Giải mã sức sống Dải Gaza và chiến dịch đột kích Israel

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại sao một nhóm chiến binh Hamas ở Dải Gaza sử dụng vũ khí thô sơ, tự chế lại áp chế được một trong những loại khí tài mạnh nhất thế giới, hàng rào tỷ đô và hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) được mệnh danh “không thể xuyên thủng”?

Vũ khí của Hamas chủ yếu là gậy, đá, nỏ cao su, súng AK47 và M16. Cứ hai chiến binh dùng chung một khẩu súng không đủ đạn. Ngoài ra, có thêm rốc-két Qassam-1 tầm bắn tương đương súng cối. Lực lượng Hamas có chưa đến 40.000 nhân viên vũ trang bán thời gian, 70% trong số đó không có cơm ăn, ngày thường đào hầm kiếm sống, khi nào đánh nhau thì Hamas mới tuyển dụng họ.

Vùng đất bị phong tỏa, chiến sự liên miên

Dải Gaza nằm trên bờ biển Địa Trung Hải chỉ dài 40km, rộng hơn 9km, có diện tích gần 363 km2, dân số khoảng 2,3 triệu người. Sau Thế chiến thứ hai, nước Anh suy yếu nghiêm trọng và không còn đủ sức mạnh để kiểm soát khu vực thuộc địa của Anh ở Trung Đông, nơi có người Ả-rập Palestine và người Do Thái sinh sống chan hòa với nhau hàng chục thế kỉ. Vương quốc Anh giao vùng đất này cho Liên Hợp Quốc xử lí. Những chính sách can thiệp như chia cắt cơ học, tín ngưỡng Zion, đặc biệt là văn hóa thượng đẳng là căn nguyên để người Do Thái và người Ả-rập Palestine rơi vào thảm cảnh huynh đệ tương tàn.

Tháng 11/1947, Liên Hợp Quốc quyết định, khu vực Palestine được chia làm hai phần để chuẩn bị thành lập hai nhà nước, một nhà nước Do Thái được phân bổ 14.942 km2, một nhà nước Ả-rập được phân bổ 11.203 km2. Khi nghị quyết này được đưa ra, người Do Thái rất vui mừng, vì sau gần 3.000 năm lưu vong, giờ đây cuối cùng họ đã có chỗ đứng vững chắc. Vì vậy, trong vòng vài tháng kể từ khi có nghị quyết, người Do Thái nóng lòng muốn tuyên bố thành lập nhà nước Israel.

Nhưng các nước Ả-rập xung quanh không chấp nhận. Ngay sau khi nhận được tin thành lập nhà nước Israel, Ai Cập, Syria, Jordan, Li-băng, Iraq cùng với người Ả-rập ở Palestine hợp sức đánh Israel. Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất xảy ra. Được sự hậu thuẫn của Mỹ, Israel dễ dàng giành thắng lợi, chiếm được 6.700 km2 đất của người Palestine.

Cứ như vậy, sau 5 cuộc chiến tranh Trung Đông, Israel đã chiếm 97% đất của người Palestine được Liên Hợp Quốc chia (từ 11.203 km2 giờ chỉ còn 363 km2). Tại những vùng đất chiếm được, chính quyền Israel cho xây dựng các khu định cư của người Do Thái, người Palestine phải sống tị nạn ở chính quê hương của mình, hoặc phải rời bỏ sang Jordan, Li-băng, Ai Cập, Syria. Những người Palestine không bỏ chạy được bị dồn vào Dải Gaza, nơi đây trở thành khu ổ chuột lớn nhất thế giới.

Năm 1967, Israel thấy Palestine, Ai Cập, Jordan, Syria đang “mài dao” nên quyết định tấn công trước. Được sự hỗ trợ của Mỹ, trong 6 ngày, Israel chiếm luôn Cao nguyên Golan ở Syria, bán đảo Sinai ở Ai Cập, phần đất thuộc Bờ Tây Dải Gaza của Palestine. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải họp khẩn, thông qua Nghị quyết 242, yêu cầu Israel dừng lại và rút khỏi lãnh thổ các quốc gia khác mà Israel đã chiếm đóng trong 6 ngày Chiến tranh Trung Đông lần 3.

