Giải mã thành công ca trù

Bùi Trọng Hiền và những đào kép, quan viên đã được anh chỉnh huấn theo phương pháp tiếp cận mới. Ảnh: N.M.Hà.
Bùi Trọng Hiền và những đào kép, quan viên đã được anh chỉnh huấn theo phương pháp tiếp cận mới. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Sau khi UNESCO xác nhận ca trù đứng trước bờ vực thất truyền, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kịp thời đúc rút một hệ thống lý thuyết ca trù căn cứ theo tri thức của ba nghệ nhân cuối cùng. Áp dụng lý thuyết này, anh đã phục dựng thành công hát cửa đình cùng các đào kép sau 8 tháng chỉnh huấn.

Đào kép tham dự khóa học của anh đều đã làm nghề một thời gian khá dài. Sau khi học anh, họ có gì đổi khác?

Họ đều từng học nghệ nhân, đã được coi như đúng khuôn khổ. Nhưng khi nghiên cứu lý thuyết xong, tôi mới hiểu sự đúng đấy không chắc chắn. Ngày xưa các cụ được truyền nghề xong đi làm ở nhà hát hoặc cửa đình, luôn cọ xát với đàn anh đàn chị, liên tục giữ nghề và có chỗ dựa về nghề.

Đào kép bây giờ có thể học nghệ nhân đúng rồi nhưng sau đó tự đi đàn hát thì cảm nhận về âm luật dần dần mai một. Bởi âm luật của ả đào ngày xưa, các cụ không đúc kết mà chỉ truyền dạy tự giữ lấy với nhau. Còn tôi căn cứ vào lý thuyết của các cụ Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức cộng với thực tế băng âm thanh của các danh ca danh cầm đầu thế kỷ XX, đúc kết lại thành hệ thống âm luật gọi nôm na là lý thuyết cơ bản của âm nhạc ả đào. Thế nào là một khổ đàn khổ phách, thế nào là khổ sòng đầu, thế nào là khổ sòng cuối, thế nào là khổ lá đầu, khổ giữa, khổ xiết… Từ đó đưa ra những sơ đồ mặc định và sử dụng sơ đồ đấy để chỉnh huấn lại cho các đào kép để họ đàn hát đúng khuôn khổ cổ truyền.

Bên cạnh đó, học một nghệ nhân, họ chỉ biết đánh một kiểu theo nghệ nhân đó, bây giờ tôi đưa cho họ những mẫu khác để họ tham khảo, tạo cho họ một tiềm năng ngẫu hứng để cố gắng tiệm cận giá trị của cổ truyền. Chứ còn được như các cụ cổ truyền thì còn… 50 năm nữa.

Chứ không phải chỉ cần qua khóa học của anh có thể đàn hát chuẩn ca trù?

Không. Cái đấy còn phụ thuộc vào việc họ có tiếp tục trau dồi những gì đã học, họ có đất để diễn không. Phương pháp lý thuyết này chỉ vạch lối chỉ đường cho họ đi đúng hướng. Về đào kép thời nay, các nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức và Nguyễn Phú Đẹ nhận xét hầu hết đàn hát sai lệch so với khuôn khổ cổ truyền. Các cụ thường nói một câu là “các cô đào bây giờ hát không có phách”. Lúc đầu tôi cũng hoảng, không hiểu. Vì rõ ràng cô ấy vừa hát vừa đánh phách. Sau khi nghiên cứu tôi mới biết phách trong ả đào là một đường tuyến tiết tấu độc lập, đan xen trong câu hát. Ví dụ tôi hát một câu mưỡu, gần hết câu lục tôi phải luồn được khổ giữa phía dưới thì mới là người biết đánh phách. Điều này cho thấy ca trù rất khác với các thể loại nhạc khác. Đây không phải giai điệu và phần đệm. Đào kép đầu tiên phải học khổ đàn khổ phách. Sau khi nắm vững mới vào bài bản.

Anh nói như thể cô đào muốn hát chuẩn ca trù cũng phải học đàn?

