Giải mã ca bệnh “khó hiểu” ở Việt Nam: Cậu bé cứ ngóc đầu lên là ngất xỉu

Nguyên nhân có thể do trẻ được nuông chiều quá mức hoặc do ức chế, căng thẳng thần kinh tích tụ kéo dài. Ảnh minh hoạ: Internet
Nguyên nhân có thể do trẻ được nuông chiều quá mức hoặc do ức chế, căng thẳng thần kinh tích tụ kéo dài. Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Gia đình đã đưa bé đi chạy chữa tại 5 BV lớn ở Hà Nội nhưng kết quả không khả quan, cậu bé 8 tuổi vẫn cứ ngất xỉu, mất hoàn toàn tri giác mỗi lần ngóc đầu lên. Điều lạ lùng thậm chí khó hiểu là trước đó bé không hề có bất kỳ biểu hiện bệnh tật nào, vậy mà chỉ sau một cơn đau đầu dữ dội, bé thành người mang "trọng bệnh".

Chỉ sau một cơn đau đầu  

Theo lời chị N.T.L, mẹ bé N.T.B, 8 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội, sau buổi tan học ngày 6/8, cháu B. kêu đau đầu dữ dội. Chị liền cho con uống paracetamol giảm đau nhưng sau 1 tiếng vẫn không đỡ.

Ngay lập tức, gia đình đưa con sang BV 108 để khám. BS kê đơn thuốc 5 ngày về uống. Mới từ viện đi về nhà được nửa đường, B. đột nhiên kêu đau đầu dữ dội, theo mô tả như có búa đập vào đầu.

“Về nhà, cháu bắt đầu xuất hiện thêm nhiều biểu hiện lạ. Hễ cứ nâng đầu lên là người rũ như tàu lá chuối, bất tỉnh, sau chừng 1-2 phút tự hồi. Chân tay cũng nhũn ra không đi được nên chỉ nằm một chỗ, đi vệ sinh phải có người bế”, chị L. kể lại.

Gia đình sau đó đưa con đến hầu khắp các BV lớn ở Hà Nội, xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra tim, huyết áp, chọc não tuỷ... kết quả đều hoàn toàn bình thường.

Làm thêm cộng hưởng từ đốt sống cổ, đốt sống lưng, bác sĩ nghi bệnh nhi bị u tuyến ức gây nhược cơ. Tuy nhiên nằm lại viện 2 ngày để test nhược cơ vẫn không phải, sau đó phát hiện thêm tổn thương rễ thần kinh...

Trong suốt gần 2 tháng, bệnh nhi đã nằm điều trị tại nhiều chuyên khoa, từ cấp cứu, thần kinh, đến sức khoẻ tâm thần... nhưng đều không có tiến triển. Chị L. cho biết, đã từng nghĩ đến phương án phải đưa con sang nước ngoài điều trị.

Sau đó, từ lời khuyên của một BS, gia đình chị L đưa con đến BV Châm cứu TƯ để thăm khám và điều trị. Theo BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa điều trị Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em, BV Châm cứu TƯ, đây là một căn bệnh khá hiếm gặp. "Khi đến BV, cứ nâng cháu 15 độ là bất tỉnh, mất hoàn toàn tri giác và nhận thức. Chúng tôi nghĩ đến rối loạn phân ly hỗn hợp, tổn thương không rõ nhưng biểu hiện bên ngoài rất rõ”, BS Tâm nói. 

 Các bác sĩ áp dụng phương pháp điện châm, thuỷ châm, xoa bóp bấm huyệt và tác động tâm lý. Đến nay sau 10 ngày điều trị, cháu Bình đã hoàn toàn tỉnh táo, đi lại trong phòng nhẹ nhàng (đi xa phải dùng khung hỗ trợ), có thể xuất viện trong một vài ngày tới. BS Tâm chia sẻ, trong nhiều chục năm làm nghề, đây là ca bệnh lần đầu tiên ông gặp tại Việt Nam. 

Giải mã căn bệnh cực hiếm gặp

Theo PGS - TS Cao Tiến Đức, rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3-0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể lớn. Biểu hiện lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng, có thể là các triệu chứng cơ thể, các triệu chứng về thần kinh, tâm thần, có thể giống rất nhiều loại bệnh khác nhau mà lại chẳng giống bệnh nào. Trong vài năm gần đây, ở một số trường trung học phổ thông cũng xảy ra hiện tượng như vậy.

 Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề...

Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương. Đôi khi khó tìm thấy dấu vết của các chấn thương tâm lý, nhất là các trường hợp tái phát nhiều lần. Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy các rối loạn phân ly trước hết là nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra cũng có thể gặp các yếu tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não.

 Biểu hiện của bệnh rất đa dạng:

Rối loạn vận động: Rất đa dạng như lắc đầu, gật đầu, nháy mắt, múa giật, múa vờn... Hay gặp nhất lại là run toàn thân hoặc run cục bộ một phần chi thể, run tăng lên khi chú ý. Triệu chứng liệt phân ly cũng hay gặp ở các mức độ khác nhau, gặp cả liệt cứng và liệt mềm, một chi, hai chi hoặc cả tứ chi, nhưng trương lực cơ không thay đổi. Có thể gặp chứng rối loạn phát âm như khó nói, nói lắp, không nói trong khi cơ quan phát âm không bị tổn thương.

Rối loạn cảm giác: Rối loạn cảm giác thường gặp trong phân ly là cảm giác đau. Các khu vực mất cảm giác không đúng với vùng định khu của thần kinh cảm giác. Tăng cảm giác đau trong phân ly phức tạp hơn nhiều, dễ làm cho người ta nhầm với các triệu chứng đau “thực vật” và đau ngoại khoa như đau viêm ruột thừa, đau giun chui ống mật, đau vùng trước tim, đau dây thần kinh hông...

Rối loạn các giác quan (mù, điếc phân ly, mất vị giác và khứu giác phân ly, các rối loạn thực vật - nội tạng phân ly); Rối loạn tâm thần (quên, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy...).

Sững sờ phân ly: Vận động tự chủ giảm hoặc mất, người bệnh nằm hoặc ngồi bất động trong thời gian dài. Không nói và không hoạt động, không có các đáp ứng với một số kích thích như tiếng động, không mất ý thức, 2 mắt mở hoặc nhắm nghiền, không có các rối loạn cơ thể hoặc tâm thần khác liên quan đến trạng thái sững sờ và rất khó phân biệt với sững sờ căng trương lực, sững sờ trầm cảm.

Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Mất ý thức tạm thời. Hành động của cá nhân như một nhân cách khác, một linh hồn khác, một vị thần hoặc một lực lượng nào đó điều khiển. Xuất hiện một số động tác, tư thế, lời nói hạn chế và lặp lại. Các rối loạn đó xuất hiện không tự ý, không mong muốn và xuất hiện giữa các hoạt động thông thường xảy ra.

Điều trị triệu chứng, chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý. Liệu pháp ám thị thường được áp dụng có hiệu quả. Có thể dùng các thuốc hướng tâm thần, châm cứu, bấm huyệt tạo ra một ấn tượng tâm lý đủ mạnh để người bệnh tin tưởng tuyệt đối vào thầy thuốc làm mất các triệu chứng rối loạn chức năng.

Để dự phòng bệnh này, cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly. Rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.