Giải mã đạn bọc chất chống dính xuyên thấu áo giáp

Giải mã đạn bọc chất chống dính xuyên thấu áo giáp
TPO - Xoong, chảo chống dính được tráng một lớp Teflon - chất được dùng để bọc loại đạn có thể bắn thủng áo giáp. Đây cũng là những nghi ngờ, tranh cãi của nhiều người sau khi xem bộ phim truyền hình Mỹ nổi tiếng “Castle”.

Trong bộ phim truyền hình Mỹ nổi tiếng “Castle” (đang được trình chiếu trên nhiều website, kênh truyền hình online của Việt Nam với tên gọi “Nhà văn phá án”) có đoạn mafia xả súng vào xe cảnh sát, làm bị thương một đặc vụ FBI và một người thuộc chương trình bảo vệ nhân chứng.

Trước thắc mắc của nhà văn Castle “sao xe lắp kính chống đạn mà vẫn bị đạn xuyên phá”, một cảnh sát trả lời rằng, hung thủ dùng đạn Teflon. Chính những chi tiết như vậy trong phim ảnh, báo chí, chương trình truyền hình khiến nhiều người ngộ nhận rằng, Teflon giúp đạn có tính năng xuyên phá dữ dội, có thể bắn vỡ kính chống đạn, xuyên qua áo giáp…

Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tại Mỹ, người ta tranh cãi nhiều về những viên đạn tráng Teflon. Một số bài báo thậm chí còn gán cho chúng biệt hiệu “đạn diệt cảnh sát”.

Trước đó, vào thập niên 60, một công ty ở bang Ohio của Mỹ tên là KTW (đặt theo họ của 3 người sáng lập - Kopsch, Turcos và Ward) cố gắng sản xuất loại đạn có tính xuyên phá tốt hơn. Thời đó, đạn súng ngắn thông thường chủ yếu được làm từ chì, nên dễ biến dạng khi chạm phải bề mặt cứng như cửa xe, kính chắn gió… mà việc biến dạng làm giảm tính hiệu quả của phát đạn (không xuyên sâu hoặc trượt đi).

KTW cố gắng chế tạo ra loại đạn tốt hơn để các sở cảnh sát ở Mỹ sử dụng. Trong thực tế, một trong ba người sáng lập, Daniel Turcos, lúc đó là trung úy cảnh sát, và hai người còn lại làm việc trong văn phòng điều tra những cái chết bất thường trực thuộc Sở Cảnh sát Ohio. Đầu tiên, họ thử nghiệm loại đạn làm từ hợp kim gốc Vonfam được nung kết, nhưng rồi họ bỏ kế hoạch vì loại hợp kim cứng này khan hiếm và đắt đỏ. Cuối cùng, họ thiết kế một loại đạn gồm lõi thép với lớp ngoài bằng đồng thau đã được tôi (cứng hơn bình thường).

Loại đạn mới có độ xuyên tốt hơn đạn chì, nhưng cũng có nhược điểm. Đó là lớp đồng cứng bên ngoài viên đạn ma sát nhiều với hệ thống rãnh xoắn trong nòng súng. Sự mài xát này khiến nòng súng chóng hỏng hơn.

Giải mã đạn bọc chất chống dính xuyên thấu áo giáp ảnh 1

Một số loại đạn bọc Teflon (Ảnh: Shotgun World)

Vì vậy, các nhà phát minh đã bọc lớp ngoài viên đạn bằng Teflon vì nó rất trơn. Đây là một trong những chất bôi trơn tốt nhất mà con người biết đến. Đây cũng là lý do tại sao Teflon được dùng để tráng bề mặt xoong, chảo chống dính.

Các nhà phát minh cũng để ý một thực tế là đầu các cây gậy chống thường được phủ một lớp Teflon mỏng và mềm giúp chúng bám bề mặt tốt hơn. Họ nhận thấy rằng, việc thêm lớp Teflon giúp ngăn đạn lệch hướng khi chạm cửa xe, kính chắn gió…, nâng cao khả năng xuyên qua những bề mặt cứng như vậy.

Năm 1982, hãng NBC phát một chương trình đặc biệt về đạn bọc Teflon, nói rằng loại đạn này gây nguy hiểm cho cảnh sát (nhiều sở cảnh sát đã yêu cầu NBC không phát sóng chương trình này). Sau chương trình truyền hình của NBC, nhiều nhóm ủng hộ việc kiểm soát súng đạn ở Mỹ bắt đầu gọi đạn bọc Teflon là “đạn giết cớm”, vì chúng có thể xuyên qua loại áo giáp mà nhiều cảnh sát mặc hồi đó.

Giải mã đạn bọc chất chống dính xuyên thấu áo giáp ảnh 2

Thám tử Kate Beckette (Stana Katic thủ vai) giương khẩu Glock 17 trong một tập phim “Castle”. (Ảnh: ABC)

Đáng tiếc là nhiều báo cáo đã đưa tin sai rằng, việc tráng Teflon là nguyên nhân khiến đạn có độ xuyên mạnh hơn (nguyên nhân thực sự nằm ở lớp đồng cứng). Phim ảnh và các chương trình truyền hình tiếp tục phát tán sự ngộ nhận rằng, sau khi được tráng Teflon, những viên đạn bình thường bỗng có tính năng xuyên giáp.

Các bang Carolina Bắc, Carolina Nam, Oregon và Oklahoma ra luật cấm sử dụng đạn bọc Teflon. Ở bang Virginia, nếu sử dụng đạn Teflon để phạm tội thì sẽ bị xử nặng hơn.

Vào thập niên 90, KTW dừng sản xuất đạn Teflon. Tuy nhiên, nhiều hãng khác xuất xưởng các loại đạn tráng Teflon hoặc những chất bôi trơn khác như sáp, molybdenum disulfide, lubalox…


MỚI - NÓNG