Giải mã sức sống Dải Gaza và chiến dịch đột kích Israel ảnh 1

Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn rốc-két phóng từ Dải Gaza hôm 8/10. Ảnh: Reuters

Sau khi chiếm Dải Gaza, Israel phá bỏ nhà cửa của người dân địa phương, nhanh chóng xây dựng các khu định cư Do Thái, số người Palestine còn lại bị nén chặt vào 363 km2 ở Dải Gaza. Khi đó, người Palestine mới hiểu rằng, muốn đấu tranh cho quyền và lợi ích của mình, bắt buộc phải có thực lực. Vì vậy, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được thành lập do lực lượng Fatah đại diện; những cuộc biểu tình và tấn công đã buộc Israel kí Hiệp định Oslo 1993. Chủ tịch PLO Yasser Arafat chấp nhận đổi đất lấy hoà bình. Người Palestine phải công nhận Israel là một quốc gia, phần đất Israel chiếm từ trước năm 1967 sẽ thuộc về Israel, phần đất chiếm đóng từ 1967 trở đi, Israel phải từng bước rút khỏi, bao gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza.

Thực tế Israel không rút; căng thẳng cứ tiếp tục leo thang. Lực lượng Hamas không công nhận Israel, thực hiện nhiều vụ đánh bom liều chết, quyết tâm phá vỡ tiến trình hòa bình. Năm 2007, Israel bắt đầu phong tỏa Dải Gaza nghiêm ngặt như kiểu phong tỏa COVID-19, đến nay đã là 16 năm.

Dân Dải Gaza chỉ sợ sống chứ không sợ chết

Về đất liền, Dải Gaza chỉ giáp hai quốc gia là Ai Cập và Israel, trên biên giới với Israel có hai cảng xuất nhập cảnh, sau năm 2007 bị Israel đóng cửa. Dọc đường biên giới, Israel xây dựng một bức tường bê tông dây thép gai cao 8 mét cùng hệ thống tháp canh cao 10 mét, bố trí lính canh 24/24 giờ, bất cứ người Gaza nào vượt biên cũng sẽ bị lính bắn chết bằng hai phát đạn.

Là quốc gia công nghệ nổi tiếng, Israel còn phát minh ra hệ thống súng máy robot gây chấn động quốc tế. Một hàng rào điện tử được thiết lập, camera giám sát mọi chuyển động, thiết bị điện tử dò sóng 3-5G cực mạnh. Khi camera phát hiện đối phương, tín hiệu được truyền về trung tâm xử lí, súng máy robot ngay lập tức nhả đạn tiêu diệt.

Giải mã sức sống Dải Gaza và chiến dịch đột kích Israel ảnh 2

Một người Palestine lùa dê qua đường hầm nối Dải Gaza với Ai Cập. Ảnh: AP

Israel luôn có tàu hải quân theo dõi bờ biển Dải Gaza, chỉ cho phép tàu cá đánh bắt trong phạm vi 4,8 km, vượt quá sẽ bị bắn. Với 2,3 triệu người, đánh bắt cá giới hạn 4,8 km, chỉ hai năm sau, Dải Gaza hết sạch cá tôm, đến rong rêu cũng không còn. Về không lưu, sân bay duy nhất ở Dải Gaza đã bị Israel ném bom vào năm 2001; bầu trời Dải Gaza bị Israel kiểm soát. Israel phong toả Dải Gaza với niềm tin sớm muộn gì Hamas cũng sẽ cạn kiệt đạn dược và sức lực, sẽ tự sụp đổ vì đói ăn.

Tuy nhiên, sự phong tỏa nghiệt ngã này lại đẩy người dân Palestine về phía Hamas, khiến các chiến binh càng nung nấu quyết tâm chiến đấu. Người dân Dải Gaza chỉ sợ sống chứ không sợ chết. Không thể trốn thoát bằng đường bộ, đường biển, đường không, người Palestine nghĩ ra cách chui xuống đất. Trong vài năm, 1.700 hệ thống hầm ngầm đến Ai Cập đã được đào. Lương thực, thực phẩm, quần áo, ô tô, xe máy, thậm chí cả việc kết hôn với người nước ngoài cũng được thực hiện qua các đường hầm này. Có đến 15.000 lao động trẻ tham gia đào hầm, mỗi ngày họ được trả 20 đô la.

Hamas đã sử dụng hệ thống hầm ngầm để mua bán vũ khí. Hamas còn đào rất nhiều hầm ngầm đến Israel để tấn công liều chết. Sau đó, Israel phát hiện mạng lưới ngầm này, tổ chức ném bom, bơm nước ngập lụt hoặc đóng cửa. Do số lượng hầm ngầm quá nhiều, tốc độ đào quá nhanh, Israel không tài nào xoá nổi, đành phải xây một bức tường bê tông sâu 8 mét dọc biên giới đất liền giữa Israel và Dải Gaza, đào thêm một dòng sông nhân tạo rộng hơn 100 mét ở biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập.