Họ phải học “ca đàn”. Tức là khi cô đào đánh phách thì miệng phải hát giai điệu của đàn đáy. Để khổ phách của cô ấy khớp với khổ đàn và ngược lại người đánh đàn cũng phải biết khổ phách để đàn ăn khớp. Do đó, đào kép ngày nay học qua file (tệp) âm thanh thì có thể nhại lại nhưng khi thể hiện thì sai lung tung, do không nắm được nền tảng khổ phách khổ đàn.

Trong những tư liệu viết về ả đào hay các cụ nghệ nhân giảng đều nói rất rõ khổ phách khổ đàn phải không thừa không thiếu. Việc của mình là phải cụ thể hóa được điều đó.

Ả đào ngày xưa rất bí truyền, phổ biến hiện tượng nhất sư nhất sách. Mỗi nghệ nhân lại có một tên gọi khác nhau cho khổ đàn khổ phách… Điều đấy làm giới trẻ tiếp xúc với giá trị của cha ông khá là khó, không biết đâu mà lần. Nghiên cứu lý thuyết này tổng kết quá khứ và đưa ra một quan niệm chung nhất để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học cũng như để người nghe dễ tiếp nhận.

Sau khi làm việc với tôi, đào kép ý thức được giọng điệu họ đang chơi là gì. Ví dụ tôi đã làm rõ điệu mưỡu, hát nói chỉ có 3 nốt. Cái đấy là “bắt chước” ngành tuồng, ngành cung đình Huế- thính phòng Huế, tài tử cải lương và nhạc lễ Nam bộ. Những ngành âm nhạc cổ truyền kia, người đàn hát bao giờ cũng ý thức được giọng điệu của mình. Việc có hệ thống lý thuyết đi kèm làm cho việc học và truyền dạy cũng dễ. Ả đào từ xưa đến nay chỉ có mỗi tiếng tượng thanh của đàn đáy là tùng tang tếnh - rất trừu tượng và còn nhiều cái rất khó hiểu.

Giải mã thành công ca trù ảnh 1 Buổi trình diễn hát cửa đình của nhóm Phú Thị dưới bàn tay phục dựng của Bùi Trọng Hiền.

Việc tiếp xúc với nghệ nhân để rút ra được tinh hoa sót lại khó khăn đến đâu, thưa anh?

Năm 2005, có đề tài nghiên cứu ả đào, tôi bắt tay làm ngay nhưng khi tiếp xúc với một cao thủ ả đào, bà lưỡng lự, không muốn dạy. Bà bắt tôi phải đi xin phép… con nuôi của bà. Tôi cất công quỵ lụy đến nhà con nuôi của bà thuyết phục nhưng họ cũng khéo léo đá sang sân khác. Tôi bỏ cuộc vì nản. Đó mới chỉ là một ví dụ để thấy tiếp cận ca trù thực sự khó khăn so với các thể loại âm nhạc khác tôi từng nghiên cứu.

Cũng do lịch sử bi kịch của ca trù: đang làm ăn phát đạt (ngày xưa từ miền Bắc trở vào đến Hà Tĩnh, Nguyễn Đôn Phục viết, trung bình mỗi huyện có 2 làng ả đào tức là 2 giáo phường) bỗng bị xã hội hắt hủi. Cỡ danh ca như Quách Thị Hồ được Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát nâng đỡ mới được thu ở đài phát thanh vài ba bài lưu lại tới ngày nay, còn bị quan chức Bộ Văn hóa mạt sát thậm tệ: “Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến. Cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu ra hoa mà nở”. Còn bà chỉ cười: “Để rồi xem hoa có nở không”... Lưu Trọng Văn ghi lại giai thoại đấy. Nên các nghệ nhân bây giờ có khó tính, mình hoàn toàn thông cảm. Nói thế để thấy rất nhiều nguyên nhân khiến những người nghiên cứu ca trù không bao giờ chạm được đến tận cùng như tôi bây giờ...

