Nụ cười nàng Mona Lisa đã quyến rũ và gây bối rối cho người xem, cũng như các nhà khoa học trong nhiều thế kỷ. Tùy thuộc vào tâm thế và góc nhìn từng người mà nhìn ra kiệt tác của danh họa Leonardo da Vinci vẽ gương mặt vui vẻ hay u sầu.
Giờ đây có bằng chứng cho thấy Mona Lisa không phải là tác phẩm đầu tiên của da Vinci vẽ nụ cười bí ẩn. Theo các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Sheffield Hallam (Anh), kỹ thuật vẽ tranh này được ông sử dụng lần đầu trong bức tranh La Bella Principessa (Công chúa xinh đẹp).
Bức La Bella Principessa năm 2012 mới được xác nhận do da Vinci vẽ, ra đời trước bức Mona Lisa cuối thế kỷ 15. Trong tranh, nhân vật có nụ cười "khó hiểu", hình dáng đôi môi thay đổi tùy góc nhìn, tương tự bức Mona Lisa.
Nhìn thẳng vào miệng, ta thấy dường như Mona Lisa đang mím môi, thể thiện sự buồn bã hoặc không quan tâm. Tuy nhiên, nếu mắt hướng nhìn những chi tiết khác ngoài khuôn mặt và mái tóc, lại thấy nàng đang cười.
"Kết quả phân tích bức Mona Lisa củng cố giả thiết rằng, hiệu ứng ảo ảnh thị giác cũng được sử dụng trong bức chân dung La Bella Principessa," Soranzo, làm việc ở bộ môn Tâm lý học, cho biết.
"Mặc dù chưa thể giải đáp phải chăng da Vinci chủ ý dùng kỹ thuật này trong bức La Bella Principessa, nhưng có thể khẳng định, ông là bậc thầy trong kỹ thuật tạo ảo ảnh thị giác và cố ý dùng nó trong bức Mona Lisa," Soranzo nói. "Điều này phù hợp với châm ngôn của Leonardo rằng, chân dung phải phản ánh được 'tâm trí hỗn loạn' của nhân vật."