Khởi nghiệp
Tào Tháo bắt đầu con đường làm quan nhờ được đề cử làm Hiếu liêm. Thời Đông Hán, cách thức lựa chọn nhân tài phần lớn dựa vào tiến cử. Mỗi năm, Thái thú của mỗi quận có quyền tiến cử một người có đủ các phẩm chất của “hiếu tử” và “liêm sĩ” (nói chung là phẩm chất đạo đức tốt) để vào triều làm quan. Người này được gọi là Hiếu liêm.
Và vì là “tiến cử”, nên ngoài thực học thì “quan hệ” và “xuất thân” cũng rất quan trọng. Tào Tháo xuất thân tốt, nên đã lọt vào “danh sách đề cử”vốn có tỷ lệ hai mươi vạn người chọn một ấy. Ngược lại, người có tài, nhưng không được ai tiến cử, thì cơ hội làm quan cũng rất thấp. Và điều này ứng rất đúng vào trường hợp của Lưu Bị. Trong lúc Tào được tiến cử, thì Lưu làm gì? Không có xuất thân tốt, Lưu Bị chỉ có thể đi học - con đường phổ biến của giới sĩ tử hàn môn. Cũng may mà còn chút danh tiếng họ Lưu, nên Lưu Bị được đi học chung với Công Tôn Toản, được thờ danh tướng dẹp khăn vàng Lư Thực làm thầy. Mở đầu đường quan chức, Lưu đã bất lợi hơn Tào một bậc.
Lập danh trong thời bình
Nhờ vào tiến cử, Tào Tháo được nhậm chức ngay. Chức vụ đầu tiên này không hề tầm thường. Nó là một thực chức: Bắc Bộ Úy Lạc Dương (tương đương với “Cảnh sát trưởng Bắc khu Thủ đô”). Vì Lạc Dương là đế đô, nên về mặt danh vọng và bổng lộc, chức nàykhông thấp hơn Thái thú của một quận trung hoặc quận nhỏ.
Trong lúc này, một hoàng thất “bắn đại bác mới tới” như Lưu Bị rốt cuộc cũng không thể tận dụng cái họ Lưu của mình để giành lấy cơ hội thăng tiến. Còn Tào Tháo, đã tận dụng thời gian tại chức để thu phục dân tâm, tạo nên uy vọng, sửa sang trị sự, khiêu chiến Thập Thường Thị, giành lấy tiếng tăm tốt đẹp. Về cơ hội tiến thân, Lưu lại chậm hơn Tào hai bước.
Hoàn cảnh trái ngược đã tác động đến con đường dựng nghiệp của hai đại nhân vật.
Lập công trong thời chiến
Nếu không có loạn Khăn Vàng, thì thật khó nói về cơ hội quật khởi của Lưu Bị. Có thể Lưu sẽ vẫn chỉ là anh sĩ tử đi học rồi sau mấy năm được tiến cử làm một chân thư lại cấp huyện cũng đã là may mắn. Nhưng Hoàng Cân khởi nghĩa đã đem lại cho Lưu Bị cơ hội lập quân công. Sau khi tập hợp bộ thuộc, Lưu đi theo Hiệu úy Trâu Tĩnh đánh dẹp, có công nên được thăng làm Huyện Uý huyện An Hỉ, trực thuộc Trung Sơn quốc của Ký Châu (chức Huyện Uý tương đương “Trưởng Công an huyện”. Ở huyện thì đứng đầu là Huyện Lệnh, văn có Huyện Thừa mà võ có Huyện Úy). Tuy đã bắt đầu có chức, nhưng thiếu "xuất thân" và "quan hệ", con đường của Lưu Bị vẫn lắm nhọc nhằn. Sau khi tiếp tục lập công ở Đan Dương dưới trướng Quán Khâu Nghị, Lưu Bị cũng chỉ được phong làm Huyện Úy huyện Cao Đường - thực chất là "đi ngang", chức không lên không xuống, đã vậy còn phải rời xa quê hương Trác quận.
Vậy còn Tào Tháo? Khi giặc Khăn Vàng vừa xuất hiện, Tào chưa cần làm gì đã được phong ngay làm Kỵ Đô Úy (phụ trách kỵ binh của một Quận). Và khi Tào lập quân công ở Dĩnh Xuyên, bèn được phong ngay làm Quốc Tướng của Tế Nam. Tế Nam quốc gồm đến 10 huyện, chức vụ của Tào Tháo vì thế tương đương với “Chủ tịch tỉnh”, nó cao hơn rất nhiều chức Huyện Úy –“Trưởng Công an huyện” của Lưu Bị.Sau mấy lần lập công nữa, khi Lưu Bị lên được chức huyện lệnh huyện Bình Nguyên, rồi Bình Nguyên Quốc Tướng (tương đương Thái Thú một quận trung ở Thanh Châu), thì Tào Tháo đã được phong là Thái thú Đông quận (chủ một quận lớn ở Duyện Châu, Trung Nguyên). Đường hoạn lộ của Lưu vẫn cứ sau Tào ba bước.
Nhưng đến lúc đó thì vốn liếng về danh tiếng và quan hệ trong thời kỳ này đã được Tào Tháo tích lũy đủ, Tào cáo bệnh về quê, còn Lưu vẫn cứ chật vật trên quan trường. Thành ra, trong những người có tư cách và sức hiệu triệu quần hùng trong cuộc chiến chống Đổng Trác, có tên của Phấn Vũ Tướng Quân Tào Tháo, nhưng lại chẳng hề có tên Lưu Bị. La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đã mượn quan hệ Lưu Bị - Công Tôn Toản mà cho ba anh em Lưu-Quan-Trương được xuất hiện trong lều của liên quân Quan Đông để tham gia một sự kiện lớn tiền Tam Quốc, âu cũng là một điều an ủi cho Tiên chủ của nhà Thục Hán vậy.
Nếu không có loạn Khăn Vàng, thì thật khó nói về cơ hội quật khởi của Lưu Bị.
Kết
Rõ ràng, “xuất thân” và “quan hệ” khác nhau đã đem lại những thành quả thực tế rất khác nhau đối với hai kiêu hùng Lưu Bị và Tào Tháo –hai kẻ vốn có lý tưởng và năng lực không quá chênh lệch nhau. Định kiến về xuất thân của Bị và Tháo, đã đến lúc cần phải được xem xét lại.
Tào Tháo là điển hình của người có gia thế, có tài năng và lý tưởng, lại có quan hệ sâu rộng, dành được uy vọng trong lòng dân chúng cũng như một bộ phận giới quan lại, sĩ tộc trẻ tuổi và có hoài bão. Đó chính là tiền đề khiến cho rất nhiều nhân tài sau này lựa chọn về dưới trướng của Tào. Lưu Bị không thua kém Tào Tháo về lý tưởng và năng lực, nhưng Lưu kém Tào ở vấn đề “xuất thân” và “cơ hội thể hiện”.
Khi những danh sĩ như Tuân Úc, Trình Dục, Quách Gia...lựa chọn Tào Tháo, họ đâu có biết Lưu Bị là ai? Khi Khổng Dung ở Bắc Hải bị vây khốn và cầu cứu Lưu Bị, thậm chí Lưu đã nói: “Khổng Bắc Hải cũng biết đến Lưu Bị à”? Câu nói cho thấy rõ, lúc đó Lưu cần danh tiếng và Lưu chưa hề có danh tiếng lớn. Lưu Bị, vì vậy đơn giản là phải dùng tận năng lực để phấn đấu và dựng nghiệp mà thôi.