Cho đến 2014. Tôi biết không thể đừng được. Tôi gạt mọi cảm xúc ra ngoài. Vì lúc đấy chỉ còn cụ Đẹ có thể giả lời những thắc mắc của tôi. Liên hoan Ca trù năm đấy tôi ngồi chấm thi cùng ông. Thú thật có rất nhiều điều khi đấy tôi chỉ cảm thấy hay và không hay chứ rất nhiều yếu tố đúng sai tôi không nhận ra. Rồi từ rất lâu nhiều người đánh trống chầu mình tưởng rất giỏi, nhưng hỏi bà Chúc, bà bảo: “Ông ấy có biết đánh đâu, ông đánh tôi khó hát lắm, ông ấy toàn vả vào mồm tôi thôi”...

Cho nên một tuần sau Liên hoan, tôi quyết định lên đường mở cuộc điền dã lớn với cụ Đẹ, tiến công vào quá khứ. Phát hiện ông còn nắm giữ cả một kho tàng hát cửa đình. Lập tức tôi về Hải Phòng thuyết phục chị Đỗ Quyên (trưởng nhóm ca trù Hải Phòng - PV) xuất quân học ông 4 tháng để có cuộc phục dựng lần thứ nhất. Sau đó mỗi lần tìm được tư liệu nào ký âm phân tích xong tôi lại cầm tư liệu về cho ông nghe để thẩm định. Cuối 2015 hoàn thành nghiên cứu cơ bản. Vừa xong, ông tai biến mạch máu não. Hai tuần sau đến lượt tôi chảy máu dạ dày.

Đấy là cuộc lội ngược dòng khủng khiếp, nhọc nhằn, vì tôi vào muộn quá. Tư liệu thì hiếm, cái đi xin, cái được cho, cái phải mua, cái phục chế từ những cuốn băng cũ mốc trắng. Hai tuần thức trắng cứu được đống băng thì mới ra một lối hát cửa đình nữa theo bài bản của gia đình ông Đinh Khắc Ban ở Vĩnh Phúc. Khi đem về cho cụ Đẹ nghe, có bài cụ còn không biết.

Cảm ơn anh!

Đột phá trong truyền dạy ca trù

Thành quả nghiên cứu Bùi Trọng Hiền vừa công bố mang tính chất đảo lộn những gì vẫn được biết về ca trù. Anh đã làm sáng tỏ khổ đàn và khổ phách- là những cấu kiện cơ bản làm nên ca trù. Từ đó, GSTS Tô Ngọc Thanh nhận định: “Cũng đã được nghiên cứu nhiều nền âm nhạc, tôi thấy cái này ít nơi có lắm. Nếu chúng ta thành công với phương pháp mô hình hóa này thì chúng ta có thể truyền dạy ca trù nhanh hơn, đúng hơn và ca trù được giữ gìn không phải trên từng bài hát mà trên quy luật. Đấy chính là chỗ mạnh, chỗ có trí tuệ của ca trù”.

GS Thanh cho biết thêm: “Khoa học xã hội là những vết xe đi, nhiều khi người ta đi vào vết xe cũ. Tốt thôi, nhưng không có phát hiện. Tôi tin rằng đây là một phát hiện. Người ta thường bảo rằng âm nhạc dân gian là âm nhạc của dân, không phải bác học. Tôi cho rằng nếu chúng ta phát hiện được quy luật này thì nhạc chúng ta cũng là bác học”. GSTS Vũ Nhật Thăng cũng đề nghị công trình của Bùi Trọng Hiền phải được xuất bản ngay và cho rằng:  “Những ai muốn góp ý về vấn đề này chắc cũng phải đọc thêm độ 1-2 năm, chứ không dễ chút nào”.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: “Ước gì dự án này được Bộ Văn hóa tiếp tục ở nhiều địa phương khác nhau để có thể làm sống lại đích thực âm nhạc ca trù”. Bản thân Bùi Trọng Hiền khẳng định tạm ngưng việc đào tạo để tiếp tục trở về nghiên cứu. Vì phát hiện về khổ đàn khổ phách tuy cốt yếu nhưng theo anh chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng lý thuyết ca trù.

MỚI - NÓNG