Vòm Sắt bị xuyên thủng

Năm 2001, Hamas loay hoay với các loại vũ khí thô sơ, loại hiện đại nhất là rốc-két Qassam-1 với tầm bắn ngang súng cối xa khoảng 2km, được sản xuất trong gara, đầu đạn chứa 3kg thuốc nổ TNT. Sau đó, Hamas phát minh ra bệ phóng mới, bắt đầu bằng việc mua một loạt ống dẫn nước bằng thép được sản xuất bởi nhà máy Lai Dương ở Trung Quốc. Nhiên liệu đẩy sử dụng phân bón hoá học trộn với đường phèn. Hamas nâng cấp rốc-két lên Qassam-2, rồi Qassam-4 với tầm bắn 17 km và tốc độ vượt âm thanh Mach-1, với chi phí thấp đến kinh ngạc. Nếu tính với đầu đạn Qassam-4 thì tổng chi phí 800 đô la.

Israel bắt buộc phải tìm cách đánh chặn. Lúc đầu, Israel định mua hệ thống Patriot của Mỹ, nhưng một quả tên lửa 3 triệu đô la đổi lấy một quả Qassam 800 đô la thì quá đắt. Ngoài ra, các chiến binh Hamas sẽ chạy ra gần biên giới, chớp nhoáng dựng mấy thanh sắt trong vài phút và bắn; thời gian quá nhanh và khoảng cách quá gần, Patriot không kịp trở tay.

Israel đành phải nghĩ cách khác. Nhờ sự giúp đỡ của Mỹ, Israel đã phát triển hệ thống phòng không Vòm Sắt, sử dụng radar đa nhiệm ELM2084, có thể phát hiện đạn pháo cách xa 100 km, máy bay, tên lửa cách xa 350 km. Mỗi hệ thống Vòm Sắt có thể xử lí 200 mục tiêu đạn pháo hoặc 1.200 mục tiêu máy bay, tên lửa mỗi phút. Tên lửa Vòm Sắt có tầm bắn lên tới 70 km, đủ để bảo vệ khu vực rộng khoảng 150 km2 khỏi bị tấn công. Trong cuộc xung đột năm 2021, Hamas bắn hơn 3.000 rốc-két vào Israel trong một tuần, một thời điểm bắn 800 quả cùng lúc. Vòm Sắt đánh chặn thành công 90%, chỉ 10% không bị đánh chặn là do hệ thống này phát hiện rốc-két rơi xuống bãi đất trống nên bỏ qua. Nhưng Vòm Sắt có một nhược điểm là chi phí vẫn cao, phóng tên lửa tốn khoảng 80.000 đô la.

Và sáng 7/10, Hamas bắn 5.000 quả rốc-két Qassam-4 trong vòng 20 phút, Vòm Sắt bị xuyên thủng. Trước đó, Hamas giả vờ chán nản đánh nhau và muốn quay về chính trị giành ghế lãnh đạo. Tình báo Israel nghe trộm được cuộc điện thoại tậm tịt của quan chức cấp cao Hamas nói với nhau rằng, rất may nhờ sự khôn khéo ứng xử mà tránh được cuộc xung đột vào tháng Năm năm ngoái. Israel chủ quan đến mức cho rút hết quân khỏi đường biên giới, đặt niềm tin hoàn toàn vào camera giám sát, hệ thống cảm biến, cùng súng máy hoạt động từ xa. Vấn đề là hệ thống này quá hiện đại, phụ thuộc vào sóng 1G-5G, vào tín hiệu điện tử. Hamas đã tận dụng sơ hở này.

Sáng 7/10, Hamas sử dụng máy bay không người lái loại đơn giản gắn chất nổ lao đến và cho nổ tung các trạm camera quan sát. Súng máy robot không nhận được video nên cứ nằm im. Hamas dùng máy ủi húc đổ từng đoạn của bức tường bê tông. Cuộc tiến công đường bộ với hàng ngàn binh sĩ bắt đầu. Hải quân là những chiếc mảng hay thuyền thô sơ vượt biển. Không quân chính là dù lượn trò chơi. Như vậy, cuộc tiến quân tổng lực của Hamas đã tiến sâu vào lãnh thổ Israel 72 km mà không gặp phải kháng cự.

Sức mạnh quân sự giữa Israel và Hamas chênh lệch hàng ngàn lần. Chưa kể Dải Gaza đã bị phong tỏa 16 năm.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.