Từ đầu tháng 12 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 6.582 tỷ đồng trên HoSE. Tính từ đầu năm, giá trị bán ròng đã hơn 20.731 tỷ đồng. Nếu đà bán ròng tiếp tục nối dài, thành quả mua ròng của năm 2022 (gần 28.319 tỷ đồng) sẽ bị đe doạ.
Trong đó, EIB bị xả mạnh nhất, giá trị bán ròng trong năm nay đã lên 5.126 tỷ đồng. MWG theo sau với giá trị 3.159 tỷ đồng, tiếp theo là VPB (3.038 tỷ đồng); STB (2.414 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ FUEVFVND (2.314 tỷ đồng)…
Khối ngoại bán ròng cục bộ ở một số cổ phiếu (thống kê: Vietstock). |
Việc khối tập trung bán ròng cục bộ ở một số cổ phiếu phản ánh phần nào hoạt động tái cơ cấu danh mục. Lý giải cho hành động của khối ngoại, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (Chứng khoán SSI) - nhận định, diễn biến này đến từ sự đảo chiều rút ròng các quỹ ETF (hoán đổi danh mục), và xu hướng (rút ròng) chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi.
"Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, trong khi đó chính sách tiền tệ của Việt Nam có phân kỳ. Việc bán ròng còn một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh ở 3 tháng 11/2022, 12/2022 và tháng 1/2023 với tổng giá trị lên đến 32.500 tỷ đồng", bà Phương chỉ ra.
Kể từ giữa năm, theo bà Phương, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia đang phát triển nói chung cũng chứng kiến xu hướng rút ròng của khối ngoại. Dòng tiền quay ngược trở lại thị trường Mỹ (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ tiền tệ).
Từ đầu quý II đến nay, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại duy trì ổn định quanh ngưỡng 8%. Theo đó, tác động đến thị trường, điểm số không lớn. Ảnh hưởng chỉ tác động đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân, khiến thị trường diễn biến thận trọng kéo dài.
|
Những năm gần đây, diễn biến của VN-Index không đồng pha với giao dịch khối ngoại. |
Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán Smart Invest - cũng nhận định, từ sau COVID-19, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại suy giảm so với nhà đầu tư trong nước. Từ năm 2019 đến nay, diễn biến của VN-Index không đồng pha với giao dịch khối ngoại. Khối ngoại không phải người quyết định xu hướng giao dịch.
Ông Khánh dự báo, lượng bán tối đa của khối ngoại trong đợt này có thể thêm 10.000 - 20.000 tỷ đồng. Tối thiểu, khối ngoại còn bán khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị bán ròng đợt này tương đương số mua ròng năm ngoái, 28.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng, ảnh hưởng từ việc bán ròng của khối ngoại lên thị trường chứng khoán trong nước không đáng kể. Ảnh hưởng chủ yếu ở mặt tâm lý. Dòng vốn ngoại bán ròng trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam tăng trưởng chậm hơn nhiều thị trường. Tính từ đầu năm, khi Mỹ và châu Âu phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh thì chỉ số Dow Jones của Mỹ, STOXX 600 của châu Âu đã tăng lần lượt 12,41% và 9.77%; trong khi đó VN-Index của Việt Nam chỉ tăng 6,34%.
11 tháng qua, giá trị bán ròng của khối ngoại tại Việt Nam thấp hơn nhiều thị trường khác. Cụ thể trong khu vực Đông Nam Á, xu hướng rút ròng nổi bật ở thị trường Thái lan lên tới 5,4 tỷ USD so với mức rút ròng tại Việt Nam (554 triệu USD), Indonesia (877 triệu USD), Philippines (855 triệu USD).