rằng, việc sản xuất Mi-8 được tổ chức rất hoàn hảo. Chính vì vậy mà hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nhu cầu về Mi-8 sẽ tăng lên và cùng với nó số lượng Mi-8 bán ra cũng tăng lên.
Mi-17 được Mỹ mua cho Afghanistan. |
Tháng 02-2012 Lầu năm góc đã mua thêm 2 Mi-17 để thay thế cho 2 chiếc bị bắn rơi của Quân đội Afghanistan (theo điều khoản về quyền mua 12 chiếc trong hợp đồng ký tháng 6-2011).
Cho đến nay tổng sô Mi-17 mà Lâu năm góc mua của Nga đã là 33 chiếc và trong tương lai Mỹ cũng sẽ mua thêm Mi-17 để trang bị cho Quân đội Iraq và Pakistan vì các máy bay Mi- 8 của Nga rất thích hợp với điều kiện sa mạc.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất hàng năm của các xí nghiệp thuộc Tập đoàn “Vertoletyi Rossia” là từ 10 đến 30%. Dù nhu cầu đối với các máy bay lên thẳng của Tập đoàn ngày càng tăng không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài thì Tập đoàn này vẫn đủ năng lực sản xuất để đáp ứng.
Hiện Tập đoàn “Vertoletyi Rossia” đang tối ưu hóa quy trình sản xuất, tích cực thiết kế các biến thể mới, tự tin mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế. Với mô hình sản xuất linh hoạt như hiện nay, Tập đoàn này có thể đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng không những đủ mà còn trong một thời gian ngắn nhất.
Theo Hùng Lê
Đất Việt