Cũng trong phiên này, 74,8 triệu cổ phiếu (tương ứng 19% vốn hoá) của một doanh nghiệp được sang tay chớp nhoáng, và sau đó, giao dịch này bị phát hiện là bán không công bố. Nhiều diễn biến lạ khiến nhà đầu tư tá hoả.
HoSE tái diễn nghẽn lệnh "đơ" sàn - vì sao?
Kể từ tháng 7/2021, khi HoSE vận hành hệ thống giao dịch mới, tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán được giải quyết triệt để. Ngày 19/11, hệ thống HoSE vận hành trơn tru trong phiên giao dịch kỷ lục 44.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng gần 1,5 tỷ cổ phiếu. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra trong phiên giao dịch ngày 10/1. HoSE tái diễn nghẽn lệnh khi thanh khoản mới ở ngưỡng 35.000 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh khoảng 1,2 tỷ cổ phiếu. Hệ thống HoSE “đơ” 20 phút, bảng điện của các công ty chứng khoán gần như bất động, và “nhấp nháy” trở lại trước phiên ATC.
Bước vào phiên ATC, bảng giá hiển thị ổn định hơn, áp lực bán tăng mạnh khi nhiều nhà đầu tư lo lắng bán tháo, “chốt lời” khiến hàng loạt cổ phiếu chuyển từ tăng trần, sang giảm mạnh, thậm chí giảm sàn, tập trung ở nhóm bất động sản. 20 phút “đơ” của HoSE, thị trường đột ngột quay xe khiến nhà đầu không khỏi hoài nghi. Còn nhớ, nửa đầu năm 2021, HoSE thường xuyên gặp lỗi trong phiên thị trường lao dốc, khiến nhà đầu tư mắc kẹt không thể thoát hàng, hoặc lỡ cơ hội bắt đáy. Với phiên 10/1, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư chia sẻ "tá hoả" khi nhìn thấy tài khoản của mình “bốc hơi” một cơ số lãi lớn sau khi bảng giá được cập nhật. Suốt đêm 10/1, nhiều hội nhóm chứng khoán trên mạng xã hội “sáng đèn”, nhà đầu tư thâu đêm bàn luận về phiên “đơ” hệ thống của HoSE, cổ phiếu la liệt nằm sàn.
Ngay trong tối 10/1, sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, HoSE đã có giải thích, vào lúc 14 giờ 01 phút, hệ thống Gateway (UDP) trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán thành viên có hiện tượng mất ổn định, Sở đã vận hành hệ thống Gateway dự phòng và khắc phục tình trạng này vào lúc 14 giờ 26 phút cùng ngày. Thông tin bảng điện tử tại một số công ty chứng khoán có hiện tượng chập chờn trong khoảng thời gian nêu trên.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lập tức yêu cầu HoSE khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp.
Sau sự việc ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu không công bố, đồng loạt cổ phiếu "họ" FLC đồng loạt lao dốc, trắng bên mua ảnh: Như Ý |
Đồng thời, HoSE cần khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đáp ứng được mọi diễn biến của thị trường trong dài hạn (kể cả trường hợp khối lượng giao dịch tiếp tục tăng đột biến).
Hơn 74 triệu cổ phiếu bất ngờ ra hàng
Trong phiên hệ thống gặp sự cố, cuối ngày, cả thị trường bất ngờ khi biết cổ phiếu FLC (CTCP Tập đoàn FLC) ghi nhận thanh khoản tăng đột biến , chiếm 20% khối lượng giao dịch toàn sàn (135 triệu cổ phiếu). Trong đó, phiên thanh khoản “khủng” này có giao dịch không công bố 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC. Đây không phải lần đầu ông Quyết sử dụng hình thức này . Năm 2017, ông Quyết từng bị xử phạt 65 triệu đồng, vì bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo thông tin giao dịch.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), chiều 10/1, HoSE đã báo cáo về việc ông Trịnh Văn Quyết, bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin. UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Sự việc ông Trịnh Văn Quyết vừa bán 74,8 triệu cổ phiếu mà không công bố thông tin, lập tức gây bức xúc lớn trong giới đầu tư, nhiều cổ đông nhỏ lẻ hoang mang "thoát hàng" ngay giờ mở cửa phiên 11/1. Toàn bộ cổ phiếu "họ" FLC bị bán tháo, nhiều thời điểm trắng bên mua, dư bán giá sàn đến hàng triệu đơn vị. Khối ngoại cũng bán ròng cổ phiếu FLC với giá trị 45 tỷ đồng.
Để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch của thị trường, trao đổi với PV Tiền Phong, đã có ý kiến đề nghị cơ quan quản lý cần phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất cơ quan chức năng nên buộc ông Quyết phải mua ngay lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu FLC đã bán trong phiên giao dịch 10/1.
Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI nhận định, việc Chủ tịch Tập đoàn FLC bán 74,8 triệu cổ phiếu nhưng không thực hiện công bố thông tin, là sai phạm rất rõ ràng. Theo quy định tại nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt theo 3 chế tài, phạt hành chính tối đa 1,5 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, cá nhân vi phạm phải nộp lại số tài sản đã hưởng lợi bất hợp pháp, các khoản thu trái luật có được do thực hiện hành vi vi phạm. Ông Đức cũng cho rằng, với vụ việc này, có thể xem xét có hay không dấu hiệu hình sự.
Hủy giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết
Tối 11/1, Sở GDCK TPHCM (HoSE) thông báo sẽ hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết. Đây là quyết định chưa có tiền lệ, được đưa sau 1 ngày xảy ra sự việc.
Thông báo nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại công văn số 198/UBCK-TT ngày 11/01/2022 về việc bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC,mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch (theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020), HoSE sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/01/2022 của ông Trịnh Văn Quyết.
LÊ HỮU VIỆT